Thế nhưng đây là hội họa đương đại, chất truyền thống lại được gây dựng kết hợp để tạo ra hồn cốt mới trên một nền tảng rất cũ. Mà trên chất liệu dó, lại vô cùng kén chọn và kén duyên, không phải họa sĩ nào cũng tung tẩy trên đó được.
Nét đương đại trên nền truyền thống
Giới mỹ thuật Việt Nam từng biết tới tranh giấy dó của họa sĩ Vũ Thái Bình. Có thể nói, anh là một trong rất ít họa sĩ Việt trung thành với các sáng tạo trên chất liệu dó truyền thống.
Sinh năm 1976, họa sĩ Vũ Thái Bình có vẻ ngoài già trước tuổi. Anh thuộc tuýp người hoài cổ, khao khát tìm về các giá trị truyền thống, nâng niu vẻ đẹp nhỏ bé, bình dị của cuộc sống.
Xuất thân là một họa sĩ sân khấu, nhưng Vũ Thái Bình không theo nghề sân khấu, anh chọn dó như để được giãi bày cái tôi rất cũ, rất cổ và rất thanh khiết.
Tranh vẽ trên giấy dó của Vũ Thanh Bình mang đến cho người xem những cảm xúc đặc biệt, rất khác với tranh dó mà công chúng từng biết. Tìm hiểu về chất liệu truyền thống này, Vũ Thanh Bình tin dó là chất liệu có tầm quan trọng hơn rất nhiều trong hội họa, mà các họa sĩ chưa khám phá hết.
Sau lần công bố “Sắc Dó 2016” với hơn 40 tác phẩm được xây dựng trực tiếp từ những ghi chép, ký họa rất kỹ, tỉ mỉ, chi tiết những nơi mà Vũ Thái Bình đã đi qua. Cảnh vật, con người với những sắc thái vùng miền riêng đã đi vào trong hầu hết những tác phẩm của anh.
Tháng 10/2018, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, “Sắc dó 2018” lại được trưng bày lần thứ hai với hơn 30 tác phẩm. Điều đặc biệt là trong triển lãm này, Vũ Thái Bình trưng bày một số tác phẩm có kích thước lớn lên tới 228cm một chiều. Đây là khuôn khổ rất lớn so với các bức tranh trung bình 60 x 80cm của giấy dó.
Người yêu tranh còn nhớ họa phẩm “Nơi đây chỉ có đá” được lấy cảm hứng tại Đồng Văn (Hà Giang). Anh miêu tả cuộc sống nơi đây thật khắc nghiệt. Chỉ có đá và đá… không có gì khác. Con người sinh ra trên đá, chết đi cũng trên đá. Anh cố gắng ghi lại thật trung thực và sống động những gì mình thấy và cảm nhận.
Về căn bản, Vũ Thái Bình là người nắm cực kỳ vững kỹ thuật đặc trưng khó tính của giấy dó. Để làm chủ được mặt giấy với những bóc 3, bóc 2, bóc 1 là cả quá trình rèn luyện nghiêm túc.
Mở lối đi cho dó Việt
Vẫn là những tiếp nối trên cơ sở tư liệu ghi chép thực tế những trải nghiệm suốt nhiều năm, họa sĩ đã chuyển mình trên những “ghi chép thực tế” ấy nhưng đã ở một mức cao hơn từ chủ đề và nội dung.
Một tư duy mới đã dần “biến chuyển về kiểu thức trong tạo hình” ngay tự thân. Trước đây, anh vẽ chỉ đơn thuần là những đề tài thực, cảnh thực, người thực trên nền kỹ thuật tinh - sâu; thì nay đã lồng ghép lớp lang thời gian, cùng những suy tư tự sự.
“Nghiên cứu kỹ, tôi thấy dó rất bền, thậm chí bền hơn các chất liệu khác. Tranh sơn dầu thường dễ hỏng, phải bảo quản rất tốt trong điều kiện nhiệt độ phù hợp. Nhưng dó thì khác, nó là chất liệu cực kỳ bền, có thể để được mấy trăm năm, thậm chí có thể để cả ngàn năm”, họa sĩ Bình cho hay.
Với 25 tác phẩm được tuyển chọn kỹ lưỡng, giới thiệu trong triển lãm “Sắc Dó 3” ngay trong những ngày đầu năm mới 2021 đánh dấu bước chuyển biến mới trong hành trình đam mê sáng tạo “thổi hồn vào dó” của Vũ Thái Bình.
Những câu chuyện anh kể không còn là riêng lẻ, mà còn như chứa đựng cả thanh âm tạo thành một bản nhạc. Những mảng màu trầm ấm, mượt mà được họa sĩ thể hiện sinh động trên nền giấy dó, dẫn người xem dần đến những khoảnh khắc chân thực, bình dị.
Vũ Thái Bình nói rằng, chúng ta hay nghĩ dó chỉ phù hợp với mực tàu. Thực ra dó cũng hợp với màu nước, thậm chí là sơn dầu. Ban đầu thường ký họa trên dó, nhưng sau anh muốn thử nghiệm bằng cách khác, và phát hiện ra dó hoàn toàn có thể đẩy lên ở một mức độ cao hơn, với nhiều màu sắc.
Câu chuyện về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, êm đềm của núi rừng Tây Bắc qua những mùa của năm như: Mùa cây thay lá, Xuân về, Thong dong… mùa xuân được miêu tả chân thực với sắc đào, mận nở rực rỡ trên nền mái ngói cũ.
Đến câu chuyện về cuộc sống đời thường: Ngõ cũ, Chợ chiều, Ngày mới… một con ngõ nhỏ cổ kính, những ngư dân miền biển mưu sinh, những gì còn lại trong một xã hội công nghiệp thay đổi rất nhanh, nếu không ghi lại thì tất cả sẽ thành dĩ vãng. Mỗi tác phẩm chỉ thể hiện một góc nhỏ nhưng thu hút mạnh mẽ và đưa người xem đến những cung bậc xúc cảm nao lòng.
Họa sĩ Vũ Thái Bình chia sẻ: “Với tôi, dó là đứa con tinh thần. Để hiểu được dó tôi đã trải nghiệm qua nhiều thất bại. Nhưng khi đã tìm được sự đồng điệu, tôi lại nhận thấy dó vừa nhẹ nhàng, mềm mại, dẻo dai chứ không mỏng manh, dễ rách”.
Hiện tại, chất liệu giấy dó vẫn đang là một thách thức mở ra cho các họa sĩ tìm lối đi. Vũ Thái Bình cứ miệt mài vẽ màu nước trên giấy dó như một lẽ tự nhiên, không mệt mỏi, trải qua bao lần không thành công, những gì anh chắt chiu, miệt mài cũng đủ tạo một dấu ấn đẹp tựa “hồn dân tộc”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét: “Mặt dó mềm mượt chiều lòng kẻ nặng tình Vũ Thái Bình khi hồn gọi hình, hình đợi hồn trong khoảng trống siêu nhiên của dó Việt. Màu đa sắc thả mờ nhòe đến không màu, vây bủa như lạt mềm buộc hờ để người xem khó thoát những sợi tơ trời mong manh nơi bức họa”.