Bản sắc Việt trong bảo vật quốc gia 'Gióng'

GD&TĐ - Sau 7 năm được công nhận là bảo vật quốc gia, tác phẩm “Gióng” của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẫn vẹn nguyên giá trị nghệ thuật.

Tác phẩm sơn mài 'Gióng' được công nhận bảo vật quốc gia năm 2017.
Tác phẩm sơn mài 'Gióng' được công nhận bảo vật quốc gia năm 2017.

Nghệ thuật của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm nguyên vẹn hồn cốt của di sản văn hóa truyền thống Việt Nam, mỹ cảm Việt Nam, tâm hồn người Việt Nam, mà tác phẩm sơn mài “Gióng” là một ví dụ.

Sáng tạo từ nền tảng bản sắc dân tộc

Sau 7 năm được công nhận là bảo vật quốc gia, tác phẩm “Gióng” của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẫn vẹn nguyên giá trị nghệ thuật và không ngừng làm nổi bật các giá trị truyền thống của văn hóa Việt.

Trong khuôn khổ triển lãm “Hà Nội sức sống và niềm tin” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chương trình Art Talk chủ đề “Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm - người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại” với sự chia sẻ thân tình từ gia đình và giới nghệ thuật, đã giúp công chúng thấy rõ hơn những giá trị mực thước từ nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm cũng như bảo vật quốc gia “Gióng”.

Họa sĩ Thu Giang - con gái út nhà văn Nguyễn Tuân từng làm mẫu vẽ cho Nguyễn Tư Nghiêm, và sau này khi ở độ tuổi gần 50, bà trở thành vợ của họa sĩ - khi ông đã 73 tuổi. Sự nho nhã, nhẹ nhàng trong ứng xử và cần mẫn trong nghề nghiệp của Nguyễn Tư Nghiêm là những kỷ niệm không bao giờ nhạt phai trong ký ức của bà Thu Giang.

Là người vợ, đồng thời cũng là “trợ lý” của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, các tác phẩm của ông - từ khi phác thảo đến lúc hoàn thành, bà Thu Giang chính là khán giả đầu tiên. Bà vun vén, cất giữ các tác phẩm cẩn thận, để sau này - vào năm 2011, Bảo tàng Nguyễn Tuân - Nguyễn Tư Nghiêm được thành lập trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), trở thành nơi trưng bày các tác phẩm của ông cụ thân sinh và người chồng họa sĩ tài hoa.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê - nguyên ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam) trong chương trình Art Talk đã trao tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tư liệu quý về danh họa Nguyễn Tư Nghiêm. Bà Khuê cho rằng, khi nói về Nguyễn Tư Nghiêm là nói về một cuộc đời sáng tạo, một cuộc đời lấy bản sắc dân tộc làm nền tảng. Ở đó có tâm hồn, có sự lắng đọng, có giá trị của cái mới và cái truyền thống. Ông xứng đáng là người kết nối các giá trị thẩm mỹ truyền thống với đương đại.

“Hàng trăm tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm, chúng ta thấy các tạo hình mới nhưng luôn mang âm hưởng thẩm mỹ truyền thống. Trong cái mới không quên cái cũ, không quên cái chân nền và điều đó làm thành giá trị cá biệt, riêng có của Nguyễn Tư Nghiêm đối với các họa sĩ cùng thời”, bà Đặng Thị Khuê nhận định.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam kể rằng, khi sinh thời nhiều lần họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm có nói không bị lệ thuộc vào nghệ thuật của nước nào. Bởi vì ông nhìn thấy nghệ thuật trong văn hóa của nước mình, thấy nét hiện đại trong chính dân tộc mình, thấy được hội họa trong di sản đình - đền, thấy được tạo hình trong cội rễ dân gian.

“Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm gần như là người được trao gửi hồn cốt của di sản văn hóa Việt. Nghệ thuật của ông nguyên vẹn hồn cốt di sản văn hóa truyền thống, của mỹ cảm Việt Nam, của tâm hồn người Việt Nam, mà tác phẩm sơn mài “Gióng” là một ví dụ tiêu biểu và điển hình”, ông Lương Xuân Đoàn cho biết.

ban-sac-viet-trong-bao-vat-quoc-gia-giong-1-4832.jpg
Art Talk chủ đề danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, trong khuôn khổ triển lãm 'Hà Nội sức sống và niềm tin' tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Bức tranh từng được định giá “triệu đô”

Trong di sản mỹ thuật của mình, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm với tác phẩm sơn mài “Gióng” được công nhận bảo vật quốc gia (2017) - là một trong 7 họa phẩm kinh điển của hội họa Việt Nam.

“Gióng” có kích thước 90 x 120,3cm, được sáng tác năm 1990, sau đó bức tranh đã đoạt giải Nhất triển lãm mỹ thuật toàn quốc.

Tác phẩm thể hiện anh hùng Thánh Gióng bằng ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật lập thể, vị lai với kỹ thuật đặc sắc, vận dụng nhiều nét kỷ hà, xen lẫn các yếu tố trang trí họa tiết, hoa văn từ nghệ thuật Đông Sơn là các họa tiết phổ biến trên rìu đồng, lá chắn, văn hình zích zắc, vòng tròn đồng tâm…

“Gióng” đã đưa người xem về một thời kỳ huyền sử với cội nguồn văn hóa dân tộc Việt bằng ngôn ngữ biểu hình hiện đại. Các vệt màu như chấm đỏ, đen sậm như tia chớp ẩn hiện, lồng phía trước và sau tranh làm thành bố cục chặt chẽ giữa các mảng màu, hội tụ tinh hoa và các giá trị nghệ thuật đặc sắc.

Bức tranh từng được định giá bảo hiểm lên tới 1 triệu USD vào thời điểm năm 2013 - mức cao nhất trong lịch sử cho một bức tranh sơn mài Việt Nam. Thời điểm đó, Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân chủng học (MAA) của Vương quốc Anh tổ chức “Lễ hội Ý tưởng: Tôn vinh Nghệ thuật, Nhân văn và Khoa học xã hội” với trọng tâm là bức tranh “Gióng” thu hút hơn 2.200 lượt khách tham quan trong 10 ngày.

“Tác phẩm “Gióng” khắc họa Thánh Gióng hoàn toàn khác với những bức họa Nguyễn Tư Nghiêm từng vẽ chủ đề Thánh Gióng. Ông không chỉ đơn thuần chép lại con ngựa ngoài đời vào tranh, mà còn khiến con ngựa này như bay múa, đưa Thánh Gióng về trời như trong huyền tích. Qua những tác phẩm của ông chúng ta thấy được cách ông xử lý chất liệu để tạo ra hình tượng Thánh Gióng uy nghiêm, thần dũng và cũng đầy tinh tế”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn phân tích.

Giới chuyên gia cũng cho biết, bức tranh “Gióng” được tạo bởi kỹ thuật, chất liệu sơn mài riêng biệt của Việt Nam, mặc dù lúc ấy ông hoàn toàn có điều kiện dùng nhiều màu sắc mới. Tuy nhiên, Nguyễn Tư Nghiêm chỉ chọn các tông màu truyền thống để truyền tải những chiêm nghiệm đặc biệt của bản thân trên nền son của tấm vóc truyền thống.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Như Huy cho rằng, Nguyễn Tư Nghiêm hiện ra không chỉ như một họa sĩ hiện đại, mà như một con người thực hành văn hóa với mục đích tìm về nguồn gốc “bản lai diện mục” của dân tộc trong vận động thực hành: Tìm cách trở lại mạch nguồn văn hóa tâm linh dân tộc; vẽ tranh không như một thực hành sản xuất thẩm mỹ hiện đại, mà như một thao tác tâm linh; phục hồi vai trò người nghệ sĩ…

Trong sổ tang cố họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vào năm 2016, họa sĩ Trần Khánh Chương khi ấy là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, ghi rằng: “Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm là một thế hệ vàng của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, là danh họa được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Các tác phẩm của ông là niềm tự hào của giới mỹ thuật Việt Nam, là những báu vật của văn hóa Việt Nam. Ông ra đi nhưng tác phẩm còn lại mãi với thế hệ mai sau”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ