Ảnh minh họa
Anh Hùng, chồng chị, một nhân viên cơ quan nhà nước, phải đảm đương “tề gia nội trợ” như lo chợ búa, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt dũ quần áo... bởi chị Minh quá bận rộn việc công ty. Buổi sáng, do chị Minh phải đi làm sớm nên tất nhiên anh Hùng phải lo điểm tâm. Rồi sau đó, anh phải đi chợ mua thức ăn cho cả ngày, rồi chuẩn bị bữa trưa, bữa chiều...
Sáng, đưa con đi học là bố Hùng. Chiều, cũng anh đón con về. Rồi cũng anh tất tả lo tắm rửa, lo nấu ăn, lo mâm bát cho cả nhà, rồi lo dọn dẹp, lo bài vở học hành cho con... Thời gian đó, nếu ở nhà, chi Minh cũng phải tất bật với những cuộc điện thoại hoặc giải quyết cho xong đống tài liệu còn dang dở...
Đó là may mắn khi chị có thể ngồi vào mâm ăn với chồng con bữa tối cho có không khí gia đình chứ nhiều khi chị về rất trễ vì phải lo tiếp đối tác, gặp gỡ khách hàng, để 2 bố con ở nhà với nhau... Ngay cả ngày lễ hay Chủ nhật, chị Minh cũng ngủ vùi đến gần trưa, dành việc dọn dẹp nhà cửa cho chồng.
Tuy vất vả, bận rộn nhưng thương vợ, anh Hùng luôn tự an ủi, cố gắng thêm một chút cho vợ an tâm hoàn thành nhiệm vụ. Song, dường như chị Minh không thấy được sự cố gắng của chồng mà bắt đầu “lên mặt”, ra vẻ “ta đây trưởng phòng” và đặc biệt là hay kể công.
Mỗi khi về nhà, dù anh Hùng đang dở tay nấu ăn dưới bếp hay giặt dũ trong nhà tắm, chị Minh cũng oang oang: “Mang cho em cốc nước hao quả lạnh đi! Khiếp! Nói ra rả suốt ngày! Khản cả cổ!”. Trong mâm cơm, dù anh Hùng cố gắng nấu nướng, nhưng không thể ngon lành như ý vợ, thế là bị càu nhàu: “Giời ơi! Anh nấu cái gì đây! Anh không biết là em đang mệt rã ra hả? Làm sao nuốt nổi thứ này?”.
Có lần, anh nghe chị Minh vừa lau giày vừa nhăn nhó: “Bực quá! Công việc của vợ bận đến thở không ra hơi mà có đôi giày chồng cũng không lau được!”. Quần áo vợ thay ra, anh Hùng có nhiệm vụ thu gom, đem đi giặt, phơi, rồi là ủi, cất vào tủ... Sáng hôm đó, chị Minh tìm quần áo mặc đi làm, quay ra gọi chồng: “Anh Hùng! Sao không thấy cái váy xanh hoa trắng?”. Anh Hùng lúng túng: “Hôm qua bận quá anh chưa kịp giặt!”.
Chị Minh ngồi phịch xuống ghế, lu loa: “Em vất vả kiếm tiền cho cái nhà này! Thế mà anh chỉ việc giặt cái váy cũng không xong!”. Anh Hùng lẳng lặng quay đi, vừa buồn vừa giận. Chả là hôm rồi, theo yêu cầu của chị, anh đăng ký học đàn cho con gái. Nhưng khi nhắc vợ đưa tiền học phí, chị Minh vừa lục túi vừa cằn nhằn: “Anh phải tiết kiệm chứ! Em suốt ngày chạy đi chạy lại, rạc cẳng mới kiếm thêm được vài trăm ngàn đấy!”.
Chuyện cứ mở miệng là ca thán thế, kể lể của chị Minh khiến anh Hùng hết chịu nổi. Chủ nhật vừa rồi, từ sáng sớm anh dẫn con gái sang nhà ông bà nội, để lại cho vợ mảnh giấy: “Anh chán nghe em kể công rồi nên sẽ ở bên này ít ngày! Em hãy tự lo cho mình!”.
Ông Kính, giám đốc một công ty xây dựng cũng thường xuyên tranh thủ kể công của mình với gia đình vợ. Đúng là nhờ có ông mà mấy đứa em, cháu chắt, họ hàng bên bà Thoa - vợ ông, mới có công ăn việc làm. Đứa thì nhân viên văn phòng, đứa chạy vật liệu xây dựng, đứa trông coi, giám sát công trình, thằng này thợ xây, thằng kia phụ hồ... Dù chẳng phải là những công việc danh giá gì. Nhưng thời buổi xin việc khó khăn, được như thế là tốt rồi.
Cả nhà bà Thoa cũng nghĩ thế nên luôn tỏ ra biết ơn ông Kính. Khổ nỗi, cứ lâu lâu gặp nhau là ông Kính lại bắt đầu đọc “diễn văn”: “Nếu không nhờ tôi thì dù là cử nhân tin học, con A cũng thất nghiệp, nhé! Muốn có cái chân nhân viên văn phòng như hiện nay, cũng mất đứt vài chục triệu đấy!”. A cúi đầu, im lặng.
Hôm khác, ông bô bô: “Thằng B ấy, mang tiếng kỹ sư xây dựng mà có xin được việc đâu? May mà chú bố trí công việc giám sát!”. B cười ngượng nghịu. Lần nọ, ông oang oang: “Thằng D này! Mày cố gắng phụ hồ vài năm rồi chú cho lên thợ xây nhá!”. D thở dài, quay đi chỗ khác.
Từ đó, mỗi lần nghe nói sẽ gặp nhau mà có mặt ông Kính, ai cũng tìm cách thoái thác vì sợ “đau tai”.
Suốt thời trai trẻ phục vụ quân đội, từ khi về hưu, ông Quý phải nghe vợ là bà Hợi kể lể việc một mình nuôi đàn con 5 đứa nên người. Nào là bà vất vả ra sao, khổ sở chăm con thế nào? Rồi thì bà đã sợ quá lần thằng cả sốt cao, bà đã làm gì khi con hai đau tai, thằng út té gãy chân... Những lần đầu, ông Quý vui vẻ ngồi nghe, gật gù chia sẻ, thông cảm, khen ngợi sự giỏi giang của vợ, không quên những lời cám ơn... Nhưng kịch bản của bà Hợi cứ lặp đi lặp lại suốt, mỗi khi có khách hay con cái về chơi, khiến không chỉ ông Quý mà khách khứa và con cái cũng phát sợ... Nhưng dù bị cảnh báo, bà Hợi vẫn không chừa.
Hôm rồi, ông Quý nói với bà Hợi: “Từ ngày mai, tôi sẽ vào Nam sống với đồng đội cũ để khỏi nghe bà kể công!”...
Tóm lại, kể công không sai. Nhưng chỉ nên “Một vừa hai phải!”.