Có nhiều người đến để mua bán tranh nhưng cũng không ít người đến chỉ để thỏa trí tò mò hay muốn thưởng lãm tranh Đông Hồ. Nhiều người không quản ngại đường xa đã lặn lội về đây với tâm niệm ngày Tết có một vài bức tranh Đông Hồ treo trong nhà thì coi như năm đó gia đình sẽ yên ấm, gặp nhiều may mắn, làm ăn sung túc…
Nối nghiệp cha ông
Tôi đến “Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian” của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) - người được xem như “báu vật sống” của làng tranh Đông Hồ.
Đây vừa là nơi sản xuất và giới thiệu tranh dân gian với nhiều thể loại khác nhau, từ tranh sinh hoạt đời thường tới thể loại tranh phong cảnh được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tiếp đón tôi là nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm (con trai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế) - hiện là Phó Giám đốc Trung tâm. Anh Tâm cho biết:
“Trước đây tranh bán theo mùa thì nay tranh bán quanh năm, đặc biệt là vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều người đến tham quan làng tranh hơn.
Từ năm 1991 đến nay, tôi đã cùng gia đình làm lại nghề tranh. Thời gian đầu, chỉ được một số người quan tâm, nhưng dần dần nhiều hơn và hiện nay thì dịp giáp Tết, chúng tôi tiếp không hết khách đến chơi tranh. Năm nay tranh gà bán được nhiều hơn, đặc biệt là tranh gà in trên lịch Tết”.
Trầm ngâm nhớ lại một thời gian khó với nghề, anh Tâm kể: Ngày trước, có thời gian anh mang tranh đi ký gửi, giao tranh cho các cửa hàng lưu niệm trên Hà Nội, có khi một tháng đến khoảng hơn 2.000km, từ Đông Hồ đến Hà Nội và ngược lại.
Rồi có những năm anh đi hàng chục hội chợ từ Bắc đến Nam, ăn, ngủ vài tuần ở hội chợ, công viên, trung tâm triển lãm để giới thiệu tranh. Có lẽ nhờ những yếu tố đó mà nhiều người biết đến tranh Đông Hồ hơn.
Hiện nay, Trung tâm là nơi các trường học ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng... đưa học sinh về tham quan, tìm hiểu văn hóa chơi tranh Tết của người Việt xưa.
Học sinh đến Trung tâm có cơ hội được trải nghiệm làm tranh, được trò chuyện, tận mắt thấy từng dụng cụ, từng thao tác tỉ mẩn để tạo nên một bức tranh, càng khiến các em thêm yêu mến, tự hào về quê hương, về những thế hệ cha ông đã dày công gìn giữ giá trị văn hóa của quê hương.
Anh Tâm tự hào khoe: “Người đến mua tranh, xem tranh dịp Tết rất đông. Năm nay, có đoàn khách từ Mỹ, Nhật đăng ký đến tham quan”. Ngoài những bức tranh nổi tiếng như: Vinh quy bái tổ, Đám cưới chuột, lợn gà… nghệ nhân còn sáng tạo làm lịch bằng tranh Đông Hồ.
Năm nay hình ảnh những bức tranh gà dân gian được các nơi đến đặt làm lịch Tết 2017. Đây là cách đưa tranh dân gian Đông Hồ đến gần hơn với công chúng.
Phục hồi dòng tranh cổ
Tranh Đông Hồ xưa nổi tiếng không chỉ ở vùng Kinh Bắc mà khắp chốn thị thành, làng xóm trong cả nước. Tết đến, ai cũng mua tranh Đông Hồ về dán trong nhà để đón xuân.
Nền hội họa hiện đại phát triển, cùng với quá trình hội nhập các nền văn hoá khác từ nước ngoài vào, làm cho tranh Đông Hồ bị bỏ quên một thời gian khá dài. Bao nhiêu bản in bằng gỗ rất quý bị thất lạc, đưa vào bếp làm củi….
Năm 1980, ông Nguyễn Đăng Chế, lúc bấy giờ đang công tác tại nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc, xuất phát từ lòng đam mê một loại hình văn hoá dân gian độc đáo của chính quê hương đã quay về làng lùng tìm mua lại những bản in bằng gỗ.
Hàng ngàn bản khắc cổ của làng Đông Hồ, vốn đã từng in ra biết bao bản tranh trong suốt cả lịch sử làm tranh đã tới trăm năm, nay đã được thu gom lại tương đối đầy đủ.
Ông Chế kiểm tra và phân loại bản in. Bản nào in được thì dùng để in tranh, bản nào không rõ nét khắc thì giữ lại thành bảo tàng, bản nào in được thì dùng để in, phục dựng lại dòng tranh dân gian rất quý hiếm của dân tộc ta.
Nhận rõ giá trị dòng tranh quê hương mình, ông xin nghỉ hưu sớm, trở về quê hương khôi phục lại dòng tranh khi nó dần dần bị xóa sổ. Dồn hết vốn liếng, ông thuê khu đất của xã với thời gian 50 năm làm xưởng sản xuất tranh để khôi phục lại cái nghề từ lâu đã dần thất truyền.
Ông nhớ lại, trước đây, ông đã đến gõ cửa từng nhà trong làng hỏi xin mua lại những bản khắc gỗ quý từ thời xưa. Những bản khắc gỗ đó có nhà còn, nhà mất.
Có nhà nhiều năm không động đến, bản khắc gỗ nằm trong gia đình chỉ như đồ vật cũ vô tác dụng chẳng ai ngó ngàng, hoặc giả người ta có trân quý thì cẩn thận cất vào một góc tủ.
Khi thấy ông hỏi mua những bản khắc gỗ có người nhìn ông ái ngại, người khích lệ động viên. Họ không hiểu ông sẽ làm gì với những bản khắc gỗ đó.
Dần qua những tháng ngày vất vả, cực nhọc, ông vẫn kiên trì, miệt mài, say sưa, tìm tòi cộng hưởng những bản khắc gỗ cũ và mới ngày càng nhuần nhị, thành thục hơn. Những câu chuyện về đời sống sinh hoạt làng quê phong phú cũng được tải vào mỗi hình ảnh sinh động trong các bức tranh.
Ít lâu, làng Đông Hồ từ đó nườm nượp khách về thăm, khách đến mua tranh ban đầu thì ít, chủ yếu là về tìm hiểu, nghiên cứu lại một dòng tranh đặc biệt của Việt Nam.
Có điều, khách nước ngoài từ các nền văn hoá trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Âu đến nhiều, họ chẳng những mua tranh mà mua luôn cả bản in gỗ (dĩ nhiên là những bản do ông Chế sao chép lại).
Dần dà ông cũng có thu nhập tương đối từ bán tranh và bản in sao giúp ông thành lập doanh nghiệp và mở rộng quy mô sản xuất in tranh.
Từ những bước đi ban đầu nhiều khó khăn ấy, đến nay, Trung tâm đã trở thành một địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch vùng Kinh Bắc; mỗi ngày đón tiếp hàng chục đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu và mua tranh. Các con trai, gái, dâu, rể trong nhà đã trở thành thế hệ thứ 21 trong dòng họ, tiếp nối ông giữ mạch làm nghề.