Bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở GD PT: Không để số lượng ảnh hưởng đến chất lượng

GD&TĐ - PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ làm sao để công tác bồi dưỡng CBQL CSGDPT đại trà thực sự có hiệu quả.

HS Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong ngày hội STEAM. Ảnh: NTCC
HS Trường Nguyễn Siêu (Hà Nội) trong ngày hội STEAM. Ảnh: NTCC

Theo PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, một trong những nhiệm vụ cấp bách để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả là đẩy nhanh tiến độ bồi dưỡng, tập huấn cho khoảng 80.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trên toàn quốc; trước mắt là hơn 4.000 cán bộ cốt cán.

Đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng

- Những điểm nhấn trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQL CSGDPT) cốt cán, đại trà là gì, thưa PGS? 

- Hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong quá trình thiết lập những định hướng phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục HS, quản lý và thúc đẩy hoạt động khác, tạo sự thành công trong thực hiện chương trình mới cho ngành Giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng. 

Vì vậy, việc bồi dưỡng năng lực quản trị nhà trường nói chung cho đội ngũ CBQL CSGDPT cốt cán trong thời điểm hiện nay có tính cấp thiết và có giá trị thực tiễn, giúp họ nắm bắt, triển khai nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý nhà trường theo yêu cầu của đổi mới giáo dục nói chung và yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 nói riêng. 

Công tác bồi dưỡng đội ngũ CBQL CSGDPT cốt cán và đại trà được triển khai từ năm 2019. Đến nay, đã đạt được kết quả cao, tạo lan tỏa sâu rộng tới từng cơ sở GDPT trong toàn quốc. Theo đó, Học viện Quản lý Giáo dục đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho CBQL CSGDPT cốt cán cấp tiểu học, THCS và THPT. Cụ thể, trong năm 2019, Học viện tổ chức tập huấn bồi dưỡng mô-đun 1: “Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường tiểu học, THCS và THPT” cho hơn 4.100 CBQL CSGDPT cốt cán các cấp (đạt 114% so với chỉ tiêu được giao).

Trong trong tháng 10, 11 và 12/2020, Học viện tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho CBQL CSGDPT cốt cán 2 mô-đun: Quản trị nhân sự trong trường tiểu học/THCS/THPT và Quản trị tài chính trong trường tiểu học/THCS/THPT theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình. Đến nay, 100% học viên tham gia hoàn thành các yêu cầu bài tập của 2 mô-đun trên hệ thống học tập (LMS). Học viện hoàn thành việc đánh giá bài tập của học viên, với kết quả sơ bộ 99% học viên đạt yêu cầu về bài tập và khoảng 99,5% học viên đánh giá hài lòng, rất hài lòng về khóa tập huấn, bồi dưỡng.

- So với trước đây, đợt tập huấn, bồi dưỡng lần này có điểm gì khác biệt? 

- Năm 2020, công tác tập huấn, bồi dưỡng có những điểm khác biệt và được cải tiến rõ nét. Điều đó được thể hiện trong hình thức, phương pháp tổ chức và nội dung, học liệu như: Các khóa tập huấn được tổ chức riêng cho từng cấp học, với quy mô 50 học viên/lớp; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai dạy học, thực hành, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn.

Tài liệu tập huấn bồi dưỡng được biên soạn công phu, bám sát mục tiêu, gắn thực tiễn, dễ sử dụng với người học. Tất cả tài liệu học tập được đăng tải trên hệ thống học tập của Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT với sự hỗ trợ của Tập đoàn Viễn thông Viettel trước khi tổ chức tập huấn trực tiếp tối thiểu 5 ngày.

Bên cạnh đó, đội ngũ báo cáo viên và giảng viên có năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm 2 - 3 giảng viên, báo cáo viên/lớp bồi dưỡng và 2 giảng viên cho từng buổi học theo đúng yêu cầu của Ngân hàng Thế giới và Ban Quản lý Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT. Hình thức tổ chức bồi dưỡng kết hợp trực tiếp và trực tuyến. 

PGS.TS Trần Hữu Hoan
PGS.TS Trần Hữu Hoan

Không chạy theo thành tích

- PGS có nhắc đến kết quả bồi dưỡng mô-đun 1 với 99,5% học viên được cấp chứng nhận hoàn thành. Kết quả này có thực chất và khách quan?

- Là người trong cuộc, trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác bồi dưỡng CBQL cốt cán, chúng tôi luôn nhận thức rằng, chất lượng là “sự sống còn”; không để số lượng ảnh hưởng đến chất lượng bồi dưỡng và không chạy theo thành tích. Chúng tôi luôn quan niệm: “Thực người, thực việc”. Mục tiêu chính của tập huấn - bồi dưỡng là giúp CBQL CSGGPT có được năng lực quản trị nhà trường, quản trị từng hoạt động cụ thể, tiếp thu kinh nghiệm để giải quyết tình huống quản lý cụ thể trong nhà trường. 

Để đợt tập huấn, bồi dưỡng đạt chất lượng, hiệu quả, chúng tôi thực hiện đúng quy trình, chuyên nghiệp trong tất cả các khâu: Từ chuẩn bị tài liệu, tập huấn cho giảng viên về tài liệu, chuẩn bị tổ chức bồi dưỡng, quá trình tổ chức (đội ngũ báo cáo viên, giảng viên, thống nhất trong soạn bài giảng, ban tổ chức đợt tập huấn, cán bộ phục vụ lớp học…) cho đến giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện; đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm sau từng đợt tập huấn, bồi dưỡng và cải tiến cho các lớp trong đợt bồi dưỡng. 

Qua quan sát và đánh giá sơ bộ có thể khẳng định, đợt tập huấn, bồi dưỡng lần này đã tạo ra sự khác biệt, hiệu quả, bổ ích, giúp người học giải quyết, tháo gỡ được những vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục 2018. Với tất cả những gì đã và đang làm, chúng tôi khẳng định: Kết quả đó là thực chất và khách quan.

- Vậy bài học kinh nghiệm được rút ra là gì, thưa PGS?

- Công tác phát triển tài liệu tuy được thực hiện công phu, đúng quy trình, song tiến độ biên soạn tài liệu cho các mô-đun cần được đẩy nhanh hơn nữa để có thêm thời gian cho giảng viên nghiên cứu. Việc giới thiệu, tập huấn cho giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt về tài liệu bồi dưỡng cần được tổ chức sớm hơn, trước khi tổ chức bồi dưỡng trực tiếp ít nhất là 1 tháng, để đội ngũ giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt (giảng viên tham gia bồi dưỡng) có thời gian nghiên cứu tài liệu, biên soạn bài giảng. Ngoài ra, đơn vị đầu mối tổ chức cũng có thêm thời gian chuẩn bị.

Đặc biệt, các sở GD&ĐT cần quan tâm hơn nữa cho công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Cử cán bộ tham gia theo dõi, giám sát việc bồi dưỡng, nhất là bồi dưỡng CBQL đại trà. Vì đến thời điểm này, việc bồi dưỡng CBQL đại trà của một vài tỉnh, thành phố vẫn là “số 0” (do chưa tổ chức bồi dưỡng CBQL đại trà).  

Giờ học Tiếng Việt theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của cô - trò Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình). Ảnh: Minh Phong
Giờ học Tiếng Việt theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của cô - trò Trường Tiểu học Đông La (Đông Hưng, Thái Bình). Ảnh: Minh Phong

Xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp

- Năm 2021, chương trình bồi dưỡng, tập huấn  được triển khai như thế nào? Có phải điều chỉnh so với năm 2020 để đạt hiệu quả cao nhất?

- Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT và Ban Quản lý ETEP, Học viện Quản lý Giáo dục tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn 3 mô-đun tiếp theo gồm: Quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ dạy học, giáo dục trong trường phổ thông; Quản trị chất lượng trong trường phổ thông và dự kiến mô-đun: Ứng dụng công nghệ thông tin trong trường phổ thông.

Về hình thức bồi dưỡng không có thay đổi, kết hợp trực tiếp và trực tuyến (5 ngày tự nghiên cứu tài liệu, hoàn thành nhiệm vụ trên hệ thống LMS + 3 ngày trực tiếp và 7 ngày hoàn thành yêu cầu bài tập sau bồi dưỡng trực tiếp). Về thời lượng, thời gian bồi dưỡng trực tiếp có thể thay đổi: Từ 3 ngày, giảm xuống còn 2 ngày. Tuy nhiên, đây mới là dự kiến của Ban Quản lý ETEP. Với công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý CSGDPT đại trà, để đạt hiệu quả cao hơn cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, nhất là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở GD&ĐT. 

Mục đích của tập huấn, bồi dưỡng CBQL CSGDPT cốt cán là “đào tạo máy cái”. Vì vậy, cần tạo sự lan tỏa, ảnh hưởng tích cực đến đội ngũ CBQL CSGDPT của các địa phương. Theo đó, đội ngũ CBQL CSGDPT cốt cán này cần chủ động, năng động hơn nữa trong tham mưu với lãnh đạo sở/phòng trong việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý đại trà của địa phương mình. Đồng thời, tích cực hơn trong hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện các nhiệm vụ để triển khai Chương trình GDPT 2018; từ đó nâng cao năng lực quản trị từng hoạt động tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Học viện sẽ tăng cường trao đổi, làm việc với sở GD&ĐT để kiểm chứng hiệu quả mà các cán bộ quản lý cốt cán đã đóng góp cho các cơ sở giáo dục địa phương.  

-  Nhiệm vụ quan trọng của cán bộ cốt cán sau tập huấn là hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp, cán bộ quản lý đại trà ở địa phương. Việc này sẽ được giám sát như thế nào để công tác bồi dưỡng, tập huấn phát huy hiệu quả vào thực tiễn?

- Đội ngũ CBQL CSGDPT cốt cán có vai trò quan trọng trong triển khai bồi dưỡng cán bộ quản lý đại trà, với 2 nhiệm vụ chính: Hỗ trợ, tư vấn cho CBQL CSGDPT trong cụm trường, nhằm giúp họ phát triển năng lực lãnh đạo, quản lý trường phổ thông, tư vấn việc xây dựng kế hoạch tự học, tự phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn nghề nghiệp GV và chuẩn hiệu trưởng.

Tiếp đó, tham mưu cho cơ quan quản lý giáo dục địa phương tổ chức, đánh giá công tác bồi dưỡng thường xuyên cho GV và CBQL CSGDPT khác của địa phương. Đây là cơ hội để các cán bộ quản lý cốt cán phát huy kết quả thu được trong đợt tập huấn bồi dưỡng vào thực tiễn công việc của mình. Thông qua việc làm này, sẽ nhận thấy được sự tác động, hiệu quả của đợt tập huấn bồi dưỡng. 

Tuy nhiên, để công tác bồi dưỡng CBQL CSGDPT đại trà thực sự có hiệu quả, tôi cho rằng: Trước hết, cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của sở/phòng GD&ĐT các địa phương với Học viện Quản lý Giáo dục; nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng CBQL đại trà và sự chủ động, năng động của cán bộ quản lý cốt cán trong tham mưu lãnh đạo, lập kế hoạch bồi dưỡng đại trà; nỗ lực, trách nhiệm trong hỗ trợ, hướng dẫn đồng nghiệp ở địa phương. Đặc biệt, cần sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt của các cấp lãnh đạo và giám sát, kiểm tra chặt chẽ, báo cáo kịp thời của cán bộ quản lý cốt cán địa phương - người có nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn bồi dưỡng cán bộ quản lý đại trà.    

- Xin cảm ơn PGS.TS!

Ngoài hơn 4.000 CBQL CSGDPT cốt cán được bồi dưỡng tập huấn; còn có hơn 76.000 CBQL đại trà phải được tiếp xúc nguồn học liệu của các mô-đun và được hỗ trợ tập huấn bồi dưỡng các mô-đun như của CBQL CSGDPT cốt cán qua hệ thống LMS. Đây là hướng đi đúng, tạo sức lan tỏa, hiệu quả cao. - PGS.TS Trần Hữu Hoan

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.