Thỏa thuận này được coi là thành tựu lớn lao sau 4 năm đàm phán cam go và là “bước ngoặt đầu tiên” - ràng buộc cả các quốc gia giàu có lẫn các quốc gia nghèo khó chung tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, tất cả mới dừng lại ở thỏa thuận, việc thực hiện cam kết này sẽ gặp phải không ít khó khăn.
Thỏa thuận mang tính lịch sử
Theo VOA, ngày 12/12, tại Paris, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố đã đạt được thỏa thuận lịch sử về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu giữa tiếng reo hò của các đại biểu đến từ gần 195 quốc gia trên thế giới.
Như vậy, sau 2 tuần đàm phán căng thẳng, 195 quốc gia đã nhất trí áp dụng bắt buộc thỏa thuận khí hậu mới đối với tất cả các nước, xác định khối lượng khí thải sau năm 2020 và các biện pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu - Ria-Novosti đưa tin.
Theo VOA, việc 187 quốc gia đã đệ trình các kế hoạch chi tiết của họ về những biện pháp nhằm khống chế lượng khí thải nhà kính được coi là trọng tâm của thỏa thuận vừa mới đạt được tại Paris. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, thỏa thuận này sẽ hạn chế sự tăng nhiệt toàn cầu thấp hơn mức 2 độ C, tiến tới chỉ còn 1,5 độ C vào năm 2030.
Cũng theo lời Laurent Fabius thì thỏa thuận này có tính ràng buộc về mặt pháp lý với tất cả các nước và được xem xét kế hoạch hành động của các quốc gia theo thời hạn 5 năm một lần.
Ngoài ra, thỏa thuận này cũng khuyến khích các nước lớn tự nguyện hỗ trợ các nước nghèo trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo kế hoạch này, hàng năm các nước đang phát triển sẽ được hỗ trợ khoảng 100 tỷ USD.
Chặng đường phía trước còn lắm chông gai
Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Paris thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Thủ tướng Anh David Cameron gọi thỏa thuận đạt được “có nghĩa là toàn bộ thế giới thực hiện một cam kết hành động để chống lại biến đổi khí hậu.
Điểm này phải được ghi nhớ, vì nó đánh dấu một bước tiến quan trọng để đảm bảo tương lai của hành tinh chúng ta”. Người đứng đầu bộ phận năng lượng của Greenpeace Nga, ông Vladimir Chuprov khẳng định:
“Đây là một quyết định bước ngoặt, không hề phóng đại, nhân loại đã thống nhất và đã thiết lập một mục tiêu để hạn chế biến đổi khí hậu để thay đổi thế giới của con người, để cứu hành tinh thích hợp cho cuộc sống”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, thỏa thuận Paris là “chưa hoàn hảo nhưng kịp thời”, rằng “đây là một tín hiệu cho thấy thế giới đã nhận trách nhiệm về mình trong việc cắt giảm khí thải. Nó sẽ không dễ dàng, mọi tiến bộ không bao giờ dễ dàng…”.
Phát biểu tại lễ bế mạc COP 21, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon gọi thỏa thuận mới là “một thắng lợi cho con người và cho cả hành tinh”. Ông Ban Ki Moon kêu gọi các quốc gia ngay lập tức bắt tay vào thực hiện thỏa thuận khí hậu Paris.
Theo một chuyên gia hàng đầu của tờ The New York Times thì mục đích của thỏa thuận là thúc đẩy việc hạn chế sử dụng “năng lượng bẩn” từ dầu mỏ, than đá, khí đốt và chuyển sang dùng “năng lượng sạch” như sức gió, năng lượng mặt trời và các nguồn khác.
Theo các nhà phân tích thì đây là sự khởi đầu của một giai đoạn mới của hành động toàn cầu về phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, ngay lập tức các tập đoàn năng lượng, các tập đoàn công nghiệp ở các nước phát triển đã phản đối quyết định này.
Với nhan đề “Cuộc phản công của giới lobby khí hậu”, tờ Le Monde (Pháp) cho rằng, với đa số doanh nhân và các nhà đầu tư, việc Trái đất nóng lên là chuyện quá xa vời, lợi nhuận của doanh nghiệp mới là vấn đề quan tâm trước hết.
Ngay tại Mỹ, Hạ viện của nước này đã bỏ phiếu phản đối những tiêu chuẩn mới mà COP21 đưa ra. Còn trên thực tế, ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ đã mở một chiến dịch vận động hành lang chống lại dự luật cắt giảm một nửa lượng nhiên liệu tiêu thụ đến năm 2030 của bang California.
Các nhà vận động hành lang đã phải chi ra 11 triệu USD chỉ để thuyết phục người dân và các nhà lập pháp rằng một quyết định như vậy sẽ gây thiệt hại cho kinh tế địa phương.
Như vậy, để thực hiện được những cam kết của COP21 còn lắm chông gai ở phía trước. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cả thế giới đạt được thỏa thuận như vậy đã tốt lắm rồi.