Hối hả tu sửa trường lớp, giáo viên đến tận nhà vận động học sinh đi học

GD&TĐ - Hơn 1 tuần nữa bước vào năm học mới 2022- 2023. Không khí hối hả chuẩn bị đang diễn ra ở khắp các trường học. Đối với trường vùng cao dù còn khó khăn song nhà trường, thầy cô, phụ huynh đều nỗ lực để tạo ra những điều kiện học tập tốt nhất cho học trò.

Giáo viên, phụ huynh cùng tu sửa trường lớp đón năm học mới
Giáo viên, phụ huynh cùng tu sửa trường lớp đón năm học mới

Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất

Do khó khăn đặc thù nên công tác chuẩn bị trường lớp đón năm học mới ở các trường vùng cao luôn đòi hỏi công sức, nhiệt huyết của người thầy.

Cô Phạm Thị Lương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) trao đổi: Năm học này số học sinh vào lớp 10 tăng, đồng nghĩa phòng học cần nhiều hơn song trường không được đầu tư xây thêm phòng học, phòng chức năng. Trường tháo gỡ bằng cách triển khai dạy học 2 ca sáng, chiều để có đủ phòng học.

Với khó khăn thực tế, Ban giám hiệu xác định phải chuẩn bị kĩ lưỡng cơ sở vật chất trường lớp để đảm bảo yêu cầu dạy và học. Ngoài quét dọn phòng lớp học, vệ sinh toàn trường, khu bán trú, nhà ăn... giáo viên còn kiểm tra, sửa chữa từng bộ bàn ghế, cửa sổ, cửa ra vào, đồ dùng dạy học. Không chỉ làm thợ sơn, thợ mộc, các thầy giáo còn làm thợ điện, tháo dỡ từng chiếc quạt trần trong các lớp để lau chùi, tra dầu mỡ, siết lại ốc vít, cánh quạt…

Cô Lương cho biết, 100% giáo viên tự nguyện tham gia chuẩn bị năm học mới ngay sau trả phép đầu tháng 8. Không khí lao động khẩn trương và dự tính sẽ kết thúc trước 30/8 để kịp đón học sinh trở lại.

Giáo viên Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) rà soát và sửa chữa lại toàn bộ hệ thống quạt điện trong lớp học.

Giáo viên Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) rà soát và sửa chữa lại toàn bộ hệ thống quạt điện trong lớp học.

Trường PTDTBT THCS Khao Mang thuộc vùng khó huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có tổng số 575 học sinh cũng được “thay áo mới” trong tháng 8 khi 26 cán bộ, giáo viên trở lại trường. Các thầy cô lên kế hoạch dọn dẹp, vệ sinh toàn trường, lớp học, khu bán trú; trồng hoa cây cảnh, cắt cỏ tỉa cây vườn trường… Sau đó huy động gần 500 phụ huynh cùng tham gia lao động. Đến 18/8, việc dọn dẹp, tu bổ đã hoàn thành. Trường lớp gọn gàng, sạch đẹp sẵn sàng cho ngày khai giảng.

Thầy Hà Trần Hồng, Phó Hiệu trưởng chia sẻ: Do huy động được đông đảo phụ huynh vào hoạt động chuẩn bị cơ sở vật chất nên đội ngũ giáo viên đỡ vất vả và dành thời gian tối đa còn lại của tháng 8 cho việc tập huấn, xây dựng kế hoạch nhà trường, giáo án triển khai chương trình lớp 6,7 theo CT GDPT mới …

Thầy Hồng cũng cho biết thêm, theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT từ 24/8 trường đã tập trung 164 học sinh khối 6 để dạy học Tiếng Anh, Tin học (do chưa được tiếp cận ở Tiểu học). Với học sinh khối 7, 8, 9 thông tin từ nhóm giáo viên làm công tác điều tra phổ cập, các gia đình và học sinh đã cam kết sẽ trở lại trường vào 29/8. Sách giáo khoa lớp 7 theo CT GDPT mới cũng được trường hỗ trợ đặt mua và về tới trường đầy đủ 100%. Một số đồ dùng thiết bị dạy học được trang cấp từ nguồn ngân sách công thì trường vẫn đang đợi.

Giáo viên, phụ huynh Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái) cùng rẫy cỏ vườn trường.

Giáo viên, phụ huynh Trường PTDTBT THCS Khao Mang (Mù Cang Chải, Yên Bái) cùng rẫy cỏ vườn trường.

Từ huyện vùng cao biên giới Đồng Văn (Hà Giang), cô Dương Thị Thành, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Ma Lé vui mừng chia sẻ việc chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp đón 743 học sinh được lên kế hoạch từ sớm; Trường còn tham mưu với UBND xã triển khai công tác vận động học sinh ra lớp hiệu quả. Biên chế trường lớp cơ bản hoàn thành. Công tác sơn sửa, tu bổ, tổng vệ sinh trường lớp cho 29 lớp học tại 1 điểm trung tâm và 7 điểm lẻ đã hoàn tất.

Thầy Nguyễn Văn Lục, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) cho biết từ 8/8, toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã triển khai chuẩn bị đón năm học mới. Thầy cô cùng rửa dọn vệ sinh các phòng lớp học, phòng bán trú, bếp ăn tập thể; Lau và sơn lại toàn bộ khung giường sắt; giặt và phơi khô hơn 100 trăm chăn đắp mùa đông, gia cố sửa chữa nhiều bàn ghế cũ…

Thầy Lục cho biết, trường triển khai mô hình “Trường học du lịch” nên việc đầu tư, chuẩn bị kĩ càng cơ sở vật chất trường lớp từ đầu năm học là việc quan trọng. Nó không những tạo nên môi trường học tập, sinh hoạt chất lượng, học sinh hứng thú học tập mà phụ huynh thêm tin tưởng khi gửi con tới trường.

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) lau dọn vệ sinh lại khu bếp ăn bán trú

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai) lau dọn vệ sinh lại khu bếp ăn bán trú

Không để học sinh bỏ học, thiếu sách

Với nhiều trường vùng khó, việc đảm bảo đủ sách giáo khoa và tỉ lệ chuyên cần đầu năm học mới vẫn là “bài toán” khó. Chỉ bằng nỗ lực của thầy cô, nhà trường mới có thể tháo gỡ.

Cô Phạm Thị Lương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) trao đổi: Từ 22/8 giáo viên toàn trường được chia thành nhiều nhóm, tỏa xuống từng xã, thôn để vận động học sinh trở lại trường lớp. Năm nay, dù khai giảng sát gần nhưng còn khoảng 40 học sinh đỗ trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chưa tới trường làm thủ tục nhập học.

Giáo viên đã phải xuống từng nhà học sinh vận động trực tiếp. 2/3 trong số 40 học sinh đã đồng ý tới trường làm thủ tục nhập học, 1/3 vì nhiều lý do khác nhau quyết định dừng học. Vì vậy nhà trường phải làm kế hoạch bổ sung, gọi thêm học sinh không đỗ đợt 1.

Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) đến từng nhà vận động học sinh không bỏ học.

Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) đến từng nhà vận động học sinh không bỏ học.

Cô Bùi Thị Minh Khuyên, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) cho biết, do giáo viên làm sớm và tốt công tác vận động nên học sinh năm nay vào lớp 1 đã tự trường đủ 100%; Để đảm bảo tỉ lệ học sinh khối 2, 3, 4, 5 đi học đông đủ, trường huy động toàn bộ giáo viên triển khai vận động trong 2 ngày 28&29/8 tại 11 thôn/bản.

Cô Khuyên khẳng định, vài năm gần đây tình trạng học sinh bỏ, trốn học sau nghỉ hè giảm. Song để đạt tỉ lệ trên 95% trở lại trường ngày khai giảng thì giáo viên vẫn vô cùng vất vả với công tác vận động trước đó. Không những thế, còn tình trạng học sinh tham gia khai giảng, học 1-2 buổi lại trốn về nhà. Giáo viên lại phải tiếp tục vào thôn bản đón học sinh trở lại trường.

Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) không chỉ “nóng” về tình trạng học sinh bỏ, nghỉ học đầu năm học mới mà vấn đề đảm bảo sách giáo khoa cũng đòi hỏi nhà trường, giáo viên tích cực huy động ngoài xã hội và tháo gỡ bằng cách ứng tiền mua sách trước rồi trừ dần tiền vào nguồn hỗ trợ chi phí học tập hàng tháng của học sinh vùng khó.

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) xuống từng thôn bản đón học sinh lớp 1 tựu trường.

Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ (Mường Tè, Lai Châu) xuống từng thôn bản đón học sinh lớp 1 tựu trường.

“Bên cạnh hỗ trợ học sinh tiền mua sách giáo khoa, hầu hết giáo viên đều tự bỏ tiền xăng xe cho quá trình đi vận động học sinh đi học. Mỗi dịp đầu năm lại tăng thêm chi phí vài trăm nghìn tiền xăng tuy nhiên chẳng giáo viên nào vì vất vả, hay đong đếm thiệt hơn mà không giúp học sinh. Muốn có trò đến lớp, học sinh học tập có sách giáo khoa thì giáo viên chấp nhận cả những thiệt thòi…”, cô Khuyên bày tỏ.

Thầy Phạm Như Ý, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang) cũng cho biết thực tế: Số học sinh thuộc khu vực 3 được hỗ trợ kinh phí học tập chỉ chiếm 1/3 toàn trường. 2/3 học sinh thuộc khu vực nông thôn mới, không được hỗ trợ nhưng điều kiện gia đình khó khăn không mua được sách cho con.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang) được nhà trường hỗ trợ mua sách giáo khoa đầy đủ trước năm học mới.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học xã Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang) được nhà trường hỗ trợ mua sách giáo khoa đầy đủ trước năm học mới.

Để đảm bảo học sinh không học “chay”, trường rà soát thực trạng, lên danh sách gia đình không đủ điều kiện mua sách để đăng ký số lượng với đơn vị cung ứng. Ngoài ra trường cũng tận dụng tủ sách dùng chung để giảm bớt đầu sách phải mua. Việc nhận sách trước, thanh toán sau đều có sự đồng thuận từ 2 bên cung ứng và phụ huynh . Trường chỉ đóng vai trò mua hộ, thu hộ.

“Nhiều trường hợp phụ huynh không thể thanh toán dịp cuối năm học, trường chấp nhận ứng trước để cho đơn vị cung ứng sách và đợi phụ huynh trả khi có điều kiện. Đây là cách làm tốt nhất thời điểm này dù giáo viên bận rộn hơn trong việc kiểm đếm, thu hộ, bọc sách vở, thậm chí chấp nhận “nợ xấu”... Miễn sao học sinh đủ sách giáo khoa, yên tâm bước vào học tập…”, thầy Ý chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.