Nhiều ý kiến cho rằng, một số thành viên này chỉ đứng tên cho đủ thành phần khiến hội đồng trường hoạt động không như kỳ vọng.
Không nên hình thức
Sau 1 năm không có hội đồng trường, đầu tháng 4 vừa qua, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh) tổ chức bầu thành viên hội đồng. Hội nghị đã bầu được 13/16 thành viên vào hội đồng trường nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngoài 13 thành viên bầu tại hội nghị, hội đồng còn có các thành viên đương nhiên theo quy định, trong đó có đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là học viên của trường.
Là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, T.V.T cho rằng, sinh viên chưa đủ độ “chín” để có thể tham gia hoặc phản biện những vấn đề mang tính chủ trương, quyết sách lớn của trường. Thậm chí, nếu sinh viên được chọn yếu cả về bản lĩnh và kiến thức, rất khó thể hiện chính kiến, nên khó có thể hoàn thành nhiệm vụ là đại diện cho tập thể sinh viên của trường. Vì thế, sinh viên tham gia vào hội đồng trường không phát huy được vai trò là điều dễ hiểu. Đây là lý do nhiều người băn khoăn thành viên này ở một số trường đại học chỉ mang tính hình thức, cho đủ thành phần.
Mới đây, Bộ GD&ĐT có văn bản gửi Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM thông báo lý do không công nhận hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo đề nghị của hội đồng trường này. Trước đó, ông Nguyễn Trường Thịnh - Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy được hội đồng trường ra quyết nghị giữ chức vụ hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, việc này vấp phải phản ứng khi có ý kiến cho rằng: Hội đồng trường đã vi phạm nguyên tắc giới thiệu và lựa chọn nhân sự hiệu trưởng. Hiện, ông Nguyễn Trường Thịnh vẫn phụ trách trường cho đến khi có hiệu trưởng mới.
Theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, tự chủ đại học - trách nhiệm giải trình của nhà trường và vấn đề hội đồng trường có mối quan hệ biện chứng. Khi nhà trường được trao thẩm quyền và mức tự chủ lớn, vấn đề tất yếu đặt ra là cơ chế nào và ai kiểm soát “thực thi quyền lực” và giám sát kết quả - chất lượng hoạt động của nhà trường?
Tự chủ đại học gắn với hội đồng trường là sự đương nhiên, mặc dù hội đồng trường đã được chế định trong luật. Trên thực tế, có rất ít trường đại học có hội đồng trường đúng nghĩa, đặc biệt, uy tín, tầm ảnh hưởng của người đứng đầu cũng như các thành viên sẽ tác động rất lớn đến vai trò của hội đồng trường.
Nhận định, hiện nay hoạt động của một số hội đồng trường bộc lộ những bất cập, hiệu lực và hiệu quả chưa cao, TS Trần Đình Lý cho rằng: Có nơi hội đồng trường có thực quyền nhưng không có thực lực, sẽ khó thuyết phục cả hệ thống chính quyền. Để các thành viên không xem đó là vấn đề hình thức, ngoài vấn đề về nhận thức, quy định còn có những nội dung chưa phù hợp và đồng bộ.
Bên cạnh đó, còn có vấn đề về tổ chức thực hiện… Thậm chí, trong thời gian quá độ, không ít ý kiến cho rằng, hội đồng trường là không cần thiết, vì có những nhiệm vụ trùng lắp, không rõ ràng và có nơi còn xem như là sự cản trở việc thực thi nhiệm vụ của ban giám hiệu.
Giám sát thế nào
Trong quá trình kiện toàn hội đồng trường, cũng có nơi thành viên tham gia thuộc cơ quan chủ quản quá nhiều. Trong số 19 thành viên hội đồng trường Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM nhiệm kỳ 2020 - 2025, có tới 5 thành viên thuộc Bộ GTVT tham gia. Theo GS.TS Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam:
Số lượng thành viên từ cơ quan chủ quản tham gia vào hội đồng trường từ 1 đến 2 là vừa, 4 người trở lên là quá nhiều. “Đây là môi trường giáo dục đại học, nếu những thành viên bên ngoài trường không am hiểu về GD mà tham gia quá nhiều vào hội đồng trường sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quyết sách phát triển trường. Chưa nói đến việc những thành phần bên ngoài trường này thường hay vắng họp”, GS.TS Trình Quang Phú chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Khắc Khiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho hay: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, hội đồng trường là cơ quan được giao khá nhiều thẩm quyền. Tuy nhiên, việc chuyển giao, san sẻ quyền lực của cá nhân (hiệu trưởng) sang tập thể (hội đồng trường) không dễ dàng, thường bị xem nhẹ, trì hoãn hoặc bỏ qua nếu không có áp lực buộc phải chuyển giao, hoặc từ yêu cầu thực tiễn quản lý, điều hành dẫn đến buộc phải thay đổi theo luật mới…
Để định hướng và xây dựng được một hội đồng trường đích thực, PGS.TS Nguyễn Khắc Khiêm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh: Việc lựa chọn nhân sự cho hội đồng trường cần đúng cơ cấu, thành phần và tính đại diện cần thiết. Song cần quan tâm đến yếu tố năng lực của mỗi thành viên khi lựa chọn, qua đó, phát huy tốt vai trò của từng thành viên hội đồng trường trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Cùng với đó, các thành viên ngoài trường phải là đại diện cơ quan quản lý có thẩm quyền, có uy tín, có địa vị lãnh đạo quản lý trong ngành nghề có liên quan tới nhà trường. Có mong muốn và sẵn sàng đóng góp ý kiến tâm huyết với hội đồng trường và sự phát triển của nhà trường. Để phát huy vai trò thành viên hội đồng trường, cũng cần có cơ chế giám sát, đánh giá sự tham gia của các thành viên hội đồng trường, kể cả trong và ngoài trường.