Mô-đun 4 có nội dung là “Quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh ở nhà trường phổ thông”. GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục ghi nhận những nỗ lực của đội ngũ phụ trách chương trình ETEP tại Học viện đã khắc phục khó khăn, tổ chức thành công khóa tập huấn, bồi dưỡng, bảo đảm về mặt chất lượng cũng như tiến độ thời gian.
Qua đây, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, làm tiền đề triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Theo đánh giá sơ bộ của ban tổ chức, 100% học viên đã hoàn thành khoá tập huấn, bồi dưỡng. Quá trình tập huấn, bồi dưỡng diễn ra nghiêm túc, chất lượng. Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong cụm trường, nhằm phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý trường phổ thông và tư vấn trong xây dựng kế hoạch tự học, tự phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn nghề nghiệp.
Đồng thời, tham mưu cho cơ quan quản lý giáo dục tổ chức, đánh giá công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông khác của địa phương. Đây sẽ là cơ hội để cán bộ quản lý cốt cán phát huy kết quả thu được trong đợt tập huấn, bồi dưỡng vào thực tiễn công việc.
Để công tác bồi dưỡng đại trà thực sự có hiệu quả, PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục - cho rằng, trước hết cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của sở/phòng GD&ĐT các địa phương; Xây dựng chặt chẽ mối quan hệ “kiềng 3 chân”: Đơn vị tập huấn – cơ quan quản lý giáo dục – đội ngũ cốt cán.
“Học viện Quản lý giáo dục đã, đang và sẽ trao đổi, làm việc với một số sở GD&ĐT để kiểm chứng tính hiệu quả mà các cán bộ quản lý cốt cán đã đóng góp cho cơ sở giáo dục địa phương. Đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi tiến hành bồi dưỡng đại trà” - PGS.TS Trần Hữu Hoan nhấn mạnh.