TS Trần Anh Tuấn – giảng viên Bộ môn Nội, Bí thư đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trưởng đoàn hỗ trợ cho biết: Tham gia đợt này có 239 viên chức và sinh viên; trong đó có 11 giảng viên, còn lại sinh viên.
“Các hoạt động chủ yếu là hỗ trợ truy vết và lấy mẫu xét nghiệm. Tuỳ theo địa phương phân công công việc, đoàn công tác sẽ đáp ứng tất cả, kể cả phục vụ trong khu cách ly” - TS Trần Anh Tuấn trao đổi, đồng thời cho biết:
Trước đó, cả đoàn đã được tập huấn hướng dẫn cách lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, các mặc và cởi bỏ đồ bảo hộ, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi cán bộ, giảng viên, sinh viên vào tâm dịch.
“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, chúng tôi nguyện đem sức trẻ và kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ để cùng với TP Hồ Chí Minh sớm đẩy lùi dịch bệnh. Sau TP Hồ Chí Minh, dù bất cứ địa phương nào cần, chúng tôi sẵn sàng lên đường hỗ trợ” – TS Trần Anh Tuấn quả quyết.
PGS.TS Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam nhấn mạnh, hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng chống dịch bệnh thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ, viên chức, sinh viên Học viện đối với ngành Y, rộng hơn là với Tổ quốc.
“Từ thành công của đợt hỗ trợ tỉnh Bắc Giang, là tiền đề quan trọng để chúng tôi tin tưởng và quyết tâm hỗ trợ TP Hồ Chí Minh hiệu quả” - PGS.TS Nguyễn Quốc Huy khẳng định.
Theo lãnh đạo Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, trước khi lên đường hỗ trợ TP Hồ Chí Minh dập dịch, Học viện đã tổ chức tập huấn, củng cố kiến thức cho toàn đoàn. Học viện đã tổ chức tiêm vắc xin và xét nghiệm Covid-19 cho các thành viên, đảm bảo sức khoẻ tốt và an toàn cho các thành viên.
Theo dự kiến, sau khi đến TP Hồ Chí Minh, đoàn sẽ bắt tay ngay vào công việc. Chiều nay, Đoàn sẽ đến huyện Củ Chi. Những ngày tiếp theo sẽ đến các điểm nóng về dịch Covid-19, dưới sự phân công, điều phối của ngành Y tế địa phương.