Hội nghị giao ban cụm thi đua số 5: Những kiến nghị từ thực tế

GD&TĐ - Từ thực tế triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) ở các địa phương cho thấy cần có những giải pháp tích cực hơn nữa, đặc biệt là sự quan tâm đầu tư ngân sách từ nhà nước.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu kết luận Hội nghị.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh phát biểu kết luận Hội nghị.

Sáng 1/12 tại TP Bắc Giang, Cụm thi đua số 5 – Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị giao ban lần thứ nhất. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh dự và chỉ đạo Hội nghị. Tại hội nghị, nhiều ý kiến, đề xuất được đại diện các địa phương đưa ra sau gần một năm triển khai các hoạt động dạy – học trong nhà trường trước tình hình mới diễn biến của dịch Covid-19.

Kiến nghị chung của các địa phương cho thấy, trong quá trình triển khai chương trình GDPT mới, Chính phủ không ban hành chương trình mục tiêu riêng, do đó còn nhiều khó khăn về kinh phí. Nguồn lực đầu tư cho mua sắm thiết bị dạy học, cơ sở vật chất của nhiều địa phương cũng như kinh phí dành cho công tác tập huấn, bồi dưỡng GV phục vụ đổi mới chương trình GDPT mới còn rất hạn hẹp, không đáp ứng được mức chi theo chế độ hiện hành.

Đại diện Sở GD&ĐT Phú Thọ đề nghị Chính phủ, và các bộ ngành liên quan ưu tiên hỗ trợ ngân sách triển khai thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và sắp xếp, tổ chức lại cơ sở GD theo yêu cầu của Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình GDMN, GDPT giai đoạn 2017-2025; đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Nội vụ nghiên cứu, sớm có hướng dẫn cụ thể về định mức, cơ chế chính sách đối với GV; Bộ GD&ĐT sớm ban hành danh mục SGK lớp 2 thực hiện từ năm học 2021-2022 để Sở GD&ĐT kịp thời tham mưu UBND tỉnh tổ chức lựa chọn, tập huấn, bồi dưỡng và triển khai thực hiện các nội dung theo đúng lộ trình và quy định.

Nhà giáo Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái phát biểu.
Nhà giáo Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái phát biểu.

Nhà giáo Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách đối với các trường PTDTBT, trường phổ thông có HSBT ở vùng DTTS, miền núi. Đề nghị Chính phủ, Ủy ban dân tộc sớm ban hành Quyết định phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, xã khu vực II và xã khu vực I vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 để việc thực hiện chế độ chính sách đối với HS được đảm bảo. Xem xét bỏ thủ tục hành chính đối với việc đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của HS theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP do thời gian để giải quyết thủ tục không đảm bảo để đơn vị xử lý thực hiện theo quy trình xét duyệt.

Đại diện tỉnh Hòa Bình kiến nghị với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan; với Chính phủ và Quốc hội: Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT và Thông tư số 30/2015/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PT DTBT. Đề nghị tiếp tục tăng cường các nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường học, ưu tiên các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Hòa Bình để phát triển GD vùng dân tộc. Đặc biệt hỗ trợ nguồn lực đầu tư phòng ở, công trình phụ trợ cho các trường PT DTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú. Đề nghị nâng mức hỗ trợ cho HS nội trú và bổ sung vị trí việc làm nhân viên nấu ăn, nhân viên điện nước cho các trường PTDTBT.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao cờ thi đua tiêu biểu xuất sắc năm học học 2019 - 2020 cho Sở GD&ĐT Bắc Giang.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao cờ thi đua tiêu biểu xuất sắc năm học học 2019 - 2020 cho Sở GD&ĐT Bắc Giang.

Đại diện tỉnh Tuyên Quang đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan; với Chính phủ và Quốc hội, tiếp tục tham mưu với Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ HS vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; mở rộng đối tượng thành lập trường phổ thông dân tộc bán trú đối với cấp THPT. Tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí thực hiện chương trình GDPT mới, ưu tiên bố trí kinh phí cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện chương trình.

Đại diện Thái Nguyên đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các địa phương xây dựng các Đề án, chương trình nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong toàn ngành GD; quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2010-2025; hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; tiếp tục có cơ chế, chính sách đầu tư phát triển GD vùng núi. Đề nghị Bộ GD&ĐT và Cục Quản lý chất lượng: Tổ chức tập huấn bổ sung đội ngũ cán bộ đánh giá ngoài cho các Sở GD&ĐT. Có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định tiêu chuẩn CSVC các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học trong công tác KĐCLGD.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao Bằng khen của Bộ trưởng cho 3 Sở GD&ĐT.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao Bằng khen của Bộ trưởng cho 3 Sở GD&ĐT.

Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành Thông tư sửa đổi hoặc thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm để các địa phương có căn cứ tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành quy định cụ thể về dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Rà soát, sửa đổi định mức HS/lớp quy định tại Điều lệ các bậc học và định mức GV/lớp cho phù hợp với chương trình GDPT mới và điều kiện thực tế của từng vùng, miền. Sớm ban hành Điều lệ trường mầm non (sửa đổi) cho phù hợp luật Giáo dục 2019. Tiếp tục tham mưu để có cơ chế chính sách thu hút HS giỏi vào các trường sư phạm để đảm bảo nâng cao chất lượng đội ngũ GV bền vững. Tham mưu, kiến nghị để điều chỉnh chính sách tiền lương cho nhà giáo và CBQL giáo dục để nhà giáo yên tâm công tác.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đánh giá cao những kết quả đạt được của cụm thi đua số 5, đã bám sát chỉ đạo, thể hiện rõ vai trò tham mưu theo 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp của Bộ. Đã tập trung rà soát quy mô, tinh giản đầu mối, tập trung đầu tư CSVC. Quy mô mạng lưới trường lớp, PTDTNT đã được quan tâm, kết quả học tập rõ nét, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều tiến bộ. Công tác thi đua khen thưởng đã bám sát và coi trọng đổi mới sáng tạo dạy – học, kịp thời tuyên dương khen thưởng các tấm gương điển hình tiên tiến.  

Thứ trưởng ghi nhận những kiến nghị từ các Sở GD&ĐT. Kiến nghị về học văn hóa trường nghề, Thứ trưởng đồng ý cần có những quy định phù hợp, có lợi cho người học theo từng ngành nghề, đặc biệt là đối với HS vùng dân tộc. Về biên chế giáo viên, Thứ trưởng cho rằng: Cần học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh đã tham mưu với HĐND thực hiện hiệu quả việc này. Nhiều tỉnh làm cứng quá, cần sớm tháo gỡ, giao biên chế không bám vào định biên. Bộ sẽ sớm làm việc với Chính phủ đề nghị cho phép các địa phương tự chủ hợp đồng cho giáo viên. Thứ trưởng cũng giao cho các cục, vụ chức năng cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các địa phương tháo gỡ những vướng mắc.

Năm học tới tiếp tục triển khai Chương trình GDPT mới, cụm cần bám sát Chỉ thị 666  của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, 5 nhóm giải háp. Phát động thi đua đổi mới, sáng tạo, gắn kết nguồn lực, truyền tải tinh thần đổi mới tới đội ngũ toàn ngành. Thi đua khen thưởng cần hướng đến cơ sở, thầy cô đang trực tiếp đứng lớp, khích lệ sao cho có tính lan tỏa. Đổi mới từ quản lý, giảng dạy đến học tập, có sự khích lệ đổi mới sáng tạo ứng với công nghệ số. Đổi mới có thành công hay không phụ thuộc vào đội ngủ. SGK là pháp lệnh nhưng cần các thầy cô có tính tự chủ, đổi mới sáng tạo để phát triển năng lực cho HS. Chúng ta có nhiều góc nhìn, dạy để thích ứng với từng đối tượng học sinh. 
                                                                        Thứ trưởng Ngô Thị Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ