Cuộc 'dạo chơi' kỳ thú qua 294 bảo vật quốc gia

GD&TĐ - Tính đến ngày 18/1/2024, Việt Nam có 294 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia qua 12 đợt ký duyệt.

Hình ảnh sắc nét, thông tin cô đọng về các bảo vật giúp người xem bao quát và hệ thống hóa toàn bộ bảo vật Việt Nam.
Hình ảnh sắc nét, thông tin cô đọng về các bảo vật giúp người xem bao quát và hệ thống hóa toàn bộ bảo vật Việt Nam.

Hình ảnh sắc nét, thông tin cô đọng về 294 bảo vật quốc gia trong cuốn sách song ngữ Việt - Anh “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam”, đưa người yêu văn hóa - lịch sử “dạo chơi” qua những bảo vật độc nhất vô nhị.

Chắt lọc nghìn năm văn hiến

Tính đến ngày 18/1/2024, Việt Nam có 294 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia qua 12 đợt ký duyệt.

Các bảo vật quốc gia là những “hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”, được lưu giữ, bảo vệ theo chế độ đặc biệt, với những phương pháp bảo quản đặc thù tùy thuộc vào đặc điểm chất liệu và niên đại.

Bởi có giá trị đặc biệt quý hiếm nên việc công nhận bảo vật quốc gia được thực hiện theo trình tự, thủ tục chặt chẽ, nghiêm ngặt.

Để được công nhận bảo vật quốc gia, các hiện vật phải đáp ứng những tiêu chí quy định tại khoản 3, Điều 2 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP, ngày 11/11/2002 của Chính phủ: Hiện vật phải nguyên gốc, độc bản; có hình thức độc đáo; có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện là vật chứng của một sự kiện lớn hoặc gắn bó với cuộc sống, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân kiệt xuất.

Bên cạnh đó, hiện vật phải là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng - nhân văn, giá trị thẩm mỹ và hình thức thể hiện tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc dẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định.

Theo Bộ VH,TT&DL, trong thời gian qua, việc giới thiệu, quảng bá các bảo vật đã được quan tâm, thực hiện bằng những hình thức đa dạng, từ các cuộc trưng bày trong và ngoài nước cho đến giới thiệu thông qua các trang web, phương tiện truyền thông xã hội, số hóa, phát hành các bộ tem theo chủ để về bảo vật quốc gia....

Tuy nhiên, các bảo vật quốc gia hiện nay thuộc quyền quản lý của nhiều địa phương, tổ chức khác nhau nên mỗi nơi có cách thức quảng bá, khai thác cũng như tôn vinh các giá trị của các hiện vật, nhóm hiện vật khác nhau. Do vậy, công chúng còn gặp nhiều khó khăn khi muốn chiêm ngưỡng, tìm hiểu một cách hệ thống về các bảo vật quốc gia.

Để giúp công chúng dễ dàng thưởng lãm những báu vật trên khắp đất nước, có được hiểu biết một cách hệ thống, xuyên suốt về toàn bộ 294 bảo vật; đồng thời để những báu vật này được tôn vinh, lan tỏa giá trị, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Bộ VH,TT&DL đã tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách song ngữ Việt - Anh “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam - Thousand Years of Viet Nam National Civilization”.

Cuốn sách như một cẩm nang, đưa công chúng dạo chơi tìm hiểu theo hành trình niên đại của các bảo vật quốc gia. Bắt đầu từ giai đoạn trước Công nguyên cho đến thời kỳ chiến tranh cách mạng, đánh dấu bằng bước ngoặt vĩ đại là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Cuốn sách giới thiệu các bảo vật một cách súc tích, ngắn gọn nhưng cũng đủ để những người yêu văn hóa - lịch sử có cái nhìn cơ bản về nguồn gốc, thời đại, đặc điểm cùng những giá trị đặc sắc của bảo vật.

cuoc dao choi ky thu qua 294 bao vat quoc gia (1).jpg
Mỗi bảo vật quốc gia là một câu chuyện thể hiện cho thời đại.

Những chuyện kỳ thú về bảo vật

Trao đổi với Báo GD&TĐ, đại diện Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, trong lần xuất bản đầu tiên (năm 2023), cuốn sách đã giới thiệu 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia qua 11 đợt ký duyệt. Ở lần xuất bản thứ hai này, nhà xuất bản giới thiệu bổ sung 29 bảo vật được công nhận đợt 12.

Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, cuốn sách sẽ giúp đông đảo công chúng trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa được dệt bởi bàn tay và khối óc con người Việt Nam, được liên tục bồi đắp suốt hàng nghìn năm qua, để tạo nên một nền văn hóa đậm đặc bản sắc dân tộc.

Trong đó có những bảo vật tiêu biểu, như: Đàn đá Khánh Sơn (Bảo tàng Khánh Hòa); trống đồng Sao Vàng (Bảo tàng Lịch sử quốc gia); sưu tập vàng lá Châu Thành (Bảo tàng Trà Vinh); phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1 (Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng); sưu tập cột kinh Phật thời Đinh (Bảo tàng Ninh Bình); lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội); hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (Bảo tàng Bình Định); chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần (Bảo tàng Hải Dương)…

Khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và khuôn in tín phiếu mệnh giá năm mươi đồng (Bảo tàng Quảng Ngãi); bảo kiếm an dân (Bảo tàng Lịch sử quốc gia); mộc bản chùa Dâu, niên đại từ năm 1752 - 1859 (Bắc Ninh); cặp rồng đá thành bậc đền Thượng Cổ Loa, hiện lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa; tượng thờ vua Pô Klong Garai (Ninh Thuận)...

Những câu chuyện về người sở hữu bảo vật, như chuyện nhà sưu tập Trần Đình Thăng có đến 15 hiện vật trong danh sách. Ông Thăng không lấy tên mình cho bộ sưu tập, mà lấy tên An Biên để nhớ về tiến trình lịch sử vùng đất cảng gắn với tên tuổi nữ tướng Lê Chân.

Quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022) đánh dấu sự gia tăng của các bộ sưu tập tư nhân. Ngoài hiện vật của ông Trần Đình Thăng, giới bảo tồn đặc biệt chú ý đến nhóm hiện vật trống và thạp đồng của nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính (Hà Nội) và Nguyễn Thế Hồng (Bắc Ninh).

Mỗi hiện vật gắn với một câu chuyện kỳ thú từ thuở khai sinh, sử dụng cho đến khi được phát hiện, sưu tầm. Ẩn mình sau mỗi lớp thời gian là những “hóa thạch văn hóa” nghìn năm, chứng kiến sự biến đổi của lịch sử.

Giờ đây, với hệ thống hóa hình ảnh, tư liệu trong “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam”, công chúng không còn phải quá khó khăn để tiếp cận với những bảo vật - niềm tự hào của mỗi người Việt Nam.

“Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” là một trong những cuốn sách cuối cùng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành thời gian nghiên cứu trong những ngày điều trị tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Sinh thời, Tổng Bí thư dành hết tâm sức vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Không chỉ khích lệ ngành văn hóa, văn nghệ sĩ và toàn dân chấn hưng văn hóa nước nhà, mà còn phải để những giá trị văn hóa của đất nước được bảo tồn, phát huy hơn nữa trong bối cảnh mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cập nhật sxmb mới nhất