Hồi ‘chuông’ báo động: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Điện Biên

GD&TĐ - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Điện Biên là vấn nạn nhức nhối, để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, giáo dục và sự phát triển cộng đồng.

Cán bộ địa phương đến tuyên truyền về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở cơ sở.
Cán bộ địa phương đến tuyên truyền về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở cơ sở.

Thực trạng dai dẳng

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang là vấn đề nan giải tại Điện Biên, nơi có đến 83% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê từ tháng 1 đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 1.633 cặp kết hôn, trong đó 644 cặp là tảo hôn, chiếm tới 39,4%. Đặc biệt, tỷ lệ này cao vượt mức ở một số huyện như Tủa Chùa (61,5%), Tuần Giáo (58,6%) và Nậm Pồ (53,6%), tập trung chủ yếu trong cộng đồng dân tộc Mông.

Không chỉ tảo hôn, hôn nhân cận huyết cũng để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh ghi nhận một trường hợp kết hôn cận huyết thống. Dù con số này không lớn, nhưng hậu quả nặng nề với sức khỏe và sự phát triển giống nòi là không thể phủ nhận.

Cô giáo Mào Thị Hương, người đã gắn bó gần 18 năm với điểm trường Nậm Cang, Trường Mầm non Mường Tùng, huyện Mường Chà, cho biết: “Nhiều học sinh không có giấy khai sinh vì cha mẹ các em kết hôn sớm khi chưa đủ tuổi đăng ký. Các em không được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, dẫn đến việc học tập bị gián đoạn".

Cô Hương còn kể thêm: “Có trường hợp các em rời xa trường lớp để kết hôn. Khi chúng tôi và chính quyền địa phương biết được thì đám cưới đã tổ chức xong, các em hồn nhiên với niềm vui trước mắt mà không lường được những hệ lụy lâu dài".

Không ít trường hợp phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con lần đầu khi chưa đủ 18 tuổi. Mấy năm gần đây, đã có 586 trường hợp như vậy. Đây là gánh nặng lớn cho cả gia đình và xã hội, khi sức khỏe bà mẹ và trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề, còn chất lượng dân số thì ngày càng suy giảm.

tao-hon-1.jpg
Việc tiếp cận thông tin còn hạn chế tại những bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên.

Giải pháp từ thực tế và nỗ lực ngăn chặn

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự giao thoa giữa nghèo đói, nhận thức hạn chế và những tập tục lạc hậu. Tại nhiều bản làng, phong tục kết hôn sớm vẫn được duy trì, và các gia đình thường xem đây là cách giảm bớt gánh nặng kinh tế.

Ông Trần Hồng Quân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Chà, cho biết: “Trước đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện còn nhiều. Chính quyền địa phương cùng các cơ quan, trường học đã phối hợp tuyên truyền mạnh mẽ. Từ các buổi truyền thông, chúng tôi giúp học sinh hiểu được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết".

Ông Quân cũng nhấn mạnh vai trò của trường học: “Chúng tôi thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường, thường xuyên thực hiện các chương trình truyền thông, tư vấn để phát hiện và ngăn chặn sớm những trường hợp có nguy cơ. Giáo viên được giao nhiệm vụ đến từng bản làng, gặp gỡ phụ huynh để giải thích hậu quả của tảo hôn và vận động học sinh đi học đầy đủ".

Ngoài giáo dục, tỉnh Điện Biên cũng triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội để xóa bỏ nghèo đói, yếu tố góp phần quan trọng dẫn đến tảo hôn. Các hoạt động như phát tờ rơi, tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Hôn nhân và Gia đình, hay hội thảo nâng cao nhận thức đã được triển khai rộng khắp.

Ông Vũ Văn Công, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên, khẳng định: “Để giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chúng tôi tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện chất lượng giáo dục và triển khai lồng ghép hiệu quả các chương trình phát triển. Đây là giải pháp dài hạn để phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo và chất lượng dân số thấp”.

tao-hon-2.jpg
Toàn cảnh Hội nghị truyền thông nâng cao nhận thức phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhận cận huyết thống xã Mường Tùng, huyện Mường Chà.

Kỳ vọng về tương lai

Dù các giải pháp đã mang lại những kết quả nhất định, nhưng để xóa bỏ hoàn toàn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, cần sự chung tay từ chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng. Quan trọng hơn, thay đổi nhận thức chính là chìa khóa để Điện Biên thoát khỏi những tập tục lạc hậu, xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ trẻ.

“Những câu chuyện ở Nậm Cang chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh toàn cảnh. Chúng tôi hy vọng rằng, với sự đồng lòng và quyết tâm, các em học sinh sẽ có cơ hội tiếp tục đến trường, có một tương lai tốt đẹp hơn, không còn chịu ảnh hưởng bởi những hủ tục lạc hậu", cô Hương bày tỏ mong mỏi.

Điện Biên đang từng bước thay đổi, nhưng hành trình này vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng, những thế hệ tương lai của vùng dân tộc thiểu số sẽ được sống trong môi trường lành mạnh và phát triển toàn diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ