Hơn 20 năm lẩn trốn trong rừng sâu, núi thẳm cuộc sống của “người rừng” Ma Seo Chứ ẩn giấu bao điều lạ lùng. Chuyên án truy bắt Ma Seo Chứ, kéo dài 12 năm, cũng là một vụ kì án đặc biệt trong lịch sử điều tra của lực lượng Công an tỉnh Lào Cai.
Bỏ trốn vì... tát thầy phù thủy
Ma Seo Chứ sinh ra và lớn lên trong một gia đình người dân tộc Mông tại bản Phìn Chư 1, xã Nàn Sín, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Gia đình đông con nhưng Chứ được cha mẹ cho ăn học đầy đủ.
Vốn thông minh sáng dạ, lại ham học hỏi nên Chứ trở thành một trong những người biết nhiều chữ nhất bản. Không những thế, Chứ còn giỏi đi rừng, leo núi và tài săn thú cũng thuộc hàng có tiếng trong vùng. Sau giải phóng miền Nam, đất nước cần nhiều nhân lực cho công cuộc tái thiết, Chứ hăng hái viết đơn lên đường đi bộ đội.
Chứ trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, đi bộ đội khi tròn 22 tuổi. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, là một trong số ít người được học nhiều, Chứ đã được giới thiệu làm Phó Chủ tịch xã Nàn Sín.
Năm 1985, lãnh đạo huyện Bắc Hà muốn đào tạo Chứ thành một cán bộ nguồn và cơ cấu chức chủ tịch xã. Thế nhưng, Chứ đã từ chối vị trí chủ tịch xã. Chứ nói, mình được quân đội đào tạo nên chỉ muốn làm công việc nào liên quan đến quân sự.
Theo nguyện vọng đó, Chứ đã được phân công làm xã đội trưởng Nàn Sín. Ở cương vị công tác này, Chứ tỏ ra là người có tài và rất năng nổ, nhiệt tình... Chứ se duyên với chị Thào Thị Dúa. Cuộc sống của anh xã đội trưởng tài năng và cô sơn nữ cứ thế yên ả trôi đi.
Lần lượt bốn đứa con của Chứ ra đời trong sự đón chờ, yêu thương của gia đình, dòng họ. Những tưởng cuộc sống hạnh phúc, êm đềm ấy sẽ dài lâu thì một việc bất ngờ xảy ra, khiến cuộc đời Ma Seo Chứ bất ngờ rẽ lối.
Vào một buổi tối mùa thu năm 1990, sương mù phủ kín các mái nhà ở Phìn Chư. Cũng tối hôm ấy, cạnh nhà Chứ có một gia đình tổ chức cúng ma cho người nhà vừa mất, theo phong tục người Mông. Trong buổi lễ, con cháu họ hàng tập trung khá đông để cúng lễ và ăn uống.
Thế nhưng, vì bận công việc, Chứ không tham dự buổi lễ cúng ma. Khoảng 10 giờ đêm Chứ trở về nhà. Lúc này, đám cúng ma nhà hàng xóm cũng đã xong việc. Vào tới cổng, Chứ thấy một người lạ đang đứng trước cửa nhà mình nên cất tiếng hỏi: “Ai đấy?”.
Mặc dù, Chứ hỏi rất to, nhưng người kia vẫn không lên tiếng. Nghĩ rằng có thể là kẻ xấu định vào nhà để ăn trộm, Chứ chạy lại gần và tát mạnh vào mặt người lạ. Bị tát bất ngờ, người lạ vụt bỏ chạy và cũng không nói bất kỳ câu nào.
Chứ đã thức đến sáng để đề phòng người lạ kia quay lại, trả thù. Hôm sau, Chứ nói chuyện với người nhà, mới biết người bị mình tát là thầy phù thủy chuyên làm lễ ma khô được gia đình có đám tang mời về cúng. Chứ cảm thấy sợ hãi vì nghĩ rằng ông thầy phù thủy sẽ tìm cách trả thù.
“Thần hồn nát thần tính”, Chứ vội vã thu xếp hành lý rồi chỉ kịp bảo với vợ mình là chị Dúa, rằng: “Tao lên nương lúa của nhà mình ở. Mẹ mày có việc gì thì cứ lên đó tìm, thi thoảng đem cơm nước lên cho tao nữa”. Nói xong, Chứ xách súng AK cùng lượng đạn Nhà nước cấp, đem trả cho xã rồi bỏ trốn lên rừng...
Thời gian đầu, chị Dúa vẫn đem thức ăn, đồ uống cho Chứ và lấy làm khó hiểu về hành động bất thường của chồng. Sau nhiều lần khuyên bảo không thành, ông Ma Seo Vàng, bố đẻ của Chứ, khuyên chị Dúa mời thầy cúng về cúng trừ ma cho Chứ.
Chứ bị mọi người trong gia đình trói lại đem về nhà cúng trừ ma. Chứ giải thích với mọi người mình không bị ma nhập nhưng không ai nghe. Thấy ngay cả vợ cũng không tin mình, Chứ chán nản quyết định sau khi cúng xong sẽ từ bỏ hẳn gia đình để lên rừng sinh sống.
Đến ngày thứ ba của lễ cúng trừ ma, nhân lúc mọi người ngủ say, Chứ lại bỏ trốn vào rừng. Lần này, Chứ không về lại lán mà băng rừng sang khu vực rừng già thuộc xã Thanh Bình, huyện Mường Khương sinh sống trong các hốc đá.
Không còn được gia đình tiếp tế nên Chứ tự chế vũ khí thô sơ, bẫy bắt chim thú, tắc kè, thú rừng, thu lượm mộc nhĩ, nấm hương, cây thuốc, mật ong... đem bán, trao đổi lấy thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt. Cuộc sống của “người rừng” Ma Seo Chứ cứ thế gắn núi rừng hết năm này qua năm khác...
Đến vụ giết người bằng súng AK
Gần bảy năm sống trong rừng sâu như con thú hoang, bỗng một ngày Chứ thấy nhớ vợ con đến cồn cào. Một ngày đầu năm 1997, “người rừng” quyết định về thăm nhà. Chứ ngược dòng Nậm Chảy, theo đường rừng, về Si Ma Cai nhưng nơi cũ không còn ai ở.
Thôn bản xưa kia đã di chuyển tới vùng đất mới. Không có ai để hỏi thăm, Chứ nghĩ rằng, gia đình đã chuyển về Bảo Yên sinh sống nên lại theo đường rừng tìm về đó. Tại đây, Chứ cũng không có tin tức gì của người thân nên tuyệt vọng quay về khu vực xã Thanh Bình, tiếp tục cuộc sống hoang dã.
Chiều 28/7/1997, Chứ về qua xã Tả Thàng, huyện Mường Khương. Thời điểm này trên địa bàn huyện Mường Khương, tình trạng trộm cắp trâu bò xảy ra khá nhiều. Nhìn bộ dạng thất thểu của Chứ, lực lượng công an và dân quân địa phương sinh nghi gọi vào kiểm tra. Vì Chứ không có giấy tờ tùy thân nên bị đưa về trụ sở xã Tả Thàng tạm giữ.
Tại đây, Chứ khai tên là Sùng Lử, ở xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, là bộ đội ra quân được bảy năm, không có nhà cửa, vợ con, bố mẹ đều đã chết nên sống lang thang trong rừng.
Thấy lời khai có nhiều điểm khả nghi và cũng không thể xác minh lai lịch của Chứ ngay trong ngày nên chính quyền xã Tả Thàng quyết định giữ hắn thêm một ngày. Bốn dân quân được trang bị súng AK làm nhiệm vụ canh gác Chứ.
Vậy nhưng, đến khoảng 4 giờ sáng, lợi dụng lúc tổ canh gác thấm mệt ngủ thiếp đi, Chứ đã tự cởi trói, bỏ trốn và trộm luôn khẩu AK với năm viên đạn. Chứ vừa lấy được súng đi ra cửa thì lực lượng canh gác cũng bật dậy, truy bắt. Chứ đã bắn lên trần nhà một phát đạn rồi tẩu thoát vào rừng sâu giữa màn đêm.
Sau khi bỏ trốn, Chứ về hang đá khu vực xã Thanh Bình sinh sống. Nhưng từ đó, Chứ không dám đến xã Tả Thàng, hay những phiên chợ chính vì sợ bị phát hiện. Đến tháng 8/1998, trong khi đi săn bắn, người dân xã Thanh Bình phát hiện có người đang nấu cơm trong Hang Khỉ thuộc thôn Văng Đẹt. Nghi đó chính là người đàn ông trộm súng ở xã Tả Thàng, Công an huyện Mường Khương liền triển khai kế hoạch truy bắt.
Lực lượng trinh sát chia làm hai mũi tiến lên Hang Khỉ. Mũi trinh sát do Trưởng công an xã Thanh Bình Tráng Sín Trà chỉ huy áp sát khu vực Hang Khỉ thì thấy một người đàn ông đang ngồi ăn cơm.
Một đồng chí trong tổ hô lên: “Ai đấy, ra đây tôi bảo”. Nghe thấy tiếng hô bất ngờ, người đàn ông giật mình, vơ vội khẩu súng AK rồi bắn liên tiếp. Nghe tiếng súng nổ, các mũi trinh sát liền rút quân xuống phía dưới rồi cử người về huyện báo cáo.
Công an huyện Mường Khương lập tức huy động toàn bộ lực lượng để truy bắt đối tượng. Khi công an lên tới Hang Khỉ thì chỉ thấy đống tro vẫn đang nghi ngút khói trong căn lán nhỏ.
Trưởng công an xã Tráng Sín Trà bị bắn, nằm chết bên vách đá... Công an tỉnh Lào Cai huy động lực lượng truy bắt lên đến hàng trăm cán bộ, chiến sĩ vào cuộc. Chuyên án 898G được thành lập để tập trung phương tiện điều tra, vì đây là vùng núi cao rừng sâu hiểm trở, cần chọn những phương tiện phù hợp với địa hình.
Ban chuyên án đã tiến hành sàng lọc đối tượng và Ma Seo Chứ được đưa vào diện tình nghi số một.
Theo mô tả của người dân, Ban chuyên án xác định Sùng Lử, người trốn khỏi UBND xã Tả Thàng chính là người đã bắn chết Trưởng công an xã Tráng Sín Trà. Từ tình tiết Sùng Lử khai đi bộ đội được bảy năm, các điều tra viên đã rà soát toàn bộ những người đi bộ đội có thời gian 7 - 8 năm dọc hai bờ sông Chảy.
Qua xác minh tại thôn Phìn Chư 1, Ban chuyên án xác định, đối tượng lấy cắp súng ở Tả Thàng và đối tượng bắn chết Trưởng công an xã Tả Thàng chính là “người rừng” Ma Seo Chứ.
“Người rừng” sa lưới
Ngày 31/1/2010, người dân xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai, phát hiện người đàn ông có nhiều đặc điểm giống “người rừng” bị truy nã, xuất hiện ở khu vực thôn Thào Chư Phìn ra phía bờ sông Chảy.
Nhận được tin báo, Trưởng công an xã Thào Chư Phìn Sùng A Dín cử người báo UBND xã để xin thêm lực lượng và cùng dân bản lần theo dấu “người rừng”. Sùng A Dín đoán, “người rừng” khi xuống chợ sẽ cất súng ở rừng và trong gùi có thể chỉ còn dao nên quyết định chặn lại để kiểm tra.
Bị chặn kiểm tra bất ngờ, đối tượng liền rút dao ra và nói: “Tao chỉ đi chợ, không làm gì mà bắt tao. Đứa nào vào tao giết”! Tay lăm lăm con dao sắc lẹm, hắn định tẩu thoát theo lối hướng về phía bờ sông Chảy.
Sùng A Dín và mọi người vẫn kiên quyết bám theo, “người rừng” liền quay ngoắt lại, vác dao chém thẳng vào anh. Đề phòng từ trước nên Dín đã tránh được nhát dao chí mạng. Đúng lúc này, lực lượng huy động của UBND xã Thào Chư Phìn tới ứng cứu.
Người đàn ông vội tháo chạy vào rừng, nhưng được khoảng vài cây số, hắn đã bị quật ngã và bắt sống. Trên đường áp giải hắn khai tên là Ma Seo Chứ, ở xã Nàn Sín, từng đi bộ đội, sau khi bố mẹ và vợ con đã chết thì bỏ vào rừng sống.
Nhưng khi được đưa về đến trụ sở UBND xã Thào Chư Phìn, Chứ không nói gì, mắt nhắm tịt, nằm thu lu bất động. Công an tỉnh Lào Cai đã di lý Chứ về trại tạm giam của tỉnh để trực tiếp điều tra.
Về trại tạm giam của Công an tỉnh Lào Cai, Ma Seo Chứ lúc nào cũng tỏ ra sợ hãi. Hắn luôn tìm cách chui xuống gầm ghế, hoặc nằm co người trên sàn nhà, ú ớ không chịu ăn uống gì. Ở rừng nhiều, ăn sống, nuốt tươi những gì kiếm được suốt hai chục năm nên giờ cho ăn cơm có thịt, có cá là hắn bị đau bụng đi ngoài.
Phải mất hàng tháng trời, Chứ mới ăn được đồ như người bình thường. Việc Chứ không ăn uống được bình thường, chỉ ú ớ ra hiệu là một trở ngại lớn đối với cán bộ quản giáo và điều tra viên.
Suốt thời gian sau đó, tiếp xúc với cán bộ quản giáo và điều tra viên, dù rất hợp tác, nghe được tiếng người nhưng Chứ cũng chỉ gật và lắc.
Vài tháng sau khi ở trại giam, Chứ đã được đưa về rừng phục vụ công tác thực nghiệm điều tra. Đường đi đều men theo vách đá cheo leo hiểm trở, khe suối dựng đứng. Nơi Chứ ở là những hang đá tai mèo nằm vắt vẻo bên sườn núi.
Nơi Chứ ở lâu nhất là một chiếc hang ở độ cao khoảng 16 mét, phải leo bằng dây mới lên được. Trong hang có nhiều bẫy chim, thú do Chứ tự chế. Chứ còn nuôi cả ong lấy mật để bồi dưỡng sức khỏe, chống chọi trong mùa đông khắc nghiệt nơi rừng hoang.
Tại đây, điều tra viên còn thu được cuốn sổ tay Chứ đựng trong ống nứa, ghi chép lại những sự kiện quan trọng. Chứ còn giấu ba khẩu súng ở ba hang đá khác nhau. Mỗi cửa hang Chứ đặt một cái bẫy sắt to, có thể giết cả voi, hổ để bảo vệ, đề phòng bị tấn công bất ngờ.
Thế nhưng, suốt mấy trăm cây số đường rừng về Hang Khỉ, nơi hắn bắn chết Trưởng công an xã Tráng Sín Trà, về các căn cứ của Chứ dọc sông Chảy phục vụ công tác điều tra, thực nghiệm hiện trường... nhưng Chứ vẫn chưa nói một câu nào, chỉ ra hiệu.
Lúc mới vào trại tạm giam, dù trời rất lạnh nhưng Chứ vẫn quen với lối sống hoang dã. Có hôm phát hiện thấy Chứ nằm co ro, có vẻ rất lạnh một điều tra viên liền cởi chiếc áo của mình cho hắn mặc.
Sau đó, anh về nhà nói với vợ mua cân thịt nấu chín mang vào trại cho Chứ ăn. Có lẽ cảm động trước tình người sau hai chục năm sống cùng muông thú, Chứ đã thoát khỏi trạng thái “người câm”. Chứ buột miệng nói với một phạm nhân cùng trại giam: “Thịt này thì ăn trước đi, không để được lâu, còn lạc để sau ăn”.
Ma Seo Chứ đã nói chuyện, nhưng làm sao để hắn khai và nhận tội vẫn là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Các điều tra viên đã suy tính rất kỹ, tìm biện pháp để khơi gợi phần nhân tính của “người rừng”, để hắn hợp tác với cơ quan điều tra.
Điều tra viên đã cho mẹ Chứ đến gặp anh ta. Thấy mẹ, Chứ đã quỳ xuống ôm chân bà. Mẹ Chứ vừa khóc vừa nói: Mày là thằng Chứ, tại sao mày không nói? Mày đi đâu bao năm nay giờ mới về? Thằng Chứ, tao tưởng mày đã chết rồi!
Sau cuộc gặp người mẹ, thái độ Chứ bắt đầu đổi khác. Dần dần, qua đấu tranh và sự khuyên nhủ của các điều tra viên, Chứ đã khai nhận toàn bộ sự việc. Chứ bảo, hắn chính là kẻ đã cướp khẩu súng AK tại UBND xã Tả Thàng năm 1997 và bắn chết Trưởng công an xã Tráng Sín Trà năm 1998...
Ngày 1/3/2010, Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai đã đưa Ma Seo Chứ (SN 1954), ra xét xử. Tòa đã tuyên Chứ án chung thân vì các tội giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và chống người thi hành công vụ.