Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ, đại diện một số trường đại học và nhiều nhà khoa học trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: Đã đến lúc các tạp chí khoa học của Việt Nam phải tham gia vào khu vực và thế giới, các trường cần có chiến lược để tạp chí khoa học sớm đảm bảo đủ các tiêu chuẩn tham gia vào hệ thống cơ sở dữ liệu trích dẫn khoa học Đông Nam Á (ACI). Đây cũng chính là một trong những nội dung nhằm đánh giá, phân hạng đại học trong thời gian tới.
Tại cuộc hội thảo, GS.TS Narongrit Sombatsompop - Giám đốc Trung tâm Trích dẫn Tạp chí Thái Lan (TCI), Chủ tịch ACI - chia sẻ: Thực tế cho thấy số lượng tạp chí của khu vực ASEAN trong các cơ sở trích dẫn quốc tế còn thấp, số lượng xuất bản phẩm của ASEAN đã tăng nhưng ít được biết đến, thiếu sự kết nối ở cấp quốc gia trong khối ASEAN để nâng cao hợp tác nghiên cứu ở cấp khu vực...
Sự ra đời của ACI nhằm tạo ra một cơ sở dữ liệu riêng cho khu vực, công bố các nghiên cứu của ASEAN, hỗ trợ tốt hơn hoạt động đánh giá chất lượng các nghiên cứu, xếp hạng tốt hơn cho các cơ sở nghiên cứu của ASEAN, đồng thời giúp cho sinh viên ASEAN lựa chọn trường đại học trong khu vực.
Từ đó, GS.TS Narongrit Sombatsompop cũng đưa ra những tiêu chí tuyển chọn tạp chí của ACI như: cấp độ phản biện, thời hạn xuất bản, ngôn ngữ sử dụng, tôn chỉ mục đích, sự đa dạng của hội đồng biên tập, tác giả, sự phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế…
GS.TS Narongrit Sombatsompop chia sẻ các thông tin về ACI |
Để các tạp chí khoa học của Việt Nam sớm ra nhập ACI, GS Narongrit Sombatsompop gợi ý: Cần xây dựng hệ thống chỉ số trích dẫn Việt Nam nhằm cung cấp tất cả các bài nghiên cứu công bố trên hệ thống tạp chí khoa học online của Việt Nam phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu.
Đồng thời các tạp chí khoa học Việt Nam cần chủ động, xây dựng chiến lược để có thể tham gia vào cơ sở dữ liệu ACI.
Là một trong những tạp chí đầu tiên của Việt Nam được xét duyệt vào ACI, PGS.TS Lê Quốc Hội - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) - chia sẻ kinh nghiệm để nâng cấp Tạp chí theo tiêu chuẩn quốc tế: Thứ nhất là xây dựng một Hội đồng biên tập, tư vấn và phản biện tốt. Tiếp đến là xây dựng quy trình, quy chế thẩm định bài viết chặt chẽ.
Ngoài ra cần có chính sách thu hút các bài viết có chất lượng tốt đến tạp chí. Đồng thời tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu tạp chí; xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên chuyên trách. Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình và mục tiêu cụ thể để nâng cấp tạp chí đạt tiêu chuẩn quốc tế.
PGS Lê Quốc Hội cũng đề xuất: Cần có một chiến lược phát triển tạp chí khoa học Việt Nam. Chiến lược này cần dựa trên đặc thù, mặ mạnh, mặt yếu của từng ngành khoa học để qua đó có một quy hoạch tổng thể cho phát triển tạo chí khoa học của từng ngành.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục lựa chọn và hỗ trợ các tạp chí có khả năng và điều kiện nâng cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời cần sớm xây dựng và triển khai Dự án xây dựng trung tâm trích dẫn Việt Nam (VCI). Đây sẽ là trung tâm độc lập, tin cậy và có uy tín về đánh giá, xếp hạng chất lượng và đưa ra chỉ số ảnh hưởng của các tạp chí khoa học của Việt Nam hàng năm.
"Việc hình thành Trung tâm này sẽ có chức năng tư vấn, hỗ trợ và làm cầu nối để các tạp chí khoa học Việt Nam có thể tiếp cận và gia nhập được các cơ sở dữ liệu, trích dẫn quốc tế như: ACI, Scopus, ISI.
Mặt khác sẽ tạo ra bước đột phá để nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học Việt Nam để đạt tiêu chuẩn quốc tế" - PGS Lê Quốc Hội nêu quan điểm.