Học Văn bằng hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm văn học

GD&TĐ - Sau gần 2 tháng triển khai dự án học tập "Số phận con người Việt Nam - giai đoạn 1930 -1945", học sinh khối 8 Trường Olympia đã tổ chức báo cáo sản phẩm học tập thú vị tại khu trải nghiệm Nhà Diều (Trầm Lộng, Ứng Hòa).

Học sinh Olympia hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm văn học
Học sinh Olympia hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm văn học

Tại đây, xã hội nông thôn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 đã được tái hiện sinh động khi học sinh hóa thân vào các nhân vật trong Tắt đèn, Lão Hạc, Chí Phèo, Đồng hào có ma...; để từ đó có cái nhìn trọn vẹn về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước, với các thân phận đặc trưng cho giai cấp nông dân nghèo hèn (chị Dậu, Chí Phèo, lão Hạc...), giai cấp phong kiến làng xã (Bá Kiến, Nghị Quế, Huyện Hinh...).

Trong 2 ngày, học sinh đã tham gia xây dựng bối cảnh sân khấu với nhà tranh vách đất của chị Dậu, lão Hạc, nhà rộng 3 gian của Bá Kiến, Nghị Quế, cảnh công đường xét xử của Huyện Hinh; chia nhóm về nhà người dân để trò chuyện với các cụ ông, cụ bà sinh ra trong giai đoạn 1930 – 1945; diễn kịch tương tác với khách tham dự.

Hào hứng với cách học gắn với trải nghiệm này, Lan Chi (khối 8) chia sẻ: Trong suốt dự án lớn này, chúng em đã tích lũy được nhiều kiến thức văn chương cũng như bài học về đời sống vô cùng bổ ích. Bài học không dừng ở trang sách vì chúng em được hóa thân thành Chị Dậu, Lão Hạc để thấu hiểu những gì người nông dân ngày ấy phải trải qua. Chúng em cố gắng luyện tập để có thể nhập tâm vào vai diễn, khắc họa chi tiết nhất tâm tư, hành động trong vở sân khấu hóa của mình.

Đây là phương pháp giúp học sinh khắc sâu kiến thức và luôn hứng thú với bài học
Đây là phương pháp giúp học sinh khắc sâu kiến thức và luôn hứng thú với bài học

Chủ nhiệm dự án thú vị này, cô Ngô Thị Thu Giang, giáo viên dạy Văn, Trường Olympia cho biết: Tham gia dự án, học sinh được thấu hiểu và trải nghiệm một cách thực tế những tác phẩm văn học giai đoạn 1930 – 1945. Các bạn đã được trò chuyện với các nhân chứng lịch sử giai đoạn này để có cái nhìn so sánh với hiện thực trong các tác phẩm và với chính cuộc sống ngày nay.

Những nhân vật ấy, không gian ấy sẽ không còn trong sách vở mà bước ra ngoài hiện thực cuộc sống với những nét riêng do chính học sinh thể hiện bằng sự cảm nhận và thấu hiểu của chính bản thân mình về nhân vật ấy, tác phẩm ấy.

Trước buổi báo cáo này, học sinh Olympia đã được học, phân tích tác phẩm và làm làm poster theo các chủ đề: Đời sống nông thôn trong tác phẩm Lão Hạc; nghệ thuật không gian, thời gian trong đoạn kết của Lão Hạc; nhân vật ông Giáo…

Dự án giúp học sinh có cái nhìn tổng quan về kinh tế, chính trị, văn hóa, tinh thần... của mọi tầng lớp trong xã hội Việt Nam giai đoạn nửa thực dân phong kiến 1930 – 1945; từ đó, hiểu rõ hơn về các giá trị nghệ thuật, nhân văn trong các tác phẩm văn học thời kỳ này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ