Nhật Bản: "Kỳ thị" giáo viên mầm non làm mẹ

GD&TĐ - Có lẽ, không ở nơi nào trên thế giới, các cô giáo mầm non lại phải đối mặt với luật bất thành văn vô lý như tại Nhật Bản: Cấm có thai.

Ngay cả tại Tokyo, thu nhập của cô giáo mầm non vẫn thấp hơn thu nhập tối thiểu 1,5 lần.
Ngay cả tại Tokyo, thu nhập của cô giáo mầm non vẫn thấp hơn thu nhập tối thiểu 1,5 lần.

“Tôi từng bị quát thẳng vào mặt sau khi thông báo mình có thai cho giám đốc nhà trẻ” - Nishino Keiko (35 tuổi) kể lại - “Ông ta mắng tôi quá vô trách nhiệm”.

“Lệ” ác nghiệt

Nhật Bản có dân số 125,8 triệu người, trong đó 28,7% là người từ 65 tuổi trở lên. Những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản nhiệt tình kêu gọi gia tăng tỷ lệ sinh. Họ thậm chí tặng các cặp vợ chồng dưới 40 tuổi mới kết hôn 600 nghìn yen (khoảng 120 triệu đồng).

Xã hội Nhật Bản cũng hưởng ứng lời kêu gọi từ chính phủ. Họ tích cực khuyến khích giới trẻ hẹn hò, “săn vợ tìm chồng”, thậm chí cả “săn thai”. Thế nhưng, sự ưu tiên này lại loại trừ các cô giáo mầm non.

“Tôi từng chứng kiến hoàn cảnh của một giáo viên mầm non đã kết hôn” - phóng viên Kobayashi Miki chia sẻ - “Sau vài năm làm việc, cô ấy phát hiện bản thân mang thai và nộp đơn xin giảm thời gian làm việc, theo quy định dành riêng cho lao động nữ. Vừa liếc qua đơn, giám đốc nhà trẻ lập tức nổi điên. Ông ta giận dữ đến mức, ngay cả chồng của cô giáo này cũng phải thân chinh đến văn phòng, thay mặt vợ xin lỗi”.

Đối với hệ thống giáo dục mầm non Nhật Bản, cô giáo mang bầu giống như… tội nhân. Họ bị cấp trên mắng nhiếc thậm tệ, đồng nghiệp kỳ thị và các bậc phụ huynh ghét bỏ ra mặt.

Căn nguyên

Tại Nhật Bản, phần lớn giáo viên mầm non là phụ nữ. Theo quy định của luật lao động Nhật Bản, phụ nữ mang thai được phép chỉ làm việc nhiều nhất 40 giờ/tuần. Họ cũng được phép nghỉ thai sản, nghỉ chăm sóc con nhỏ có lương…

Khi biết mình mang thai, Keiko đang đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng một trường mầm non. Cô chỉ thông báo theo quy định, để giám đốc cho phép giảm tải lượng công việc. “Thật vô trách nhiệm!”, Keiko bất ngờ bị mắng xối xả vào mặt, “Cô là hiệu trưởng một trường mầm non, vậy mà cô lại dám có thai!”, Giám đốc của Keiko nặng lời, “Nghỉ việc ư, đừng có mơ! Cô phải tiếp tục đi làm. Không có ngày nghỉ nào ở đây hết. Cũng không có thời gian nghỉ đẻ hay nghỉ chăm sóc con cái đâu”.

“Nguyên nhân chính dẫn đến thái độ và hành động tồi tệ này là tình trạng thiếu hụt giáo viên nhà trẻ”, Miki cho biết. Mặc dù khuyến khích gia tăng tỷ lệ sinh, Nhật Bản chưa quan tâm đầu tư chăm sóc tuổi nhi đồng. Trên khắp nước Nhật, đặc biệt là các thành phố lớn, đâu đâu cũng thiếu hụt cơ sở và nhân viên trông giữ trẻ. Hệ thống giáo dục mầm non phụ thuộc nhiều vào trường lớp tư, nơi luôn đặt lợi nhuận làm đầu.

Các cơ sở mầm non tư thục Nhật Bản trả lương cực thấp. Tại thủ đô Tokyo có mức thu nhập tối thiểu 5,56 triệu yen/năm (tương đương 111 triệu đồng), các cô giáo mầm non chỉ kiếm được trung bình 3,81 triệu yen (tương đương 76 triệu đồng), thấp hơn 1,5 lần.

Chưa hết, vì lợi nhuận, các cơ sở mầm non tư thục còn vắt kiệt sức nhân viên. Họ ép các thầy cô giáo tăng ca, làm thêm triền miên và “cấm” các cô giáo mang thai, nhằm tránh mất nhân lực, tiền của, tốn công sức đào tạo nhân viên mới...

Cô giáo mầm non Nhật Bản “lỡ” có thai là phải… hối lỗi.
Cô giáo mầm non Nhật Bản “lỡ” có thai là phải… hối lỗi.

Tương lai u ám

Với 2 chiêu bài “cấm có thai” và trả lương thấp, các trường mầm non tư thục hạ chi phí vận hành xuống mức thấp nhất. Nếu ở các trường công, nhà trường phải bỏ ra đến 80% thu nhập để trả lương thầy cô giáo thì tại các trường tư, họ chỉ tốn 59,2%. Riêng ở Tokyo, các trường mầm non tư nhân còn thành công giảm xuống chạm 50%.

Cùng với 2 chiêu bài trên, các cơ sở mầm non tư thục cắt giảm lượng nhân viên. Họ đặt ra chỉ tiêu tuyển dụng tối thiểu và nâng số lượng trẻ em nhận vào lên mức tối đa.

“Giáo viên mầm non trường tư phải làm lượng công việc cao gấp 2, 3 lần trường công”, Miki khẳng định. Sự thiếu hụt giáo viên mầm non ở Nhật Bản không hề do thiếu ứng cử viên tuyển dụng. Trái lại, nó hoàn toàn do quyết định của ban quản lý nhà trẻ.

Muốn giữ công việc, cô giáo mầm non Nhật Bản buộc phải chọn 1 trong 2: Không có con hoặc bỏ quyền lợi thai sản. Ở trường hợp Keiko, cô đã quyết định bỏ quyền lợi thai sản. Tuy nhiên, cường độ công việc không giảm khiến Keiko sa sút sức khỏe, rơi vào nguy cơ sinh non. Cô buộc phải đi đến lựa chọn cuối cùng: Nghỉ việc.

Theo số liệu khảo sát nguyên nhân bỏ việc ở trường mầm non Nhật Bản, 3/5 do “quá tải” vì công việc quá nặng, 1/5 do “trót” mang thai và 1/5 do các nguyên nhân khác.

Hiện tại, hệ thống mầm non tư thục Nhật Bản không có vẻ gì sẽ nâng chỉ tiêu tuyển dụng. Các bậc phụ huynh Nhật Bản lo ngại, cô giáo mầm non có thai và con nhỏ sẽ không thể dốc toàn tâm toàn lực chăm sóc cho trò. Sự kỳ thị cô giáo mầm non làm mẹ ngày càng gia tăng, đẩy lực lượng lao động thiết yếu này vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Theo Nippon

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường đoạn 'Chiến thắng Điện Biên' của bức tranh Panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh minh họa

Cây súng và ngòi bút

GD&TĐ - Nhà văn Hữu Mai (tên khai sinh Trần Hữu Mai), sinh 1926 tại phố Hàng Cấp, TP Nam Định, mất 2007 tại Hà Nội.