Tại hội thảo, đại diện một số trường đại học đã có những báo cáo tham luận tiêu biểu như: “Nút thắt thể chế trong phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên”; “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay”; “Nguồn nhân lực chất lượng cao cho Tây Nguyên, thực trạng và một số giải pháp cơ bản”; “Phát triển du lịch vùng Tây Nguyên: Thực trạng và những hướng đi cần thiết”; “Thanh niên Tây Nguyên khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”...
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Đặng Văn Mỹ-Giám đốc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum nhấn mạnh, đây là hoạt động thường niên, tạo cơ hội để các cấp chính quyền, các nhà quản lý và nhà nghiên cứu khoa học trao đổi các nghiên cứu khoa học, đánh giá lại thực trạng quá trình phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên. Trên cơ sở này, sẽ có nhiều đóng góp, đề xuất các quan điểm, định hướng và hệ thống giải pháp nhằm hỗ trợ cho sự hình thành, phát triển kinh tế-xã hội của vùng theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao... từ đó, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại mỗi địa phương ở khu vực Tây Nguyên.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tham gia thảo luận các chủ đề: “Vấn đề mô hình phát triển kinh tế và chính sách phát triển kinh tế cho vùng Tây Nguyên”; “Vấn đề văn hóa-du lịch và nhân lực cho vùng Tây Nguyên”; “Vấn đề nông nghiệp-khởi nghiệp cho Tây Nguyên”.