Lưu ý quan sát đối tượng miêu tả
Miêu tả là vẽ lại bằng lời những đặc điểm nổi bật của cảnh, của người, của vật để giúp người nghe, người đọc hình dung được các đối tượng ấy.
Do vậy, bài văn miêu tả trước hết cần có tính chân thực, đúng bản chất của đối tượng. Dạy cho học sinh tiểu học miêu tả chân thực một đối tượng, trước hết phải đi từ yêu cầu tả đúng thực tế, nghĩa là thông qua việc quan sát trực tiếp bằng nhiều giác quan, chọn được từ ngữ thích hợp, diễn tả đúng được đối tượng, không làm cho người đọc (nghe) hiểu sai hoặc không hình dung được nó.
Để giúp người đọc, người nghe tái hiện được đối tượng miêu tả một cách chân thực, sinh động, bài văn miêu tả phải tuân theo một trình tự hợp lí, đảm bảo tính lôgíc. vậy khi dạy văn miêu tả, giáo viên cần hướng dẫn học sinh quan sát tỉ mỉ các bộ phận theo một trình tự hợp lí.
Ví dụ: Quan sát theo trình tự không gian, từ xa đến gần, từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, từ trái qua phải, ... hoặc ngược lại
Quan sát từ bao quát đến các bộ phận, từ bộ phận chủ yếu đến các bộ phận thứ yếu,...).
Quan sát trình tự tâm lí: Điều gì gây chú ý nhiều (gây hứng thú có tác động mạnh) thì tả trước, điều gì ít chú ý tả sau.
Quan sát bằng nhiều cách khác nhau như mắt nhìn, tai nghe, tay sờ, mũi ngửi,...
Chú ý những yêu cầu riêng khi quan sát từng loại đối tượng miêu tả, cụ thể :
Tả đồ vật: Có loại đồ vật tĩnh (như cái bàn, cái ghế, quyển vở,...), có loại đồ vật động (như cái xe, cái quạt máy, búp bê biết khóc, cười,...). Cách quan sát đồ vật động khác với đồ vật tĩnh.
Tả cây cối: Cần quan sát theo đặc điểm của từng loại cây (cây hoa, cây ăn quả, cây bóng mát, cây lấy gỗ,...) theo từng chặng phát triển (khi cây còn nhỏ, lúc cây lớn,...) ; theo từng mùa khác nhau; kết hợp quan sát khung cảnh thiên nhiên và tác động của người hay loài vật đối với cây (nếu có).
Tả con vật: Cần quan sát đầy đủ những đặc điểm về hình dáng, hoạt động và cả mối quan hệ của con vật đối với người.
Trong cùng một loại đối tượng, mỗi đối tượng cụ thể cũng có đặc điểm riêng. Khi quan sát cần chú ý phát hiện những đặc điểm riêng phân biệt đối tượng được tả với những đối tượng khác cùng loại.
Lựa chọn và sắp xếp ý miêu tả
Sau khi quan sát kỹ, cần chọn được những nét nổi bật của đối tượng để miêu tả rõ ràng, đầy đủ. Sau đó, sắp xếp ý một cách hợp lí theo ba phần của bài văn miêu tả:
Mở bài: Giới thiệu đối tượng miêu tả bằng cách trực tiếp hay gián tiếp.
Thân bài: Tả bao quát rồi tả từng bộ phận của đối tượng hoặc tả từng thời kì phát triển của đối tượng.
Kết bài: Nêu cảm nghĩ (ấn tượng) về đối tượng miêu tả theo cách mở rộng hoặc không mở rộng.
Khi lựa chọn và sắp xếp ý với từng thể loại nhỏ phần thân bài, với tả đồ vật: Trước hết, nêu tả bao quát toàn bộ đồ vật (hình dạng, màu sắc,...), sau đó tả những bộ phận chính với những đặc điểm nổi bật.
Tả cây cối: Tả từng bộ phận của cây hoặc tả từng thời kì phát triển của cây (theo các mùa trong năm) ; tập trung vào những nét nổi bật của từng loại cây cụ thể (VD: Hình dạng, màu sắc, hương thơm,... của hoa; hình dạng, màu sắc, mùi vị,... của quả,...).
Tả con vật: Tả hình dáng rồi tả thói quen sinh hoạt và một vài hoạt động chính của con vật (hoặc kết hợp tả hình dáng xen kẽ trong khi tả hoạt động của con vật); tả thêm những biểu hiện của con vật trong mối quan hệ với người (nếu có).
Dựng đoạn và viết bài miêu tả
Mỗi đoạn văn miêu tả có một nội dung nhất định. Ví dụ, giới thiệu hay tả bao quát về đối tượng, tả từng bộ phận hay từng mặt của đối tượng, bộc lộ tình cảm, thái độ của người viết về đối tượng miêu tả,...
Khi viết, hết mỗi đoạn văn cần xuống dòng. Bài văn phải đầy đủ 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài. Lời văn miêu tả cần chân thực, giàu hình ảnh và cảm xúc (thường dùng nhiều từ ngữ gợi tả, gợi cảm và sử dụng các biện pháp liên tưởng, so sánh hay nhân hoá thích hợp).
Bài tập làm văn cần chú ý đến tính thống nhất của cả bài. Mỗi đoạn trong bài văn (kể cả đoạn mở bài và đoạn kết bài đều phải hướng vào nội dung chính của bài, gắn bó với nội dung đó.
Giáo viên hhướng dẫn học sinh dựng đoạn và viết bài với từng thể loại nhỏ:
Tả đồ vật: Thường dùng nhiều từ ngữ gợi tả hình dạng, đặc điểm; có thể so sánh, nhân hoá làm cho đồ vật được miêu tả thêm sinh động (Ví dụ, gọi đồ vật bằng anh, chị, chú, bác,... hoặc cho đồ vật tự xưng).
Tả cây cối: Thường dùng nhiều từ ngữ gợi tả hình dạng, màu sắc, hương thơm, mùi vị ; có thể sử dụng biện pháp liên tưởng, so sánh để gợi ra hình ảnh cây cối ở thời kì phát triển hay mùa khác nhau (cây cối ở thời điểm hiện tại so với trước đây và tương lai sau này).
Tả con vật: Thường dùng nhiều từ ngữ gợi tả hình dạng, màu sắc, âm thanh; từ ngữ chỉ hoạt động, trạng thái của con vật ; có thể sử dụng biện pháp liên tưởng, so sánh hay nhân hoá để miêu tả cho sinh động và bộc lộ mối quan hệ gần gũi với con người.
Rèn kĩ năng viết
Kĩ năng viết của học sinh được rèn luyện chủ yếu qua các bài tập viết đoạn văn trước khi viết một bài văn hoàn chỉnh. Do vậy, trong quá trình rèn kĩ năng viết, giáo viên cần giúp học sinh thực hiện tốt những yêu cầu sau:
Bước1: Phân tích đề bài, xác định nội dung viết; tìm ý, sắp xếp ý để chuẩn bị thực hiện yêu cầu viết (đoạn văn, bài văn) theo loại văn, kiểu bài đã học (miêu tả đồ vật, cây cối, con vật)
Bước 2: Tập viết đoạn văn bảo đảm sự liên kết chặt chẽ về ý. Cụ thể, viết đoạn mở bài (trực tiếp, gián tiếp), viết các đoạn phần thân bài, viết đoạn kết bài (mở rộng, không mở rộng) sao cho có sự liền mạch về ý (không rời rạc, lộn xộn), các ý trong đoạn được diễn tả theo một trình tự nhất định nhằm minh hoạ cụ thể hoá ý chính (có mở đầu, triển khai và kết thúc).
Bước 3: Viết bài văn có bố cục chặt chẽ, có lời văn phù hợp với yêu cầu nội dung và thể loại, cụ thể :
Các đoạn văn trong một bài phải liên kết với nhau thành một văn bản hoàn chỉnh, được bố cục chặt chẽ theo 3 phần. Có thể liên kết các đoạn văn bằng cách dùng từ ngữ nối hoặc cách sắp xếp ý theo trình tự đã học.Khi viết hết một đoạn văn, cần chấm xuống dòng.
Lời văn trong bài (đoạn) cần phù hợp với yêu cầu nội dung và thể loại. VD: Tả đồ vật thường dùng nhiều từ ngữ gợi rõ hình dáng, đặc điểm; có thể so sánh, nhân hoá làm cho đồ vật được miêu tả thể sinh động.
Tả cây cối thường dùng nhiều từ ngữ gợi rõ hình dáng, màu sắc, hương thơm, mùi vị; có thể sử dụng biện pháp liên tưởng, so sánh để gợi ra hình ảnh cây cối ở từng thời kì phát triển hay từng mùa khác nhau.
Tả con vật thường dùng nhiều từ ngữ gợi rõ hình dáng, màu sắc, âm thanh; từ ngữ chỉ hoạt động, trạng thái của con vật; có thể sử dụng biện pháp liên tưởng, so sánh hay nhân hoá để miêu tả cho sinh động và bộc lộ mối quan hệ gần gũi giữa con vật mà học sinh đó miêu tả với con người.