Dự hội nghị có các đại biểu từ các nước thành viên ASEAN là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Hàn Quốc (ACT+1). Đoàn Việt Nam do PGS Trần Công Phong - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - dẫn đầu.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá lại những cam kết mà chính phủ các nước đã đưa ra tại Dakar năm 2000 nhằm đảm bảo giáo dục cho mọi người (EFA) vào năm 2015; Đồng thời hoan nghênh những cam kết do Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN đã đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 2 tại Bali vào tháng 3/2007.
Hội nghị lần này với chủ đề: “Nâng cao phát triển nghiệp vụ nhà giáo ASEAN vì một nền giáo dục chất lượng cao”. Chính vì vậy các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị cùng tin tưởng rằng: Giáo dục mang lại cho tất cả trẻ em cơ hội bình đẳng và phương tiện để chống lại đói nghèo, khó khăn và bất bình đẳng.
Đây là công cụ thiết yếu để giải phóng xã hội và đem lại bình đẳng, tiến bộ và công bằng xã hội. Giáo dục thay đổi cuộc sống con người.
Tại Hội nghị, vai trò của giáo viên một lần nữa được đề cao trong giảng dạy và là những nhân tố chủ chốt trong quá trình học của học sinh. Chính vì vậy, đòi hỏi phải có các trường sư phạm đào tạo giáo viên vừa đảm bảo về chất lượng và số lượng và phải đảm bảo giáo viên được đào tạo thường xuyên và có đủ trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy trong suốt quá trình dạy - học.
Kết thúc hội nghị các đại biểu tham dự đã nhất trí đưa ra cam kết: Tăng cường củng cố hợp tác trong khối ACT+1 và với Tổ chức Công đoàn Giáo dục Quốc tế (EI) để nâng cao chất lượng giáo dục, bảo vệ quyền lợi của giáo viên và những người làm việc trong ngành Giáo dục, đảm bảo công bằng trong xã hội; Lương bổng, phúc lợi xã hội dành cho giáo viên phải xứng với trình độ chuyên môn theo yêu cầu và mức sống của xã hội.
Hội nghị cũng kêu gọi các tổ chức thành viên tham gia giám sát tiến độ thực hiện mục tiêu EFA và tiếp tục xây dựng các mối quan hệ hợp tác, liên kết với các tổ chức cùng chung quan điểm xây dựng mối quan hệ đối tác nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; Tiếp tục ủng hộ chính phủ các quốc gia dành 6% thu nhập quốc dân (GNP) cho giáo dục. Có sáng kiến thúc đẩy thực hiện các khuyến nghị của UNESCO/ILO về vị thế của nhà giáo;
Chú trọng và có các biện pháp tích cực chủ động giải quyết các vấn đề liên quan đến tuyển dụng và sử dụng giáo viên, đào tạo sư phạm và phát triển nghiệp vụ thường xuyên cho giáo viên và trợ giảng ở các trường để đảm bảo mọi trẻ em được tiếp cận một nền giáo dục chất lượng cao miễn phí, đồng thời có các sáng kiến cải tiến trong giáo dục để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi người;
Hợp tác để củng cố tăng cường hệ thống đội ngũ nhà giáo nhằm thực hiện được những kiến nghị đề xuất nâng cao phát triển nghiệp vụ nhà giáo vì một nền giáo dục chất lượng cao đã nêu ra trong các báo cáo quốc gia trình bày tại Hội nghị ACT+1.