Dự chương trình, về phía Đại học Thái Nguyên có PGS.TS Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách; TS Nguyễn Đình Yên, Bí thư đoàn TNCS HCM; TS Mai Anh Khoa, Phó Trưởng ban Ban khoa học công nghệ và đối ngoại. Cùng đại diện lãnh đạo lãnh đạo các trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên ; Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Hà Nội 2…
Năm 2022, trước những khó khăn thách thức do dịch Covid-19 và yêu cầu đổi mới của ngành giáo dục đại học theo định hướng tự chủ, chuyển đổi số là một trong những lĩnh vực trọng tâm của Việt Nam nói chung và ngành giáo dục nói riêng.
Hội thảo lần này đã nhận được sự quan tâm, tham dự của 160 nhà khoa học với 98 bài viết từ 30 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước. Trong đó có nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu trẻ trong khối sư phạm và các nhà khoa học thuộc các khối trường đại học an ninh, công đoàn, kỹ thuật.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Thanh Vân - Phó Giám đốc phụ trách Đại học Thái Nguyên khẳng định, Hội thảo là diễn đàn hội tụ giảng viên trẻ say mê nghiên cứu khoa học, công bố chia sẻ những kết quả nghiên cứu xuất sắc và góp phần truyền cảm hứng mạnh mẽ, niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo cho các giảng viên và sinh viên khối ngành sư phạm nói riêng cũng như đối với ngành giáo dục cả nước nói chung.
Hội thảo lần này tập trung vào một số nội dung gồm nghiên cứu thách thức và giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục; các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học; mối quan hệ gắn kết giữa các trường đại học sư phạm và các trường phổ thông như: vấn đề khung lý thuyết chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học, quản lý hoạt động dạy học online, kiểm tra đánh giá trong dạy học online, sử dụng E-learning trong đào tạo, sử dụng thí nghiệm ảo, mô hình 3D hỗ trợ dạy học, mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học trực tuyến, dạy học theo dự án, phương pháp bàn tay nặn bột, các bài tập nhật kí đọc sách trong dạy học...
Các vấn đề nghiên cứu khoa học cơ bản có tính mới, nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn và nấm của hỗn hợp cao chiết từ kim ngân hoa, hạt gấc và trầu không, ứng dụng của coban/để khử màu xanh Methylen khi có mặt của ánh sáng tử ngoại, độc tính và tác dụng hạ Glucose huyết của cao chiết rau sam trên chuột đái tháo đường.
Bên cạnh đó, các tác giả còn đề cập tới những vấn đề nghiên cứu phát triển bền vững như đánh giá dữ liệu CFSR và CMADS cho các mô phỏng khí hậu-thủy văn trên lưu vực nhiệt đới gió mùa, hiện trạng chất lượng môi trường nước ở Quảng Bình, bình đẳng giới trong giáo dục, vấn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số của cộng đồng Khmer, người Pà Thẻn….
Nhằm gắn kết và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên các trường đại học, Hội thảo khoa học cán bộ trẻ các trường Đại học sư phạm toàn quốc là sân chơi để cán bộ giảng viên trẻ chia sẻ những kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu trong quá trình giảng dạy. Qua nhiều năm tổ chức, Hội thảo đã trở thành một diễn đàn khoa học sôi nổi, thu hút giảng viên, cán bộ trẻ của các trường đại học trên toàn quốc.
Hội thảo khoa khoa học cán bộ trẻ các trường Đại học sư phạm toàn quốc được tổ chức 2 năm một lần do 8 trường đại học gồm Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm- Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm Huế, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Hải Phòng luân phiên đăng cai. |
Bình luận