Giúp học sinh chủ động khám phá
Vừa qua, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám triển khai thí điểm cách tiếp cận mới trong giáo dục di sản ở di tích. Mục tiêu của chương trình là gắn kết các hoạt động ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt tập thể với di sản thông qua việc tổ chức các chuyến thăm quan trải nghiệm tại di tích, gắn với mục tiêu đào tạo của cấp học, khối lớp và phù hợp với yêu cầu của từng môn học. Chương trình có khả năng tích hợp với tất cả các môn học. Thông qua di sản có thể tiếp cận kiến thức của nhiều môn học và làm các hoạt động sinh động đa dạng hơn. Đặc biệt, trọng tâm của hoạt động sẽ giúp học sinh nhận thức và củng cố kiến thức, kỹ năng với nhiều bước và thời gian khác nhau.
Để triển khai kế hoạch, cán bộ giáo dục tại di sản sẽ tập trung nghiên cứu và phối hợp với các thầy cô giáo xây dựng các chương trình giáo dục về di sản gắn liền với mục tiêu đào tạo, chuẩn kiến thức giáo dục cho từng cấp học, từng khối học và phù hợp với yêu cầu từng môn học. Qua đó, học sinh được tham gia các hoạt động trải nghiệm mang tính chủ động, tích cực, sáng tạo thông qua một khung chương trình do cán bộ di tích thiết kế theo ba bước: trước thăm quan, trong tham quan và sau tham quan…
Theo nhiều ý kiến đánh giá chung thì đây là phương thức hoạt động mới nhưng rất hữu ích, bởi lẽ trong quy trình giáo dục di sản cho các em học sinh ở tiểu học các em có một buổi thầy cô giáo giới thiệu về di tích, sau đó đưa các em đến thăm di tích theo một chủ đề hẹp mà các em tìm hiểu, cuối cùng là thu hoạch bằng các sản phẩm rất cụ thể.
Đây là chương trình giáo dục mới nhưng rất hiệu quả, là hoạt động mang tính gắn kết giữa nhà trường. So với phương thức cũ là học sinh chỉ ngồi trên lớp nghe thầy cô giảng các bài học về lịch sử, về di sản thì đây là phương thức đặc biệt hơn, vừa dạy vừa giới thiệu cho các em, vừa cho các em trải nghiệm tại di sản để các em có những nhận thức sâu sắc hơn về di sản…
Từ mô hình này, ngành văn hóa có thể phối hợp với ngành giáo dục nhân rộng trên toàn thành phố. Bởi lẽ, ở mỗi địa phương, mỗi làng quê, mỗi xã phường đều có những di tích gắn liền với truyền thống lịch sử của quê hương. Thông qua phương thức giáo dục này, sẽ góp phần giáo dục cho các em có nhận thức tốt hơn, hiểu biết hơn về những di tích ngay tại địa phương mình.
Không để hoạt động mang tính phong trào
Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Mỗi năm có khoảng 300- 400 đoàn tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám và khoảng 10 cuộc thi tìm hiểu, khám phá di tích Nho học ở các địa phương... nhưng sự ảnh hưởng, tính hiệu quả chưa cao.
Mặt khác, để gắn kết các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, sinh hoạt tập thể với di tích văn hóa thông qua việc tổ chức các chuyến tham quan, trải nghiệm tại di tích là một việc làm cần thiết nhưng lại tồn tại những khó khăn nhất định.
Theo bà Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Thuyết minh Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, đây là một quy trình phức tạp, trước hết phải liên hệ Ban Giám hiệu nhà trường xin chủ trương, trình bày về ý tưởng rồi lại phải liên hệ trực tiếp với giáo viên để gửi tài liệu, thuyết phục các cô giáo và các em học sinh triển khai thực hiện...
Đối với công tác giáo dục di sản thì không phải khu di tích nào cũng giống nhau nên công tác lựa chọn chủ đề, tạo không gian tham quan, sáng tạo cho các em học sinh thì nhất thiết các khu di tích phải nghiên cứu, chọn lựa làm sao cho phù hợp với nhu cầu, khả năng của các em học sinh sở tại...
Như vậy để triển khai có hiệu quả và không để giáo dục qua di sản trở thành một phong trào rầm rộ rồi lại rơi vào ngõ cụt thì các bảo tàng nói chung và Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần có cách làm phù hợp, nội dung hình thức phong phú hấp dẫn với học sinh.
PGS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng để thành công trong công tác giáo dục di sản tại các điểm di tích, bảo tàng hiện nay là nhờ ở các thầy cô giáo trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy các em nhỏ. Có một bất cập trong việc giáo dục di sản là căn bệnh “thành tích” trong việc đưa các em nhỏ trải nghiệm các giá trị của di sản. Nhiều trường cho các em đến các điểm di tích chỉ để đủ các hoạt động ngoại khóa thường niên, rồi để báo cáo tổng kết cuối năm học.
Ngoài ra nhiều ý kiến cũng cho rằng việc tổ chức các tour trải nghiệm di sản cho các học sinh hiện nay vẫn còn mang nặng tính phong trào. Đơn cử, có những thời điểm di tích Hoàng thành Thăng Long đón hàng nghìn học sinh nhưng tính hiệu quả không cao. Thực tế các chương trình giáo dục di sản dù được được tham khảo ý kiến của các chuyên gia cũng như có sự kết hợp chặt chẽ với các nhà trường, cơ sở giáo dục nhưng khi học sinh đến tham quan chỉ đi vòng vòng, chưa kịp tìm hiểu một điểm di tích đã vội di chuyển sang điểm mới.
Để tránh tình trạng nặng nề cho các học sinh, theo các đại biểu tại tọa đàm, việc giáo dục di sản cần đa dạng trong hình thức tổ chức dạy và học; lựa chọn giáo viên dạy minh họa, dự giờ, rút kinh nghiệm giờ học với quan điểm tập trung vào hoạt động học của học sinh; Biên soạn mới tài liệu sử dụng di sản trong dạy học ở trường phổ thông đối với các môn Ngữ văn và Mỹ thuật; Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên để triển khai thực hiện đại trà trên toàn quốc…