Hội thảo khoa học quốc tế do Trường Đại học Luật, Đại học Huế phối hợp với Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế - Luật Trung Nam, Trung Quốc đồng tổ chức theo hình thức trực tuyến thông qua nền tảng Zoom.
Tham gia Hội thảo có GS. Từ Địch Vũ - Nguyên Viện trưởng Viện Luật, Trợ lý Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật Trung Nam, Trưởng Bộ phận Giao lưu quốc tế; PGS. TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội; ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp Việt Nam; PGS.TS. Đoàn Đức Lương – Hiệu trưởng Đại học Luật, Đại học Huế cùng các phó giáo sư, tiến sĩ, giảng viên, nghiên cứu sinh của Trường ĐH Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Kinh tế - Luật Trung Nam…
Theo PGS.TS. Đoàn Đức Lương – Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Huế, Hội thảo khoa học quốc tế “Pháp điển hoá pháp luật Dân sự ở châu Á: Thành tựu và thách thức” là một sự kết nối kế tiếp từ hội thảo khoa học quốc tế "Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế theo pháp luật Việt Nam, Trung Quốc và pháp luật quốc tế" được tổ chức vào tháng 12 năm 2021.
Với các ý tưởng của 5 giảng viên Trường ĐH Luật, Đại học Huế và Trường ĐH Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (nhóm biên dịch Bộ luật Dân sự năm 2020 của Trung Quốc sang tiếng Việt được xuất bản năm 2021) và được sự đồng ý các lãnh đạo 3 trường nên chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế lần này được thông qua và công tác lên kế hoạch triển khai được các bên thống nhất cao.
Nhiều chuyên gia, thầy cô giáo trong lĩnh vực Luật Dân sự về tham dự hội thảo quốc tế. |
Hội thảo khoa học đã nhận được sự thu hút đông đảo của các nhà khoa học, các giảng viên, các chuyên gia đang công tác thực tiễn tại Việt Nam. Ban tổ chức đã nhận được 47 bài viết khoa học, trong đó có 36 bài của các tác giả Việt Nam, 9 bài viết của các tác giả Trung Quốc và 2 bài viết của các tác giả quốc tế. Với chủ đề của hội thảo, các bài nghiên cứu đã tiếp cận nhiều góc độ khác nhau, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.
“Chắc chắn rằng với một ngày hội thảo, cùng với sự chủ trì và tham luận của các chuyên gia thì hội thảo có ý nghĩa khoa học sâu sắc. Kết quả của Hội thảo được các bên thống nhất biên tập xuất bản thành 1 kỷ yếu khoa học quốc tế có chỉ số ISBN” – PGS.TS. Đoàn Đức Lương nhấn mạnh.
Được biết, Pháp điển hóa là hình thức hệ thống hoá pháp luật trong đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật, các chế định luật, các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành luật theo trình tự nhất định, loại bỏ những mâu thuẫn chồng chéo, các quy định lỗi thời và bổ sung những quy định mới, từ đó, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy phạm pháp luật cũ mà điển hình là các bộ luật - pháp điển.
Hội thảo được chia ra 4 phiên “Những vấn đề chung về pháp điển hóa Luật Dân sự: Kinh nghiệm Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia”; “Luật Tài sản và pháp điển hóa”; “Luật Nghĩa vụ và Pháp điển hóa”; “Nghiên cứu các vấn đề pháp lý mới thời kỳ hậu Bộ luật Dân sự” với nhiều bài trình bày có nội dung đa dạng, sâu sắc nhằm đánh giá, xem xét các thành tựu cũng như thách thức về pháp điển hóa pháp luật Dân sự ở Châu Á.
Đại diện Trường Đại học Kinh tế - Luật Trung Nam, Trung Quốc phát biểu. |
Phía đại diện các trường luật ở Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn. |
Hội thảo quốc tế được tổ chức theo hình thức trực tuyến. |
Được chia làm 4 phiên chuyên sâu, hội thảo đi sâu vào phân tích những thực trạng, thành tựu và thách thức về pháp điển hóa pháp luật Dân sự ở Châu Á (Ảnh: Đại Dương). |