Số lượng giáo viên giảm, tỷ lệ sinh viên học ngành sư phạm thấp là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Năm 2021, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã tiến hành cuộc khảo sát về số lượng giáo viên công lập trên cả nước. Kết quả cho thấy, 1.897 cơ sở giáo dục công lập trên toàn quốc đang thiếu 2.558 giáo viên
Ban giám hiệu các nhà trường cảnh báo, tình trạng tồi tệ đang kéo dài sang năm thứ 2 liên tiếp. Hiện nay, nếu giáo viên nghỉ việc, các nhà trường sẽ không chống đỡ được với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.
Đơn cử, thống kê của hội đồng giáo dục thủ đô Tokyo cho thấy các trường tiểu học công lập phải vật lộn để đảm bảo đủ mức tối thiểu là 50 giáo viên trước ngày khai giảng năm học là 11/5.
Tuy nhiên, nhiều trường vẫn không đạt mức tối thiểu vì không thể tuyển dụng mới. Nhiều ứng viên từ chối lời đề nghị với lý do như “đã tìm được việc làm ở nơi khác”.
Việc thiếu giáo viên tại Tokyo là điều bất thường bởi nơi đây là trung tâm văn hóa, kinh tế, xã hội nên nguồn lao động ở Tokyo cũng là dồi dào nhất. Hơn nữa, chất lượng giáo dục và mức đãi ngộ dành cho giáo viên tại Tokyo tương đối tốt. Tuy nhiên, Tokyo vẫn không tránh khỏi tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.
Trong khi đó, hội đồng giáo dục tỉnh Shimane cho biết thiếu kỷ lục 32 giáo viên, chủ yếu ở các trường tiểu học. Một số lý do được đưa ra bao gồm giáo viên phải làm việc vượt quá số giờ quy định do khối lượng công việc lớn. Hội đồng giáo dục tỉnh Shimane dự kiến mời giáo viên đã nghỉ hưu trở lại giảng dạy.
Còn các trường công lập ở tỉnh Chiba, ngoại trừ thành phố Chiba, thiếu 348 giáo viên tính đến tháng 3/2022. Hội đồng giáo dục tỉnh cho biết sẽ rà soát hàng tháng số lượng giáo viên cần bổ sung và liên tục tuyển dụng mới cho đến khi số lượng giáo viên thiếu được lấp đầy.
Hội đồng giáo dục tỉnh Chiba thậm chí đã phát tờ rơi thông báo tuyển dụng giáo viên.
Trước vấn đề trên, vào tháng 4, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã yêu cầu các địa phương linh hoạt hơn trong cơ chế tuyển dụng giáo viên. Theo đó, những người không có giấy phép giảng dạy nhưng có nghề nghiệp chuyên môn, kiến thức và kinh nghiệm làm việc có thể được mời về giảng dạy trong các nhà trường.
Giáo sư Aki Sakuma, Trường Đại học Keio, cho biết: “Giờ đây mọi người đều biết rằng giáo viên là công việc cần phải làm thêm nhiều giờ. Do đó, số lượng người muốn trở thành giáo viên ngày càng thấp. Các trường học đang cạn kiệt hy vọng có thể tuyển giáo viên mới”.
Tình hình còn tồi tệ hơn ở các trường dành cho trẻ em khuyết tật. Ước tính, một trường giáo dục đặc biệt tại Nhật Bản hiện chỉ có 2 giáo viên trong một lớp học, dù quy định là 3 giáo viên.
Một số học sinh khuyết tật cần được chăm sóc y tế đặc biệt hoặc cần được giám sát chặt chẽ. Việc thiếu nhân sự khiến giáo viên hiện tại không thể chăm lo toàn diện cho các học sinh trong lớp nên có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm.
“Tôi khó có thể chấp nhận việc không đủ giáo viên cho các lớp dành cho trẻ khuyết tật. Đây là môi trường giáo dục đặc biệt nên không thể tha thứ cho lý do thiếu giáo viên được”, một giáo viên 30 tuổi tại trường dành cho trẻ khuyết tật chia sẻ.