Thực hiện "Điểu ước cho em", Đoàn công tác Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Ngô Thị Minh dẫn đầu đã đến tặng quà cho học sinh, 2 trường tiểu học vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương, Nghệ An.
Chiều 16/1, chương trình "Điều ước cho em" đến với các em nhỏ vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ được tổ chức tại Trường Tiểu học Kim Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An).
Đến dự và chung vui với thầy trò có đại diện chính quyền địa phương, Đồn biên phòng Ngọc Lâm, và đông đảo phụ huynh học sinh.
Xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An) là khu tái định cư của bà con từ vùng lòng hồ Bản Vẽ (huyện Tương Dương) chuyển xuống, sau khi nhường đất đai, quê cũ cho nhà máy thủy điện năm 2006.
Về cơ sở vật chất, các trường học trên địa bàn xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn do Ban Quản lý Thủy điện Bản Vẽ xây dựng và đưa vào sử dụng từ 2006 đến nay đã xuống cấp trầm trọng: mái nhà hư hỏng, nền lớp học sụt lún, tường nứt, bong vữa, cửa lớp nứt vỡ…
Hàng năm, các nhà trường phải tu sửa, khắc phục để phục vụ dạy học bình thường. Một số công trình, hạng mục không sử dụng được đặc biệt là nhà vệ sinh. Trang thiết bị dạy học thiếu thốn do khi chuyển từ huyện Tương Dương về tái định cư tại Thanh Chương, các nhà trường không được mang theo thiết bị dạy học mà để lại nơi cũ.
Trường Tiểu học Kim Lâm có điểm chính ở bản Trung tâm và 3 điểm lẻ ở các bản Thái Lâm, Chà Coong và Hòa Sơn. Học sinh của trường chưa được tổ chức bán trú do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có bếp ăn, nhiều điểm lẻ manh mún.
Trường hiện vẫn thiếu phòng học, không có phòng chức năng. Trường cũng là đơn vị duy nhất của huyện đến nay vẫn không có nhà hiệu bộ, các phòng làm việc chuyên môn. Nhà trường phải cải tạo phòng học cũ tận dụng làm nơi họp hội đồng và sinh hoạt chuyên môn.
Hiện trường Tiểu học Kim Lâm đã được xây dựng và đưa vào sử dụng 10 phòng học kiên cố tại điểm chính từ nguồn vốn trung hạn của chương trình nông thôn mới. Số phòng học mới hiện chưa đủ bàn ghế, vẫn thiếu 30 bộ.
Về phía Trường Tiểu học Hương Tiến (xã Ngọc Lâm) hiện là có nhiều điểm trường nhất huyện Thanh Chương, gồm điểm chính và 5 điểm lẻ ở các bản Khe Tròn, bản Hiển, bản Muộng, Tạ Xiêng, Nhạn Pá. Các điểm lẻ cách xa trường chính từ 6 – 12km.
Học sinh của 2 trường đều là con em dân tộc thiểu số: Thái, Khơ Mú... Hiện 15 năm trôi qua, đời sống người dân và giáo dục vùng tái định cư đã ổn định và nhiều thay đổi. Tuy vậy, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, ruộng đất ít, chưa hiểu thói quen sản xuất, đời sống bà con. Đời sống kinh tế - xã hội khó khăn cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục của khu vực đặc biệt này.
Theo đại diện 2 nhà trường: "Với học sinh nơi đây, được no ấm, đủ điều kiện yên tâm học tập đã là một ước ao lớn. Mong mỏi đối với nhà trường, nhà giáo, học sinh Ngọc Lâm và Thanh Sơn là có 2 ngôi trường tiểu học bán trú đầy đủ cơ sở vật chất. Để các em được ăn ở bán trú thuận lợi tại trường, có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục vùng tái định cư".
Thực hiện chương trình Điều ước cho em, Thứ trưởng Ngô Thị Minh chia sẻ với những khó khăn của 2 ngôi trường, thầy cô, học sinh 2 xã vùng tái định cư thủy điện Bản Vẽ.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ban, ngành phát động và thực hiện "Điều ước cho em". Trong đó có chương trình tại vùng tái định cư thủy điện bản Vẽ xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm với sự kết nối của Văn phòng đại diện Báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ.
Chương trình đã trao tặng cho trường Tiểu học Kim Lâm 30 bộ bàn ghế học sinh, hỗ trợ xây dựng cổng trường an toàn cho học sinh và phụ huynh; tặng cho Trường Tiểu học Hương Tiến 1 tivi 55 inch, 8 bảng chống lóa để phục vụ dạy học chương trình phổ thông mới. Tổng giá trị quà tặng hơn 100 triệu đồng.
Dịp này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đã tặng quà Tết cho TrườngTiểu học Kim Lâm và Hương Tiến cùng toàn thể giáo viên của 2 nhà trường với hơn 80 suất quà.