Tản văn:

Hồn cốt quê nhà

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Tháng 3 mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương, anh vào rừng đặt bẫy cài chông...”

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Những giai điệu rộn ràng của một Tây Nguyên xa xôi dường như lại có rất nhiều điểm tương đồng người dân quê tôi vào thời điểm tháng 3 âm lịch.

Thổ nhưỡng đặc trưng của miền núi khiến chúng tôi được mẹ thiên nhiên ban tặng đủ các loại măng: Nứa, giang, luồng... từ những cánh rừng tre, nứa của quê nhà. Đại vụ thì ăn măng tươi, giữa và cuối vụ thì ăn măng khô hoặc măng muối chua. Măng rừng đã trở thành món ăn quen thuộc không thể thiếu trong mâm cơm của những người dân trong bản.

Không giống như người Kinh, người Thái ở miền rừng này quan niệm rằng, khi tiếng sấm đầu tiên rền vang trên nền trời cùng với cơn mưa rào xuất hiện mới là thời điểm bắt đầu năm mới. Ấy cũng là lúc mùa măng đắng rộn ràng đến.

Măng đắng có hai loại. Măng vàu thân to, trắng hợp với khẩu vị những người thích ăn măng vị đắng nhạt. Còn loại măng tre khoang lài, sặt thân nhỏ, sau khi bóc vỏ chỉ to khoảng hai ngón tay, có vị đắng nhiều hơn nhưng nhai xong vẫn cảm nhận được vị ngọt trong miệng. Đây là loại măng mà đa phần người dân bản tôi đều thích. Măng đắng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như măng đắng xào cùng lá lốt và lá tía tô, măng đắng xào lòng gà, nộm măng đắng... Nhưng trong số đó, măng đắng luộc chấm chẻo chính là món ăn gây thương nhớ với tôi nhiều nhất.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Tôi nhớ những buổi sáng thuở nào, khi trời hãy còn sương sớm, tôi đeo gùi mây theo mẹ vào rừng. Chẳng cần tốn nhiều công sức, chỉ cần quan sát kĩ dưới thảm lá khô mục là có thể dễ dàng tìm ra những mụn măng mới nhú. Cơn mưa rào tháng Ba khiến măng lên trồi lên trên mặt đất như chông. Bỏ qua những thân măng cao nhiều lá, tôi chọn đào những mụn măng ngắn khoảng một gang tay mới chỉ nhú 2 - 3 lá. Đó mới là những củ măng ngon nhất.

Măng đắng sau khi đào lên, bóc đi vài lớp vỏ áo bên ngoài là đã có một cây măng trắng nõn có mùi hăng hăng đặc trưng. Nhưng chỉ cần mang ngâm nước muối vài giờ là mùi hăng đã mất. Bấy giờ đã có thể xếp măng vào nồi để luộc. Trong lúc củi lửa nổ tí tách, mẹ cời than nướng mấy con cá nhỏ mới đơm ở suối, còn tôi ra vườn hái mấy quả ớt xanh và bẻ vài củ sả.

Mẹ tôi nướng ớt và hành củ, sau đó giã nát rồi trộn cùng củ sả băm nhỏ, muối trắng rang khô và thịt cá nướng. Ấy là món chẻo chấm măng đã hoàn thành. Lúc này măng cũng đã chín, mẹ đổ ra chiếc rổ tre rồi dùng dao bổ cau chẻ đôi thân măng cho ráo nước. Bữa cơm trưa chỉ đơn giản có mấy con cá nướng cho trẻ nhỏ và đĩa măng đắng chấm chẻo dành cho cả nhà. Vị đắng của măng quyện với vị cay và thơm đặc trưng của chẻo chấm không chỉ khiến tôi thích mê mà còn có thể chinh phục bất kì ai kể cả ngay trong lần ăn măng đắng đầu tiên.

Người dân quê tôi vẫn thường bảo nhau: “Không biết ăn măng đắng thì không phải người đồng bào mình rồi”. Điều đó biểu thị rằng, măng đắng không chỉ là một món ăn mà còn là hồn cốt quê nhà. Để rồi mỗi độ tháng 3 âm lịch về, tôi lại mong ngóng tìm về với bản để nếm lại cái vị đắng đót một đời không thể nào quên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.