Hơn 30% tài sản nước Mỹ nằm trong tay 1% dân số

GD&TĐ - Báo cáo của FED về tài sản hộ gia đình cho thấy, tổng tài sản của nhóm 1% dân số siêu giàu nước Mỹ đã đạt mức kỷ lục 45.900 tỷ USD vào cuối quý IV/2021.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo số liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố đầu tuần này, trong năm 2021, tài sản của nhóm những người giàu nhất nước Mỹ như Warren Buffett và Jeff Bezos vốn chiếm 1% dân số nước này đã tăng thêm tổng cộng 6.500 tỷ USD do giá cổ phiếu gia tăng và thị trường tài chính khởi sắc.

Báo cáo của FED về tài sản hộ gia đình cho thấy, tổng tài sản của nhóm 1% dân số siêu giàu nước Mỹ đã đạt mức kỷ lục 45.900 tỷ USD vào cuối quý IV/2021. Trong suốt thời gian đại dịch hơn 2 năm qua, tài sản của những người này đã tăng thêm 12.000 tỷ USD. Tính riêng trong năm 2021, tổng tài sản của 1% những người giàu nhất chiếm mức kỷ lục 32,3% tài sản trên toàn nước Mỹ.

Báo cáo của FED cho biết, động lực chính giúp những người giàu nhất nước Mỹ càng thêm giàu vào năm ngoái là do cổ phiếu và các hoạt động từ lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân.

Dữ liệu cũng cho thấy, khoảng 4.300 tỷ USD trong tổng mức tăng 6.500 tỷ của 1% người siêu giàu này đến từ cổ phiếu doanh nghiệp. Danh mục cổ phiếu nhóm 1% dân số Mỹ này hiện có tổng trị giá 23.000 tỷ USD và họ đang sở hữu tới 53,9% số cổ phiếu riêng lẻ trên toàn thị trường.

Ngoài cổ phiếu, các doanh nghiệp tư nhân cũng là một động lực mạnh mẽ cho những người giàu nhất tăng tài sản. Theo FED, tỷ lệ 1% người giàu nhất sở hữu 57% số công ty tư nhân của nước Mỹ. Giá trị của các doanh nghiệp tư nhân do họ nắm giữ cũng đã tăng 36%, tương đương 2.200 tỷ USD trong năm 2021.

Ở một diễn biến khác, giá trị các bất động sản gia tăng cũng đóng góp vào số tài sản ngày một lớn của 1% người siêu giàu nói trên. Theo đó, số tài sản nhà đất mà những người này nắm giữ đã tăng từ mức dưới 1.000 tỷ USD lên thẳng 5.270 tỷ USD trong thời kỳ đại dịch.

Ông Edward Wolff, Giáo sư kinh tế tại Đại học New York, nhận định những con số này đã cho thấy sự bùng nổ của cải do đại dịch là một trong những đợt bùng nổ tài sản lớn nhất trong vòng 40 năm qua tại Mỹ.

Tuy nhiên, chính điều này lại làm bất bình đẳng trong thu nhập tại nền kinh tế số 1 thế giới ngày càng lớn hơn nữa. Theo đó, khi quyền sở hữu cổ phiếu nghiêng nhiều về tầng lớp siêu giàu của Mỹ thì việc giá cổ phiếu tăng cao sẽ dịch chuyển nhiều tiền hơn sang những người này.

Mặt khác, do những người giàu có đủ khả năng tiết kiệm và đầu tư một phần lớn hơn trong số tài sản ngày một gia tăng của mình thì sẽ có thêm của cải do quốc gia tạo ra được đổ vào thị trường chứng khoán.

Như một kết quả tất yếu, điều này lại khiến giá cổ phiếu lại tăng cao hơn nữa và những người siêu giàu lại ngày càng giàu có hơn. Chính vì vậy, bất bình đẳng giàu nghèo được thúc đẩy bởi sự tăng giá trong thị trường chứng khoán.

Dù vậy, thị phần bất động sản của tầng lớp 1% này trên thực tế đã giảm nhẹ trong thời kỳ đại dịch, vì giá nhà và quyền sở hữu nhà cũng tăng lên đối với phần còn lại của đất nước. Do bất động sản được sở hữu rộng rãi hơn nhiều so với cổ phiếu, nên khi giá nhà tăng cũng giúp tầng lớp trung lưu có thêm nhiều tiền hơn so với nhóm 1% dân số siêu giàu.

Những diễn biến của thị trường tài chính và kinh doanh tại Mỹ cho thấy, đại dịch hay thiên tai hầu như không ảnh hưởng đến nhóm dân số siêu giàu, thậm chí còn có tác dụng ngược lại. Trong khi đó, những người có thu nhập thấp và yếu thế trong xã hội mới là đối tượng bị tổn thương mạnh nhất của tình trạng Covid-19 hoành hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ