Chuẩn bị giáo viên cho năm học mới: Vừa mừng vừa lo

GD&TĐ - Việc bổ sung định biên ngành Giáo dục giúp nhiều địa phương từng bước giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng. Tuy nhiên, nguồn tuyển giáo viên lại hạn hẹp gây khó cho việc tuyển dụng.

Thầy và trò Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa).
Thầy và trò Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa).

Trước thực tế trên, các tỉnh đang tính toán, cân nhắc, trước hết tập trung giải quyết số giáo viên hợp đồng lâu năm, ưu tiên giáo viên văn hóa tiểu học và các môn học mới.

Thừa chỉ tiêu, thiếu nguồn tuyển

Bộ Chính trị vừa có Quyết định số 72-QD/TW giao bổ sung 65.980 biên chế ngành Giáo dục cho các địa phương giai đoạn 2022 – 2026. Riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Nhận thông tin trên, nhiều lãnh đạo ngành Giáo dục Thanh Hóa vừa mừng lại vừa... lo.

Ông Lê Thành Đồng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa, cho biết, địa phương thiếu khoảng 600 biên chế. “Nhận được thông tin bổ sung biên chế cho ngành, ai cũng phấn khởi. Bởi thành phố là một trong những đơn vị thiếu giáo viên bậc nhất tỉnh Thanh Hóa. Nhưng để tuyển dụng cũng khá khó khăn, vì không biết nguồn nhân lực có đủ đáp ứng không”, ông Đồng bày tỏ.

Tương tự, năm học 2022 - 2023, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) thiếu 512 giáo viên, nhân viên trong trường học. “Những năm trước, với giáo viên văn hóa dạy tiểu học, phòng tham mưu các cấp chính quyền thị xã thông cơ chế: Không có biên chế thì phải hợp đồng giáo viên, tối thiểu bảo đảm 1 giáo viên/1 lớp. Nhưng thực tế, chúng tôi không hợp đồng đủ được giáo viên vì không có nguồn. Do đó, ngành Giáo dục huyện phải dồn lớp, để giáo viên phân chia nhau đứng lớp”, bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn chia sẻ.

Cũng theo bà Vân, thị xã Nghi Sơn đã dồn 200 lớp tiểu học lại với số học sinh vượt quy định, nhưng vẫn còn khoảng 90 lớp chưa có giáo viên văn hóa đứng lớp. “Thực tế ở thị xã Nghi Sơn hiện nay, nếu tuyển dụng giáo viên thì cũng được khoảng 50 người chứ không có nhiều. Bởi chỉ có hơn chục sinh viên tốt nghiệp sư phạm tiểu học ra trường. Năm ngoái, chúng tôi phải hợp đồng lại cả giáo viên mới nghỉ hưu, cũng chỉ được 40 người. Tuy nhiên, nếu có phân bổ biên chế sẽ được lấy kinh phí ra để hợp đồng với giáo viên”, bà Vân thông tin.

“Nhiều trường tiểu học đang trắng giáo viên Ngoại ngữ, Tin học. Huyện rất muốn tuyển nhưng không có hồ sơ nộp về. Trong thời gian tới, nếu được bổ sung chỉ tiêu, chúng tôi tiếp tục ưu tiên tuyển dụng giáo viên văn hóa dạy tiểu học, giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học để bảo đảm dạy học theo Chương trình GDPT 2018”, ông Kha Văn Lập – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Nghệ An cho hay.

Các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An cũng “đau đầu” vì thiếu nguồn tuyển. Tương Dương là huyện miền núi rộng nhất tỉnh. Đến nay, toàn huyện chỉ còn 1 giáo viên hợp đồng chưa được tuyển vào biên chế do đang chờ bổ sung bằng cấp theo chuẩn mới.

Những năm qua, mặc dù được tỉnh ưu tiên bổ sung biên chế, nhưng địa phương này vẫn không có nguồn tuyển, đặc biệt là giáo viên Tin học, Ngoại ngữ.

Trong khi đó, ông Mai Ngọc Long – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Diễn Châu (Nghệ An), cho hay, địa phương ưu tiên tuyển dụng giáo viên văn hóa tiểu học, vì đang thiếu hơn 300 người mới bảo đảm tỷ lệ 1,3 giáo viên/lớp. “Chúng tôi tuyển dụng trên phạm vi cả nước chứ không giới hạn trong huyện hay trong tỉnh. Chỉ cần đảm bảo điều kiện về bằng cấp, chuyên môn đào tạo theo quy định, huyện sẽ tuyển dụng”.

Tình trạng học sinh vượt sĩ số trên lớp, do thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm ở thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Tình trạng học sinh vượt sĩ số trên lớp, do thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm ở thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Thêm chỉ tiêu có thêm quỹ lương?

Theo ông Trần Văn Thức – Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, ngành GD Thanh Hóa thiếu gần 9.000 biên chế. Nếu được bổ sung, dự kiến Thanh Hóa được phân bổ khoảng 2.800 – 3.000 người. “Sau khi được phân bổ chỉ tiêu, Sở GD&ĐT Thanh Hóa sẽ làm việc với Sở Nội vụ, để bổ sung cho các huyện. Nơi nào thiếu nhiều sẽ phân bổ chỉ tiêu nhiều và ngược lại; Đồng thời, nơi nào có địa bàn khó khăn, gian khổ được ưu tiên hơn”, ông Thức nói.

Mừng vì được bổ sung thêm biên chế nhưng Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng có không ít băn khoăn. Trước tiên là kinh phí cho biên chế. Bởi lẽ, kinh phí đã được cấp theo năm tài chính, nếu phân bổ biên chế, thì kinh phí để trả lương cho biên chế sẽ như thế nào? Tuy nhiên, ông Thức cũng tin tưởng, Nhà nước sẽ có phương án giải quyết phù hợp, để các địa phương không gặp khó vấn đề này.

Tỉnh Nghệ An được phân bổ 2.820 biên chế sự nghiệp giáo dục cho năm học 2022 - 2023. Trong đó, nhiều nhất là mầm non với 2.164, tiểu học là 498, THCS là 142 và THPT là 16 biên chế. Ngoài ra còn có nhân viên trong các trường học. Theo lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Nghệ An, khi được giao định biên, cùng với đó Bộ Tài chính sẽ phân bổ ngân sách Nhà nước chi trả lương cho giáo viên về các địa phương. Vì vậy, địa phương sẽ không gặp nhiều khó khăn, thậm chí đỡ “gánh nặng” chi phí sự nghiệp giáo dục hàng năm.

Nghệ An là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nhất nước, với trên 7.800 người. Nhiều năm liền không được giao định biên, Nghệ An hiện có hàng nghìn giáo viên “hợp đồng huyện”. Số giáo viên hợp đồng này phần lớn nằm trong tổng định biên giáo dục của địa phương. Nguồn lương chi trả sử dụng từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục hàng năm được tỉnh phân bổ về cho các huyện, thành, thị theo năm tài chính.

Về phương án tuyển dụng, Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị các địa phương trong hơn 2.800 định biên được giao, tập trung giải quyết cho hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng. Sau đó ưu tiên tuyển giáo viên dạy môn mới, môn tích hợp bảo đảm triển khai Chương trình GDPT 2018. Trước đó, HĐND tỉnh Nghệ An thông qua dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 06 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09 của Bộ GD&ĐT - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ (đã hết hiệu lực từ 31/12/2021).

Theo Nghị quyết, hỗ trợ 100% kinh phí để chi trả các chế độ, chính sách (như viên chức) cho giáo viên mầm non kể từ ngày 1/9/2022 đến ngày 31/12/2025. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh (nguồn chi sự nghiệp giáo dục hàng năm).

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An - cho hay, với việc được bổ sung định biên và khi tuyển dụng được hết giáo viên hợp đồng trên vào biên chế, tỉnh sẽ giảm chi phí ngân sách để trả lương. Vì khi đó, lương viên chức sẽ do nguồn ngân sách Nhà nước chi trả.

Huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đang thiếu hơn 100 biên chế giáo viên của cả 3 cấp học. Ông Mai Xuân Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát - lo ngại: “Nếu các huyện trong tỉnh đều tuyển dụng, liệu giáo viên có lên Mường Lát để tham gia dự tuyển hay không? Đây cũng là bài toán khó, trong khi nguồn nhân lực tại chỗ của địa phương không có nhiều”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.