Số tiền khổng lồ
Theo báo cáo của Tổng thanh tra Lầu Năm Góc, Quốc hội đã phân bổ hoặc cung cấp ít nhất 182,99 tỷ đô la cho Ukraine. Số tiền bao gồm 131,36 tỷ đô la cho các hoạt động và hỗ trợ liên quan đến an ninh và 43,84 tỷ đô la cho quản trị và phát triển.
Tổng số tiền được phân bổ thông qua một số cơ quan liên bang, bao gồm Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), tờ Forbes dẫn báo cáo của Tổng thanh tra Lầu Năm Góc cho biết.
Ông trùm công nghệ Elon Musk - đồng minh của Tổng thống đắc cử Donald Trump, đã đồng ý rằng khoản viện trợ tài chính hào phóng của Mỹ cho Ukraine sau khi xung đột leo thang cần được xem xét kỹ lưỡng.
Ông Elon Musk, đã cân nhắc về vấn đề viện trợ của Mỹ cho Kiev sau khi một người dùng X gợi ý rằng, sau khi cuộc xung đột ở Ukraine được giải quyết, người dân Mỹ 'xứng đáng được giải trình đầy đủ về việc tiền của họ đã đi đâu ở Ukraine'.
"Tiền đã đi đâu? Dùng để làm gì? Và đó có phải là cách sử dụng tiền một cách hiệu quả không? Tôi nghĩ rằng nhiều người trong chúng ta biết câu trả lời cho những câu hỏi đó nhưng tôi muốn thấy bằng chứng xác đáng", người dùng X viết.
"Và sau đó tôi thực sự muốn mọi người tính toán với thực tế rằng việc liên tục đổ tiền vào các cuộc chiến tranh ở nước ngoài chỉ có lợi cho tổ hợp công nghiệp quân sự".
"Đúng vậy", Musk trả lời bài đăng này.
Những hỗ trợ Mỹ dành cho Ukraine bao gồm cả lô hàng vũ khí và viện trợ tài chính. Tuy nhiên, phần lớn vũ khí mà Mỹ và các đồng minh cung cấp cho Ukraine lại rơi vào tay những kẻ buôn lậu Ukraine, cùng với các báo cáo về tình trạng tham nhũng tràn lan ở Ukraine khiến người nộp thuế Mỹ tự hỏi tiền của họ cuối cùng đã đi về đâu.
Trước đó, Nga đã gửi một công hàm cho NATO vì vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã nói rằng bất kỳ hàng hóa nào chứa vũ khí cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Nga.
Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022. Tổng thống Vladimir Putin cho biết chiến dịch này nhằm "bảo vệ những người dân phải chịu nạn diệt chủng của Kiev".
Theo tổng thống Nga, mục tiêu cuối cùng của chiến dịch là kiểm soát hoàn toàn Donbass và tạo ra các điều kiện đảm bảo an ninh cho Nga.
Kết thúc chiến sự
Tờ Pravda và Kyiv Post hôm 16 tháng 11 dẫn tuyên bố của Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine "phải làm mọi cách" để chấm dứt chiến sự bằng biện pháp ngoại giao trong năm 2025.
Ông Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev sẵn sàng chấm dứt xung đột với Moskva thông qua đàm phán, với điều kiện nền tảng là "đất nước Ukraine vững mạnh" cả trên chiến trường và ngoại giao.
"Chúng ta cần làm mọi cách để chiến sự chấm dứt trong năm sau thông qua biện pháp hòa bình", ông nói.
Tổng thống Ukraine cho rằng người đồng cấp Nga Vladimir Putin "không muốn hòa bình nhưng cũng không từ chối đối thoại", cho rằng Moskva đang tìm cách chấm dứt tình trạng bị cô lập.
"Đàm phán nhưng không đi đến đâu cả, đó mới là diễn biến có lợi cho ông Putin. Ông ấy sẽ yêu cầu Ukraine đầu hàng, nhưng không đời nào chúng ta chấp nhận", Tổng thống Zelensky nói.
Ông Zelensky thừa nhận Tổng thống đắc cử Mỹ có vai trò rất quan trọng đối với Ukraine, bày tỏ hy vọng ông Trump sẽ đứng về phía Ukraine trong trường hợp Kiev và Moskva khởi động đàm phán.
"Nếu đối thoại với ông Putin trong bối cảnh hiện nay, Ukraine coi như đã thua ngay từ đầu. Chúng ta sẽ không có được hòa bình công bằng.
Đàm phán ở thế yếu không giải quyết được gì. Chúng ta cần Mỹ giữ lập trường ủng hộ Ukraine. Đó là yếu tố then chốt trong mọi kịch bản đối thoại", ông nói.
Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhấn mạnh thông điệp cần kết thúc chiến sự giữa Nga và Ukraine.
"Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề Trung Đông và sẽ làm việc cật lực trong vấn đề Nga - Ukraine. Phải chấm dứt. Nga và Ukraine phải dừng lại", ông phát biểu tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida.