Hỏi vợ cho… bố chồng

GD&TĐ - Mẹ chồng tôi bệnh nặng và mất sớm, từ ngày vĩnh biệt bà, bố chồng tôi ở vậy một mình. Là con dâu cả, tôi không khỏi áy náy mỗi khi bắt gặp ánh mắt trũng sâu của bố chồng. 

Hỏi vợ cho… bố chồng

Không ít lần tôi thắc mắc với chồng: "Sao anh không đón bố về ở cùng vợ chồng mình? Bố tuổi đã cao, em sợ những ngày trái nắng trở trời...". Chồng tôi gạt đi: "Bố anh khó tính lắm, ông không chịu ở với ai cả. Mới cả bố một mình quen rồi, ở chung với người khác bố luôn cảm thấy khó chịu".

Tôi chưa bao giờ thấy bố chồng cáu giận với ai, trong mắt tôi, ông là người hiền lành và hiểu chuyện. Mỗi lần nhà có giỗ, ông gọi điện lên, giọng nói lúc nào cũng ấm áp và tình cảm chứ không hề khó đăm đăm như chồng tôi kể: "Con à, ngày mai giỗ cụ, mấy đứa bảo nhau về quê nhé".

Nghe tôi truyền đạt thông tin, chồng tôi cằn nhằn: "Bố đúng là phiền phức, giỗ cụ xa lắc xa lư mà cũng bắt tội con cái về quê, bao công việc còn chưa giải quyết xong". Tôi khá sốc với phản ứng của chồng: "Mấy anh em nhà anh ít về quê, không mấy khi chịu gần gũi với bố, bảo sao bố ngày càng ít nói, đã thế anh còn trách bố khó tính".

Chuyến về quê nào cũng là một cuộc chiến tâm lý đối với bố chồng tôi và những người con trai của ông. Bữa cơm là lúc cả gia đình quây quần bên nhau, theo lẽ thường, ai cũng sẽ nói cười vui vẻ, nhưng mâm cơm nhà chồng tôi thì lạnh ngắt kèm tiếng thở dài của bố chồng: "Nghe nói kiếm ăn trên thành phố ngày càng khó, anh chị đừng phung phí tiền, đừng mua sắm linh tinh nữa".

Nghĩ rằng bố đang trách mình, chồng tôi buông đũa, mặt đỏ gay: "Con mua xe để có phương tiện đi lại, nó phục vụ cho công việc của con chứ không phải là thứ thể hiện cái sĩ hão...".

Bữa cơm nào cũng kết thúc bằng một cuộc "tranh luận" gay gắt, chồng tôi không nóng tính đến mức cãi nhau và nói láo với bố, nhưng tôi biết, từng câu nói của anh như những mũi kim xoáy sâu vào tim bố chồng tôi khiến ông đau nhói. 

Sau mỗi cuộc "tranh luận", mỗi người đều chìm vào thế giới riêng của mình. Thế giới của bố chồng tôi không có gì ngoài căn phòng tối om và sự im lặng đáng sợ, cũng có thể có cả những giọt nước mắt mặn chát mà những người con trai của ông không bao giờ thấy được. 

Chồng tôi kể: "Mẹ là tình yêu đầu của bố nên khi mẹ mất, bố vô cùng đau lòng. Sự đau lòng ấy thể hiện bằng việc chăm sóc ba anh em thái quá. Từ khi còn nhỏ đến khi lớn lên, chỉ duy nhất một lần anh thấy bố đưa một người phụ nữ khác về nhà, nhưng vì khi ấy tuổi anh còn nhỏ, anh cảm thấy bà ấy không gần gũi, thân thiện. Nên có lần bà ấy đến, anh đã ném đồ vào người và bảo bà ấy cút đi. Mặc dù bố rất thương anh, nhưng lúc ấy bố đã tức giận đến nỗi cho anh một cái tát. Khi ấy, anh đã gào lên: "Nếu bố lấy bà ta, con sẽ chết".

Lần đầu nghe chồng kể chuyện này, tôi không trách anh mà chợt nảy ra một ý nghĩ: "Sao chúng ta không tìm vợ cho bố nhỉ? Anh biết không, ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có nhu cầu hạnh phúc, đặc biệt là tuổi già lại cần hơn sự chia sẻ, an ủi hay những tâm sự thường ngày mà con cháu không thể làm được vì khoảng cách thế hệ, tuổi tác, thời gian... Vì vậy, người già cô đơn rất cần có một người bạn khác giới cùng thế hệ để có thể chia sẻ tình cảm với nhau".

May mắn là ý tưởng của tôi không gặp phải bất kỳ phản ứng trái chiều nào từ chồng, các em chồng và em dâu. Tuy nhiên, làm thế nào để mở lời với bố chồng lại không phải việc dễ dàng khi mà ông ngày càng tỏ ra khái tính. 

Phải mất một năm rưỡi, tôi mới tìm được mẹ kế phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình. Bà trước đây cũng là công nhân viên chức. Chồng bà bị bệnh hiểm nghèo mất từ khi các con còn nhỏ. Bà ở vậy nuôi con khôn lớn cho đến khi chúng ra nước ngoài làm ăn và định cư bên đó. Các con bà cũng có ý muốn đón bà sang sống cùng nhưng bà không muốn tuổi già sống xa quê hương nên ở lại. 

Lần gặp mặt đầu tiên, bố chồng tôi khá ngại ngùng nên không nói gì nhiều nhưng tôi cảm nhận ông cũng ấn tượng và yêu mến sự phúc hậu của bà. Sau mấy lần gặp gỡ, tôi ý nhị giục ông: "Bố đừng để bác ấy chờ lâu quá". 

Tuổi già, bố chồng tôi không muốn rình rang to chuyện nên chỉ làm mấy mâm cơm ở nhà hàng mời mọi người đến chia vui. Đôi mắt trũng sâu của bố chồng tôi khi ấy đã ánh lên niềm hạnh phúc mà tôi chưa từng thấy bao giờ. 

Có thể trong lúc chung sống cùng một mái nhà, bố chồng tôi và người bạn đời của ông sẽ còn nhiều gượng gạo hay chưa thật sự thoải mái. Nhưng đến một lúc nào đó, họ sẽ biết rằng sự gắn bó của họ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống gia đình. Bố chồng tôi sẽ hiểu, chúng tôi dù đã trưởng thành nhưng không thể ở bên ông mãi được. Vì thế, điều ông cần nhất lúc này là sự yêu thương, tôn trọng, sẻ chia và cảm thấy bản thân mình còn có ý nghĩa với cuộc đời, xã hội, gia đình, hàng xóm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.