Hồi ức về Tổng Biên tập đầu tiên của Toán học & Tuổi trẻ

GD&TĐ - Năm 1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước ra đời. Ông Tạ Quang Bửu cùng Ủy ban lập ra Ban Khoa học Cơ bản do ông Lê Văn Thiêm làm trưởng ban, trong đó có ông Nguyễn Cảnh Toàn, ông Hoàng Tụy làm ủy viên. 

GS Nguyễn Cảnh Toàn (ngoài cùng bên trái), Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên (ngoài cùng bên phải) đưa bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục CHDC Đức Honccke (giữa) thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1960.
GS Nguyễn Cảnh Toàn (ngoài cùng bên trái), Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên (ngoài cùng bên phải) đưa bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục CHDC Đức Honccke (giữa) thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1960.

Ban Khoa học Cơ bản đã đề xuất ý tưởng thành lập Hội Toán học Việt Nam, tạp chí Acta Mathematica và báo Toán học & Tuổi trẻ

(THTT). Năm 1964, Toán học & Tuổi trẻ ra đời, GS Nguyễn Cảnh Toàn là Chủ nhiệm (sau này đổi là Tổng biên tập).

Năm 1968 lần đầu tôi nhìn thấy tờ Toán học & Tuổi trẻ ở chợ Viềng (Mỹ Lộc, Nam Định) gần nơi sơ tán và từ đó tôi thường xuyên đọc. Năm 1991 khi về thay cô Hà làm biên tập viên tôi bắt đầu tiếp xúc với GS Nguyễn Cảnh Toàn.

Bấy giờ Toán học & Tuổi trẻ đang trong thời kì khó khăn. Số lượng phát hành năm 1991 chỉ còn 1.500 bản/kì. GS Nguyễn Cảnh Toàn cùng ông Ngô Đạt Tứ - Phó Tổng biên tập đang làm thủ tục cho Toán học & Tuổi trẻ chuyển từ Viện Toán học Việt Nam về Bộ Giáo dục.

Tháng 12/1991 trụ sở tạp chí chuyển từ 70 Trần Hưng Đạo sang 81 Trần Hưng Đạo. Giai đoạn đầu thuộc Nhà xuất bản Giáo dục, bộ phận thường trực (GS Nguyễn Cảnh Toàn, ông Ngô Đạt Tứ, PGS Vũ Dương Thụy, GS Vũ Thanh Khiết và tôi) họp đều đặn hằng tháng. Ngay số tháng 1/1992 THTT đã bán trở lại được hơn 12.000 bản. Đến năm 1997 đã đạt tới số lượng 22.000 bản.

GS Nguyễn Cảnh Toàn chủ trương đổi mới Toán học & Tuổi trẻ theo hướng: Rèn luyện tư duy toán, mở rộng đối tượng phục vụ, cách viết vui, mở rộng quan hệ của báo.

Các chuyên mục mới như: Ống kính cải cách dạy và học toán, đề cho THCS, bài dịch sang tiếng Anh ra đời trong thời kì này. GS đề nghị nội dung, cách phát hành cũng quan tâm hơn đến miền Nam và chuẩn bị để từ tháng 1/1993 ra mỗi tháng một số.

GS cũng đề nghị số tháng 7, tháng 8 là báo hè với nội dung nhẹ nhàng, vui, thư giãn, có nhiều câu chuyện vui. GS cho rằng nên giảm số trang thuần túy toán để thêm cho những vấn đề quanh toán, tăng đề thi cho PTCS, chú ý cho tranh vẽ đẹp hơn. GS chú ý cả đến các vấn đề quảng cáo, giá báo, phí phát hành...

Ngày 31/3/1998, tôi cùng GS đi Yên Bái và 2/4/1998 đi Lào Cai công tác. Trước khi đi GS viết thư ngắn dặn dò tôi công tác chuẩn bị và lịch trình sẽ đi.

Đường hồi đó từ Yên Bái đến Lào Cai còn ngoằn ngoèo quanh co. Chiếc xe Lada cũ không có điều hòa. Lên đến nơi GS vẫn ngồi viết bài buổi tối gửi về các báo bằng đường bưu điện. Buổi sáng GS dậy sớm và đi bộ khoảng nửa tiếng.

Lần đó tôi thay mặt Toán học & Tuổi trẻ nói về nội dung và vấn đề phát hành tạp chí. GS Nguyễn Cảnh Toàn nói về tạp chí của Hội Khuyến học.

Năm 2002, ngày 9/12 đoàn cán bộ Toán học & Tuổi trẻ do GS dẫn đầu đi công tác TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vĩnh Long. Năm đó GS đã 76 tuổi. GS cùng chúng tôi chụp ảnh lưu niệm ở cầu Mỹ Thuận, đi thuyền trên sông nước giữa tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long.

Chuyện đáng nhớ nhất là trong chuyến đi ấy đoàn đến tham quan khu Suối Tiên. GS tham gia cả trò chơi đu quay mà cả những thành viên trẻ trung trong đoàn cũng ngại không dám thử.

Tháng 9/1996, nhân kỉ niệm sinh nhật lần thứ 70 (28/9/1926) của GS, Toán học & Tuổi trẻ số 231 đã dành 1 trang đăng ảnh GS và tên của 42 bài báo GS đã đăng trên Toán học & Tuổi trẻ cho đến lúc đó.

Có những bài đặt tên rất đặc biệt: Số ảo ngu ngốc hay thông minh; Tư tưởng tiến công trong toán học; Số, lệnh, hình và gì nữa; Ai bảo toán học là khô khan;...

Ngày 22/6/2005, tại Hội trường Nhà xuất bản Giáo dục đã diễn ra buổi gặp mặt thân mật chia tay GS Nguyễn Cảnh Toàn sau gần 41 năm liên tục làm Chủ nhiệm và Tổng biên tập tạp chí. Số báo 336 là số báo cuối cùng GS còn là Tổng biên tập.

Năm nay Toán học & Tuổi trẻ đã bước sang tuổi 54, đang đi tiếp những chặng đường mà từ các năm 1964, 1992 GS Toàn và các nhà toán học, các thầy giáo và các cộng tác viên đã khởi đầu tốt đẹp.

GS Nguyễn Cảnh Toàn là một trong những người Việt đầu tiên dạy toán bậc đại học (1951), là người đề xuất một hướng mới trong Hình học xạ ảnh.

 GS không chỉ là nhà toán học mà còn là một nhà hoạt động giáo dục, khởi đầu cho đào tạo trên đại học ở Việt Nam và đào tạo từ xa, luôn cổ vũ cho tự học... Từ Toán học & Tuổi trẻ năm 2000 đã ra đời tạp chí Toán Tuổi thơ.

Trong ngày GS Nguyễn Cảnh Toàn mãi mãi đi xa, thế hệ trẻ Việt Nam nhớ GS nhất với cương vị Tổng biên tập tạp chí Toán học & Tuổi trẻ đầu tiên và liên tục 40 năm, nơi ươm mầm những tài năng trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ