Hội nhập - bệ phóng cho đại học phát triển

GD&TĐ - Hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu của giáo dục đại học Việt Nam. Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương về vấn đề này.

Sức trẻ Ngoại thương (Hà Nội)
Sức trẻ Ngoại thương (Hà Nội)

Chất lượng là sống còn

Với một trường đại học muốn lớn mạnh và hội nhập tốt thì chất lượng đào tạo là một trong những tác nhân quan trọng. Vậy Đại học Ngoại thương đã cụ thể hóa việc này thế nào, thưa ông?

Chất lượng luôn được nhà trường đặt lên hàng đầu. Trong những năm qua, chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu, đây là yếu tố quyết định tới sự phát triển, sự khác biệt về chất lượng trong các sản phẩm đào tạo. Nỗ lực xây dựng và có được một hệ sinh thái giảng dạy, học tập và nghiên cứu hiện đại, năng động với một sắc thái riêng nhằm phát huy tiềm năng của mỗi sinh viên Trường Đại học Ngoại thương.

Khi được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (được giao nhiều quyền hơn về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ giáo dục đào tạo) từ năm 2015, chúng tôi đã không ngừng nỗ lực để đổi mới hệ thống quản trị cùng các cơ chế vận hành để huy động và phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực. Nhà trường đã tập trung đầu tư mạnh cho đội ngũ, đổi mới chương trình đào tạo và nâng cấp cơ sở vật chất.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương
 PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương

Để đội ngũ đáp ứng yêu cầu chất lượng, nhà trường đã có cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao với nhiều chính sách đào tạo dài hạn, ngắn hạn, đào tạo tại chỗ…. Về đổi mới chương trình, các chương trình đào tạo tiên tiến và chất lượng cao của nhà trường được xây dựng tiếp cận với các chương trình đào tạo của các trường đại học uy tín trong khu vực và trên thế giới. Các chương trình đào tạo mới đảm bảo sinh viên khi ra trường có thể làm việc ở các tập đoàn, công ty quốc tế ở Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới. 

Trường Đại học Ngoại thương hiện đã có hệ thống giảng đường, trang thiết bị giảng dạy hiện đại, thư viện và thư viện điện tử, giáo trình, tài liệu, cơ sở dữ liệu online, hệ thống thông tin… phục vụ tối đa cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chúng tôi đang có một hệ sinh thái giảng dạy, học tập và nghiên cứu hiện đại, năng động với một sắc thái riêng nhằm phát huy tiềm năng của mỗi sinh viên.

Hội nhập là phát triển

Ông ý kiến thế nào khi nhiều người cho rằng môi trường học tập, rèn luyện ở trường Đại học Ngoại thương là năng động, sáng tạo, thân thiện và hội nhập? 

Tôi cho rằng lợi thề của trường là có nguồn lực rất quý giá đó chính là đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên xuất sắc, thuận lợi để bước vào hội nhập quốc tế và thực tế là chúng tôi đã đạt được nhiều thành công trong quá trình hội nhập. Chính hội nhập là kích thích tố, chúng tôi đã có kết nối tốt với mạng lưới các đối tác là các trường đại học, các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội rộng lớn ở trong và ngoài nước, chúng tôi đã phát triển các chương trình đào tạo mới, tiên tiến, theo chuẩn quốc tế.

Hội nhập quốc tế chỉ đem lại hiệu quả tích cực khi xác định rõ mục tiêu, chiến lược và chuẩn bị tốt các điều kiện cho hội nhập. Mức độ hội nhập quốc tế của các cơ sở GDĐH phụ thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo cơ sở đó; năng lực của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; chương trình đào tạo và mức độ chuyển giao hoặc tham khảo của chương trình đào tạo; năng lực của sinh viên, đặc biệt là năng lực về ngoại ngữ; mô hình tổ chức và quản hợp lý phù hợp với hội nhập quốc tế, cũng như quyền tự chủ trong quản lý nói chung và trong hội nhập quốc tế nói riêng.

Ngược lại, hội nhập quốc tế cũng giúp chúng tôi có thêm động lực và điều kiện để phát triển nguồn nhân lực. Sinh viên quốc tế đến với Đại học Ngoại thương ngày càng đông hơn, đa dạng hơn về quốc tịch tạo nên một môi trường học tập quốc tế. Nhiều sinh viên có cơ hội ra nước ngoài học tập, nghiên cứu và thực tập.

Các giảng viên nước ngoài được mời tới giảng dạy, nghiên cứu, các nhà lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức quốc tế lớn, các doanh nghiệp hàng đầu được mời tới để cùng nhà trường xây dựng chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy, trao đổi, tư vấn, hỗ trợ cho mọi hoạt động của sinh viên.

Có thể nói hội nhập đã giúp chúng tôi được trải nghiệm một môi trường đa văn hóa ngay tại Việt Nam, đây chính là những yếu tố mấu chốt để tạo nên những công dân toàn cầu. Hội nhập cũng giúp sinh viên, giảng viên nhà trường được học tập, rèn luyện, trải nghiệm trong một không gian văn hóa – giáo dục thân thiện, khích lệ sự năng động, sáng tạo, đổi mới và cống hiến vì sự nghiệp chung.

Xin cám ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ