Học và hành với dự án “Green of Life”

Học và hành với dự án “Green of Life”

Từ ý tưởng “học đi đôi với hành”

Cô Lê Thị Mai, giáo viên dạy Hóa của Trường THPT Võ Văn Kiệt, là người đầu tiên lên ý tưởng về việc “xanh hóa” một cách khoa học không gian học đường. Đối tượng thực vật được lựa chọn là những cây thanh lọc không khí độc theo danh sách do NASA công bố, ví dụ như nha đam, dương xỉ, lưỡi hổ, trầu bà…

Từ ý tưởng của cá nhân, thông qua Đoàn trường, các thầy cô đã phối hợp hướng dẫn một nhóm học sinh thực hành, tạo ra nhóm khởi nghiệp có tên là “Green of Life”. Nhóm này hiện có khoảng gần 20 em, tuy nhiên, có rất nhiều cựu học sinh vẫn hỗ trợ tích cực dự án.

“Green of Life” của các thầy cô và học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt mong muốn tạo ra hệ thống màn chắn, giúp thanh lọc không khí tự nhiên trong không gian gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị. Theo thầy Lý Hoàng Luân, giáo viên lịch sử kiêm người phát ngôn của nhóm, dự án “Green of Life” gắn việc học với ba mục tiêu quan trọng là bảo vệ môi trường; đổi mới dạy học, tăng cường trải nghiệm và nâng cao năng lực tiếp cận thực tiễn kinh doanh, khởi nghiệp cho học sinh.

“Từ một nhóm nhỏ, chúng tôi đã nâng tầm thành một dự án khoa học và khởi nghiệp vì ý tưởng này có thể kinh doanh được. Vừa qua, chúng tôi có đưa dự án tham gia ngày hội khởi nghiệp trong cộng đồng Pháp ngữ, rồi vượt qua hàng trăm hồ sơ để ra Hà Nội tham gia tranh tài cuộc thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, thầy Lý Hoàng Luân cho biết.

Trải nghiệm thực tế với “Green of Life”

Ban đầu, nhóm “Green of Life” lấy cây giống và chậu tự dưỡng từ các đối tác cung cấp tại TPHCM và Hà Nội. Chậu tự dưỡng này hoạt động theo nguyên tắc thẩm thấu ngược qua khung trữ nước bên dưới để tiết kiệm và điều tiết tối ưu hóa lượng nước. Tiếp đến, các thầy cô và học sinh sẽ tự tay sắp đặt những set cây để thương mại hóa. Sau khi gửi sản phẩm đến đối tác, “Green of Life” sẽ cung cấp kỹ thuật bảo dưỡng.

Từ trường THPT Võ Văn Kiệt, các thầy cô bắt đầu thuyết phục được các đối tác bên ngoài xã hội về ý tưởng của mình. Trải qua hai năm triển khai, dự án xanh hóa tiếp cận với những không gian kinh doanh lớn trên địa bàn TP Rạch Giá (trung tâm tỉnh Kiên Giang), được Sở Tài nguyên và Môi trường gửi công văn khuyến khích việc tổ chức hoạt động.

Những học sinh tham gia dự án xanh hóa. Nguồn: Green of Life
Những học sinh tham gia dự án xanh hóa. Nguồn: Green of Life 

Đối với những đơn vị kinh doanh đồng ý phối hợp xanh hóa, nhóm “Green of Life” sẽ đến khảo sát vị trí, ước đoán số lượng và loại cây sao cho cân đối về màu sắc, phong thủy rồi tiến hành phân công 2 - 3 thành viên thực hiện sắp đặt, duy trì chăm sóc, bảo dưỡng. Điều đặc biệt là các em học sinh không cần phải tham gia xuyên suốt, nên không quá lo lắng về tiến độ học tập.

“Các thầy cô vẫn đóng vai trò chủ đạo, còn các em học sinh chỉ tham gia trải nghiệm theo thời gian rảnh. Mục tiêu cốt lõi của hoạt động vẫn là đổi mới dạy và học. Do cây tự dưỡng nên không phải lúc nào cũng cần người chăm nom, tần suất chỉ 1 tháng/lần. Ban đầu, một số phụ huynh cũng rất lo lắng, nhưng từ khi thấy tác động tích cực của dự án thì đã tạo điều kiện cho các em học sinh tham gia. Vừa qua, khi đi Hà Nội, chính phụ huynh cũng đóng góp kinh phí tự nguyện để hỗ trợ nhà trường”, thầy Luân nói.

Trong tương lai, dự án “Green of Life” sẽ được thúc đẩy theo hướng kinh doanh và trải nghiệm, giúp cho các em hình thành tư duy và định hướng về kinh doanh, khởi nghiệp. Không chỉ dừng lại ở việc thi công và chăm sóc cây, từ dự án cây xanh, “Green of Life” mong muốn phát triển ý tưởng sang rau sạch, trái cây sạch…

Theo thông tin từ người đại diện của “Green of Life”, đã có doanh nghiệp mong muốn bỏ vốn đầu tư cho dự án. Hiện tại, một số ngân hàng thương mại cũng đặt vấn đề hợp tác đầu tư, phù hợp với mong muốn phát triển dự án thành mô hình công ty.

Những bước tiến xa của “Green of Life”

Vừa qua, vượt qua hơn 300 hồ sơ ý tưởng có khả năng kinh doanh của các trường (bao gồm học sinh, sinh viên), “Green of Life” được các nhà kinh doanh, giới chuyên gia lựa chọn vào nhóm 15 dự án xuất sắc, để cùng trưng bày gian hàng và cùng phản biện về tính khả thi với các đội trên cả nước tại kỳ thi SV.Startup 2019 (Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2019) do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Dù là dự án có vốn đầu tư không quá cao và không đặt trọng tâm quá nặng vào lợi nhuận, “Green of Life” vẫn đủ sức thuyết phục khi trở thành đơn vị trường học duy nhất ở phía Nam lọt vào Chung kết và được trao giải Khuyến khích.

Nói về mục tiêu sắp tới, đại diện của “Green of Life” cho biết sẽ xây dựng nguồn giống và tập trung phát triển khâu đầu ra, thông qua khả năng tận dụng các mối quan hệ xã hội của các thầy cô. Khi hợp tác cùng “Green of Life”, các đơn vị đối tác không nhất thiết phải xanh hóa bằng sản phẩm của nhà trường, họ có thể tự mua, tự phối và nhờ “Green of Life” chuẩn hóa về kỹ thuật. Để bảo đảm những cam kết về kỹ thuật, cô Lê Thị Mai và thành viên của nhóm phải tự trau dồi và tích lũy rất nhiều kiến thức từ tài liệu và kinh nghiệm khoa học của các chuyên gia, nhà sinh cảnh.

Hiện tại, sau khi thanh toán vốn, lợi nhuận có được ban đầu tầm 20 - 30 triệu/năm. Mặc dù nguồn thu khá khiêm tốn nhưng “Green of Life” vẫn tiến hành trả công cho các em học sinh tham gia nhằm khuyến khích sức lao động.

“Mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là tác động đến suy nghĩ của khách hàng, giúp họ ý thức hơn về hành động bảo vệ môi trường thông qua nhận thức về giá trị sử dụng của các loại cây. Ví dụ, cây lưỡi hổ có khả năng thanh lọc không khí độc, hút các khí ozone, benzel, đặt tại nhà bếp có thể hút khí gas, dầu mỡ… Như vậy, không hẳn chỉ dựa vào việc trồng rừng, chúng ta vẫn có những giải pháp kiến tạo môi trường trong lành trong không gian đô thị”, thầy Lý Hoàng Luân cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ