Hội thảo giữa kỳ Xây dựng trường Đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam - cơ hội và thách thức

Hội thảo giữa kỳ Xây dựng trường Đại học đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam - cơ hội và thách thức
Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chào mừng hội thảo
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chào mừng hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần phải có những giải pháp cho toàn bộ hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) để có thể tập trung cho sự phát triển của nền kinh tế tri thức. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có trường ĐH nào được xếp hạng trong top 500 trường hàng đầu Châu Á. Theo  Phó thủ tướng, Bộ trưởng, về tổng thể, các trường ĐH của Việt Nam có 5 yếu điểm: sự lạc hậu về chương trình đào tạo và phương pháp đào tạo; sự lạc hậu và thiếu thốn về cơ sở vật chất, đặc biệt là các phòng thí nghiệm; sự lạc hậu về phương pháp quản lý; sự yếu kém về trình độ và năng lực của đội ngũ giảng viên; sự thiếu gắn kết với thực tế khi đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân phân tích, nguyên nhân của những tồn tại này là do thiếu sự đầu tư ở mức cần thiết của nhà nước và thiếu cơ chế quản lý các trường ĐH, cơ chế quản trị, quản lý trường một cách phù hợp. Chúng ta chưa có một kế hoạch kinh tế dài hạn cho giáo đục để đảm bảo đủ nguồn lực cung cấp cho các trường ĐH. Bản thân các trường ĐH cũng chưa được trao nhiều quyền tự chủ về nguồn lực tài chính đủ để tạo động lực thúc đẩy sự cải tiến trong chất lượng đào tạo.

Quang cảnh hội thảo
Hội thảo có sự tham dự của đại diện đại sứ quán Pháp, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam v.v...

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để khắc phục những nguyên nhân này, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tiến hành đồng thời các giải pháp như: cung cấp đầu vào chuẩn thông qua chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ đến năm 2020 trong đó có 10.000 tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài; quản lý chất lượng đào tạo của GDĐH bằng cách thúc đẩy các trường ĐH tự đánh giá chất lượng đào tạo và thí điểm kiểm định chất lượng ngoài, các trường ĐH, CĐ, bắt đầu từ năm 2009 phải công bố tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm sau thời điểm một năm tốt nghiệp; đổi mới cơ chế tài chính giáo dục…

Bộ GD&ĐT cũng đang khẩn trương hoàn tất các khung pháp lý để trao quyền tự chủ cho các trường, Bộ GD&ĐT chỉ đóng vai trò tham vấn và điều tiết từ xa. Trong số những giải pháp này, việc đầu tư xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế được xem là sẽ tạo sự chuyển biến mới: chương trình đào tạo đảm bảo chất lượng, phát huy được vai trò tự chủ của trường ĐH: Từ Hiệu trưởng đến CB, GV và SV đều chịu trách nhiệm trong phát huy hiệu quả trong giảng dạy và học tập.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhấn mạnh để trường ĐH Việt Nam có tên trong danh sách top 100 trường đứng hàng đầu thế giới cần có một lộ trình. Đây thực sự là nỗ lực không chỉ của riêng ngành giáo dục mà còn là quyết tâm của cộng đồng xã hội và cả quốc gia trong việc tạo ra uy tín trong đào tạo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Ayumi Konishi – Giám đốc Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho biết: Để có được trường ĐH đẳng cấp thế giới, các trường ở Việt Nam phải đi theo hướng xây dựng từng bước để tạo điều kiện cho nhiều nhà tài trợ cùng tham gia vào. Thiết kế xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế phải là “kiến trúc mở” để thu hút được nhiều nhà tài trợ. Ngoài ra, theo ông Ayumi Konishi, một vấn đề quan trọng nữa của trường ĐH đẳng cấp quốc tế là cần phải trao cho các trường quyền tự chủ trong đào tạo, nghiên cứu, liên kết… Khi đó, chính phủ sẽ đóng vai trò hỗ trợ.

Hội thảo cũng đã nghe báo cáo của nhóm tư vấn về nhiệm vụ của dự án hộ trợ kỹ thuật trong xây dựng 2 trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (HUST) và Đại học Đà Nẵng (DIU).

Chiều nay, 12.9, Hội thảo sẽ thảo luận với chủ đề làm thế nào để Việt Nam có thể xây dựng được những trường ĐH đẳng cấp quốc tế với các nội dung như phát triển học thuật, quản trị trường ĐH Mô hình mới, cơ chế tài chính cho các trường đại học mô hình mới trình độ quốc tế của Việt Nam.

Trường Đại học Việt Đức (VGU) ở thành phố Hồ Chí Minh là một trong 4 trường ĐH quốc tế ở Việt Nam đã đi vào hoạt động.
–  Thành lập theo quyết định số 1190/QĐ – TTg ngày 1/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
–  VGU là trường ĐH nghiên cứu, trường công lập chịu sự quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, hoạt động với sự hỗ trợ của các trường ĐH thuộc bang Hessen, các tổ chức giáo dục của CHLB Đức và ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh,
–  Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có quyết định bổ nhiệm GS.TS Wolf Rieck, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học ứng dụng Franfoukam Main – CHLB Đức, làm Hiệu trưởng của VGU trong giai đoạn xây dựng trường
– VGU đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ, khoa học sự sống và khoa học quản lý. Năm 2008 – 2009 bắt đầu tuyển sinh đào tạo Đại học ngành Kỹ thuật
Ngoài ra, trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (HUST) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thành lập trường về mặt nguyên tắc tại công văn số 786/TTg – TCCV ngày 23/5/2008. Trường dự định sẽ được xây dựng tại khu đất 60 – 65 ha trong khu công nghệ cao Hòa Lạc – Hà Nội, đào tạo những ngành mũi nhọn như: Công nghệ sinh học và dược học; hàng không và vũ trụ; Năng lượng; Khoa học và công nghệ thông tin và viễn thông; Vật liệu, công nghệ nano; Môi trường/nước…

Bộ GD&ĐT đang phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố Cần Thơ, trường ĐH Đà Nẵng và trường ĐH Cần Thơ trong việc xây dựng đề án tiền khả thi thành lập trường ĐH quốc tế tại Đà Nẵng và Cần Thơ.

Hà Ánh Ngọc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ