(GD&TĐ) - Ngày 2- 10 – 2012, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức Hội thảo về dạy học môn Toán và các môn khoa học tự nhiên (KHTN) bằng tiếng Anh. Hơn 100 đại biểu đến từ các trường THPT tại Tp.HCM đã tham dự. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển; Vụ Trưởng Vụ GD Trung học Vũ Đình Chuẩn và Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.
Từ năm học 2008-2009, Sở GD&ĐT TP.HCM đã cho 5 trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa; Lê Quý Đôn; Nguyễn Thị Minh Khai và Lương Thế Vinh dạy học thí điểm môn Toán; Vật lý; Hoá học bằng tiếng Anh. Đến nay, TP.HCM đã có 10 trường THPT thí điểm dạy học chuơng trình này ở 4 môn: Toán; Lý; Hoá; Kinh tế.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Qua hơn 4 năm thực hiện, chương trình nói trên đáp ứng được nhu cầu học các môn KHTN bằng tiếng Anh cho học sinh (HS), giúp các em làm quen với thuật ngữ chuyên ngành tiếng Anh, nâng cao khả năng tư duy và cập nhật kiến thức khoa học bằng ngoại ngữ, tạo điều kiện cho các e dễ dàng hội nhập du học quốc tế.
Căn cứ vào thực tế, các trường quy định thời lượng tối đa cho mỗi môn học 2 tiết/tuần. Chương trình được cập nhật chọn lọc từ các nước: Anh; Mỹ; Úc và Singapore.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu – Trưởng phòng GD trung học (Sở GD&ĐT TP.HCM): Tài liệu dạy học ở 10 trường thí điểm nói trên có khác nhau, nhưng không dịch sách giáo khoa (SGK) Việt Nam để dạy. Các trường chủ động lựa chọn tài liệu tham khảo từ nước ngoài để biên soạn chương trình dạy học bằng tiếng Anh. Giáo viên (GV) trực tiếp dạy Toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh, hầu hết là GV cơ hữu của 10 trường THPT đang thí điểm dạy chương trình này. Đa số GV có năng lực tiếng Anh tốt. Một số GV được thỉnh giảng từ ĐHSP TP.HCM, hoặc từ trung tâm bồi dưỡng văn hoá Song Ngữ NSETC tại TP.HCM. Các GV tự biên soạn giáo án trên cơ sở tự nghiên cứu chương trình và SGK nước ngoài. Nhìn chung HS ham thích học chương trình này, nhờ đó khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh phát triển tốt. Các em ngày càng tự tin, năng động, biết tự nghiên cứu và làm việc theo nhóm. Kết quả học tập đạt khá cao. Cha mẹ HS đồng tình, ủng hộ chương trình này và đăng ký cho con em theo học khá đông, nhưng các trường chỉ đáp ứng được 50- 60% nhu cầu.
Theo hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh: Có 3 cách chọn chương trình. Cách 1: Dạy toán theo chương trình Việt Nam thể hiện bằng tiếng Anh. Cách 2: Chọn một bộ tài liệu toán có uy tín của một số nước tiên tiến có nội dung gần nhất với chương trình VN để dạy học. Cách 3: GV tự chọn một số chuyên đề quan trọng trong chương trình toán của VN, sau đó bồi dưỡng thuật ngữ và dạy toán bằng tiếng Anh cho HS.
T.S Trần Đức Huyên- Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết: “Trường chúng tôi còn liên kết với 5 trường THPT chuyên trong nước để biên soạn chương trình. Cái khó là dạy học các môn KHTN bằng tiếng Anh, chưa xác định rõ mục tiêu cụ thể cần đạt được sau mỗi cấp lớp, để nhà trường và GV có cơ sở biên soạn tài liệu giảng dạy”.
Nữ sinh trường THPT Lê Quý Đôn TP.HCM |
Ông Nguyễn Tấn Lộc – hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương băn khoăn: “Sau 2 -3 năm thí điểm dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh, HS có được cấp chứng chỉ văn bằng hay không? Đề nghị sớm thống nhất chương trình dạy học thí điểm ngay, tránh mạnh ai nấy làm…”.
Tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá tốt sự năng động sáng tạo trong việc dạy học môn Toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh của TP.HCM. Cần chú ý đây không phải là chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, muốn dạy sao cũng được. Khi dạy các môn KHTN bằng tiếng Anh, cần bám sát chương trình và SGK bằng tiếng Việt hiện hành. Việc bổ sung nâng cao chương trình – SGK này dựa vào nước ngoài phải được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Có thể dạy song ngữ (Việt - Anh) theo nhiều mức độ khác nhau, tuỳ điều kiện của từng trường, năng lực của GV và HS.Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết: “Bộ đang nghiên cứu cách thức tổ chức kiểm tra, thi cử cấp chứng chỉ văn bằng cho chương trình dạy học các môn KHTN bằng tiếng Anh. Chế độ chính sách đối với GV dạy chương trình này cũng đang được nghiên cứu. Lưu ý, đây là chương trình thí điểm, nên phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện tham gia”.
Đinh Lê Yên