Thanh thiếu niên ở độ tuổi đang lớn có khả năng ngủ li bì để cơ thể phát triển. Tuy nhiên, một cô gái tại Anh đang bị đẩy vào tình trạng phí hoài tuổi xuân vì một hội chứng lạ khiến cơ thể của cô phải ngủ suốt 22 giờ mỗi ngày.
Theo trang tin BBC News, Beth Goodier, 20 tuổi ở Stockport (Anh), là một bệnh nhân của hội chứng Kleine-Levin, còn gọi là hội chứng “người đẹp ngủ trong rừng”. Cuộc sống của cô bị chi phối hầu như hoàn toàn bởi chuyện ngủ nghỉ.
Tình trạng có liên quan đến thần kinh trên bắt đầu xảy ra đối với Goodier khi cô vừa 16 tuổi, và kể từ đó một lần chợp mắt của bệnh nhân phải kéo dài trung bình 18 giờ.
Khi giấc ngủ đặc thù của hội chứng Kleine-Levin ập đến một cách cưỡng bức, hiện xảy ra mỗi 5 tuần/lần, Goodier có thể ngủ liên tù tì từ 1 đến 3 tuần, và do vậy cần chăm sóc suốt 24 giờ.
Sau giấc ngủ dài, cô gái có thể thức dậy trong trạng thái giống như một đứa trẻ, bối rối và không thể nào phân biệt được giữa hiện thực và trong mơ. Mẹ của Goodier là bà Janine cho hay khi thức dậy, con của bà lại tiếp tục nằm trên giường hoặc ghế sofa, xem truyền hình và chu kỳ nhàm chán này cứ lặp đi lặp lại.
Các chuyên gia cho biết bệnh nhân sẽ quay về trạng thái bình thường sau mỗi lần ngủ quên trời đất, nhưng họ cũng có thể lâm vào tình trạng trầm cảm, hậu quả của hội chứng này. Nếu con cái bị tước đoạt cuộc sống thanh xuân đầy hứa hẹn, cả gia đình cũng bị trói chặt cùng với số phận của bệnh nhân.
Do hội chứng Kleine-Levin khiến bệnh nhân thường xuyên trong tình trạng “con nít hóa”, cha mẹ phải đối mặt với cảm xúc cáu kỉnh, trẻ con, mất phương hướng và ăn uống không ngừng nghỉ của đứa con.
Căn bệnh có khuynh hướng ập đến vào thời điểm chủ chốt của đời người, trong giai đoạn dậy thì, và đôi khi bị kích hoạt sau một lần bị bệnh hoặc viêm nhiễm. Mỗi đợt ngủ như vậy có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, với chu kỳ lặp lại khá nhanh.
Giới bác sĩ cho hay hội chứng trên có khuynh hướng biến mất dần sau 10 đến 15 năm. Theo ước tính của giới chuyên gia, có khoảng 1.000 người trên thế giới bị giấc ngủ ám ảnh cuộc sống như cô Goodier và 70% số này là nam giới.
Vẫn chưa rõ tại sao bệnh nhân lại ngủ vùi dai dẳng như vậy và tất nhiên chưa có cách trị, có nghĩa là cách duy nhất hiện nay là người thân phải chờ bệnh nhân tự động tỉnh giấc.
Trong một trường hợp hiếm, vào năm 2012, một nữ sinh 15 tuổi ở Anh, bệnh nhân của hội chứng Kleine-Levin, đã chìm vào giấc ngủ hồi tháng 4 và phải đến tháng 6 mới tỉnh giấc, có nghĩa là cô gái đã bỏ lỡ kỳ thi quan trọng vào cuối năm học.