“…Em mong cô giúp em, em chưa muốn lấy chồng. Em xin cô đến nói chuyện với bố mẹ em, bảo họ cho em đi học…”. Đó là lời em Thào Thị V., học sinh lớp 8, Trường THCS Hố Mít, huyện Tân Uyên (Lai Châu). V. là một trong số ít những nữ sinh người Mông dám gửi lời cầu cứu đến thầy cô để vượt qua rào cản của hủ tục tảo hôn.
Lời cầu cứu… vượt qua bờ rào đá
Ở một số bản vùng cao nơi người Mông sinh sống, hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đeo bám dai dẳng. Sự phản kháng chỉ xuất hiện khi mới đây thầy cô Trường THCS Hố Mít (huyện Tân Uyên, Lai Châu) nhận được lá thư cầu cứu của Thào Thị V. về việc bị ép tảo hôn, lấy cậu làm chồng.
Em Thào Thị V. (SN 2010, ở bản Thào, xã Hố Mít) hiện là học sinh lớp 8 của Trường THCS Hố Mít. Trong lá thư, em V. đã cầu cứu đến các thầy, cô giáo để được can thiệp việc bị gia đình bắt lấy chồng sớm. Người mà em bị ép lấy chính là cậu họ, 2 nhà cùng bản, cách nhau chỉ một con suối. Người cậu họ hơn em 3 tuổi.
V. đi học cách nhà 10km nên nhà trường bố trí ở nội trú. Cứ thứ 2 em xuống trường và cuối tuần lại về nhà. Lá thư cầu cứu này được viết sau khi nhà trường đã can thiệp, vận động gia đình cho cháu tiếp tục đi học sau đợt nghỉ Tết.
Lá thư cầu cứu của em Thào Thị V. |
Trước đó, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gia đình cũng từng ký vào bản cam kết không bắt con gái nghỉ học ở nhà lấy chồng. Nhưng rồi sau đó mọi việc vẫn tiếp diễn, khiến em V. phải viết lá thư cầu cứu gửi cho thầy, cô giáo của mình.
Sau khi nhận được lá thư của em V. nhà trường đã báo cáo cấp ủy chính quyền địa phương, lực lượng công an cùng vào cuộc để gỡ khó cho em. “Khi chúng tôi đến nhà làm công tác tư tưởng cho gia đình thì mẹ của V. cho biết, sẽ không can thiệp vào chuyện yêu đương, hôn nhân của con mình nữa”, bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Hố Mít chia sẻ.
Theo chị Giàng Thị Mang, Chủ tịch Hội LHPN xã Hố Mít, phần lớn những người phụ nữ Mông lớn lên từ bản và sướng khổ, buồn vui cũng chỉ xung quanh nơi này. Họ an phận, cam chịu với cuộc sống, không có ước mơ khát khao lớn hơn. Chỉ cần đến tuổi “cập kê” là lấy chồng, sinh con đẻ cái. Có chồng con, có ruộng, nương làm ra hạt thóc, hạt ngô… là đủ.
Mẹ của Thào Thị V. sinh năm 1992, có chồng sinh năm 1991. Như vậy, khi bố mẹ của V. sinh ra em, họ cũng chỉ tầm tuổi em bây giờ, chưa đủ tuổi kết hôn. Mẹ V. muốn con gái theo chân mình. Bà nội của V. lại càng muốn vun đắp cho em sớm thành vợ chồng với cậu của mình hơn.
Những lời em V. nói trong thư giống như tia sáng lấp lánh giữa trời đêm. Bởi tháng năm im lìm trôi qua, trên những bản người Mông, hiếm có bé gái nào dám dũng cảm nói ra điều ấy.
Để không còn những cái kết đắng lòng từ “lời ru buồn” trên non cao, ngành GD-ĐT, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu đã và đang nỗ lực giải quyết bài toán chống nạn tảo hôn. Điều đó tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ Mông dũng cảm vượt qua những tấm chắn “bờ rào đá” của đồng bào mình.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên cho biết: “Trước đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở Hố Mít vẫn thường xuyên diễn ra. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành GD-ĐT đã phối hợp với các lực lượng để tuyên truyền nên tình trạng này đã giảm dần”.
Cần chung tay ngăn chặn tảo hôn
Bao năm qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, trường học, lực lượng công an xã Hố Mít đã vào cuộc quyết liệt tuyên truyền, vận động, thuyết phục, thậm chí có cả chế tài xử phạt. Cộng đồng dân cư cũng đưa vào quy ước, hương ước của các bản để thực hiện. Thế nhưng, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra.
Ông Bùi Tiến Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Hố Mít cho rằng, xã có tỷ lệ đồng bào người Mông cao, chiếm tới 97%. Việc tảo hôn giống như “đến mùa thì lúa trổ đòng đơm bông”, “cây ngô trưởng thành thì ra bắp” vậy.
Thế nên, có những em học sinh còn đeo khăn quàng trên vai, chưa phải là đoàn viên đã bị giục lấy chồng. Có những người phụ nữ mới cận kề tuổi 40 đã lên chức “bà”.
Công an huyện Tân Uyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại Trường THCS xã Hố Mít. |
Theo thông tin từ chính quyền địa phương, những năm trước, trên địa bàn xã có 2 cặp vừa tảo hôn, vừa cận huyết. Một cặp là con của chị lấy con của em gái ở bản Thào. Cặp con lại là con của anh trai lấy con của em gái ở bản Tà Hử. Những cặp này từng sinh con. Một trường hợp đứa trẻ sinh ra sau thời gian ngắn thì mất. Trường hợp còn lại, đứa trẻ sức khỏe yếu và bị suy dinh dưỡng.
Đến nay, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết của xã đã giảm so với nhiều năm trước. Thế nhưng năm 2023, trong 24 cặp vợ chồng lấy nhau vẫn có tới 12 cặp tảo hôn. Từ đầu năm 2024 đến nay, có 1/4 cặp vợ chồng lấy nhau là tảo hôn. Tỷ lệ trẻ sinh ra thấp còi trên địa bàn xã chiếm 23%, tỷ lệ trẻ không đảm bảo cân nặng chiếm 22%...
Ông Sỹ cho biết, do biết chính quyền sẽ can thiệp, ngăn cản nên các gia đình tìm cách né tránh. Thay vì bắt vợ, kéo vợ như trước thì nay họ lẳng lặng để các con về ở với nhau, không thông báo cho những người xung quanh.
Sau khi làm hết các thủ tục theo phong tục địa phương thì mới mời họ hàng đến nhà gái. Hoặc khi tổ công tác phát hiện thì bố mẹ cho biết các cháu chỉ đến chơi nhà, nhưng theo dõi một thời gian thì các bé gái đã có thai nên việc can thiệp xử lý hết sức khó khăn.
Để những bé gái như em V. tiếp tục được đi học, tỉnh Lai Châu đã huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Theo đó, năm 2023, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024 - 2030.
“Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để chủ động giải pháp ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết” - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên chia sẻ.