Học trò ưu tú của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu miệt mài giữ gìn nghệ thuật hát xẩm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (sinh năm 1976), được coi là truyền nhân, học trò ưu tú của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu.

Bén duyên với hát xẩm một cách tình cờ để rồi tình yêu, niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật này cứ lớn dần và gắn bó với nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa như một phần không thể thiếu.

Đặc biệt, giữa thời buổi dòng nhạc dân tộc dần thưa vắng người nghe, ngọn lửa nhiệt huyết với nghề trong Mai Tuyết Hoa vẫn bền bỉ cháy, thôi thúc chị miệt mài khai thác và biểu diễn những điệu xẩm cổ của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

Tình cờ mà nên duyên

Nghệ nhân Hà Thị Cầu truyền nghề cho nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. Ảnh: NVCC.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu truyền nghề cho nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (sinh năm 1976), được coi là truyền nhân, học trò ưu tú của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Chị hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc, trưởng nhóm Xẩm Hà thành; đồng thời là biên tập viên âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Với công việc hiện tại cùng niềm đam mê, tâm huyết với nghệ thuật hát xẩm nhiều người cứ nghĩ chị phải sinh ra trong một gia đình truyền thống, phải được “ngụp lặn” trong văn hóa của xẩm từ tấm bé. Nhưng sự thực lại không phải vậy.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã sớm bén duyên với cây đàn nhị nhờ sự định hướng và động viên của người bố dù không hoạt động nghệ thuật nhưng lại có niềm yêu thích nhạc dân tộc.

Khi chỉ mới 7, 8 tuổi, cô bé Tuyết Hoa đã được bố cho đi học loại đàn này để rồi từ đó phải vượt qua biết bao dè bỉu, trêu chọc của đám bạn cùng lứa. Bỏ qua cả quan niệm đàn nhị thường chỉ gắn với đám hiếu chứ không được “lung linh” như đàn tranh, đàn tì bà, sáo và cả piano, violon... chị bền lòng với loại nhạc cụ dân tộc này.

Từ bị “ép buộc”, Mai Tuyết Hoa đã tự giác tập luyện hăng say rồi quyết tâm theo học chuyên ngành Đàn nhị, Khoa Nhạc cụ truyền thống tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Năm đó, khi gần tốt nghiệp đại học, chị nhận được lời mời sang Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam (nay là Viện Âm nhạc Việt Nam) cộng tác với công việc nhận băng đĩa về tách lời, ký âm, ghi âm các tư liệu âm nhạc có sẵn.

Tình cờ trong lúc làm việc, Mai Tuyết Hoa đã bắt gặp đĩa hát của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu. Chị gần như bị thôi miên bởi giọng ca đầy ma mị ấy và khoảnh khắc đó được chị coi như một dấu mốc quan trọng trên chặng đường sự nghiệp sau này.

Duyên lại tiếp duyên khi Mai Tuyết Hoa tốt nghiệp đúng vào thời điểm Viện thành lập phòng trưng bày nhạc cụ truyền thống Việt Nam do các đoàn đi công tác về sưu tầm âm thanh, những bản ký âm và cả nhạc cụ… nên nghiễm nhiên chị được nhận vào làm việc chính thức.

“Đó là một thuận lợi cho tôi khi chọn nghiên cứu hát xẩm làm đề tài tốt nghiệp lấy bằng lý luận phê bình âm nhạc. Vừa nghiên cứu, vừa thực hành vừa biểu diễn nên nghệ thuật hát xẩm đã ngấm vào tôi lúc nào không hay. Đến lúc này, tôi mới thực sự yêu thích, đam mê đàn nhị và xẩm”, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trải lòng.

Nhìn lại chặng đường đã qua, chị vẫn nghĩ: “Tôi không chọn xẩm mà nghệ thuật này tự tìm đến tôi một cách hết sức tình cờ và tự nhiên”. Lý giải tình yêu và sự lựa chọn của mình, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cho rằng xẩm có một sức hút đặc biệt.

Nếu như ai đó lần đầu tiên nghe có thể không thích, nhưng chị tin rằng nghe đến lần thứ hai, thứ ba thì người đó sẽ dần cảm mến bởi nó không chỉ giá trị ở thể loại âm nhạc, mà còn giá trị ở ca từ và giai điệu.

So với nhiều loại hình âm nhạc truyền thống khác thì xẩm ít được biết hơn vì thực sự không còn nghệ nhân thực hành nào. Chính vì quá hiếm nghệ nhân như vậy nên chị đã quyết định gắn bó với nó để phục dựng, gìn giữ, lưu truyền và phát triển loại hình đặc sắc này đến với nhiều người hơn.

Quảng bá hát xẩm

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa say sưa bên cây đàn nhị. Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa say sưa bên cây đàn nhị. Ảnh: NVCC

Khi quyết định nghiên cứu về xẩm, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã tìm về Ninh Bình gặp nghệ nhân Hà Thị Cầu để học hỏi. Chứng kiến tận mắt một tài năng như cụ mà cuộc sống quá vất vả, nghèo khó, chị đã nghĩ mình cần phải làm gì đó cho nghệ nhân Hà Thị Cầu và cho nghệ thuật hát xẩm.

Nghĩ là làm, năm 2005, chị cùng Giáo sư Phạm Minh Khang, nhạc sĩ Thao Giang, nhạc sĩ Quang Long, NSƯT Thanh Ngoan… thành lập Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Để theo đuổi niềm đam mê ấy, chị và các đồng nghiệp đã gặp không ít khó khăn khi phải cùng nhau góp từ cái ghế, chiếc bàn, điện thoại… để có chỗ ngồi bàn bạc cũng như thiết bị ghi âm, tách từ băng đĩa từ ngày xưa và dựng lại những bài xẩm dường như đã bị thất truyền.

Thậm chí, họ còn lăn lộn về các vùng quê để tìm hiểu xem còn bất cứ tư liệu, nghệ nhân nào không, với mong muốn loại hình nghệ thuật này được khôi phục nhanh nhất, khoa học nhất và chính xác nhất.

Khi bắt đầu có chút vốn liếng xẩm trong tay, chị và các đồng nghiệp lại nung nấu ý định quảng bá xẩm ở đường phố Thủ đô. Nhưng thời ấy để được biểu diễn xẩm ở chợ Đồng Xuân vào mỗi tối thứ Bảy hằng tuần là điều không dễ.

Chính Mai Tuyết Hoa đã bền bỉ đến gõ cửa từng cơ quan như: Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, UBND phường Hàng Đào, Công ty Cổ phần Đồng Xuân để vận động, thuyết phục các cấp chính quyền cũng như người dân có nhận thức đúng về loại hình nghệ thuật âm nhạc chuyên nghiệp này.

“Tôi đã dùng kiến thức chuyên môn của mình để cho họ thấy rằng xẩm không nhếch nhác và hoàn toàn có thể biểu diễn ở giữa phố cổ Thủ đô. Và cũng từ những đêm diễn ấy, nhiều nghệ sĩ biểu diễn đã từng có những thành công nhất định trong những sân khấu lớn phải thốt lên rằng: Đây là không gian thật ấm áp, nghĩa tình và khó quên”, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa tâm sự.

Mặc dù, nhiều địa phương trước đây đã từng có hát xẩm nhưng cũng phải khẳng định rằng hát xẩm ở Hà Nội da diết, đằm thắm, trữ tình và “nịnh” người nghe hơn các vùng quê khác. Đó là bởi các nghệ nhân ở tỉnh xa về Thủ đô biểu diễn kiếm sống đã có sự thay đổi sao cho phù hợp với thẩm mĩ của người Hà Nội.

Họ đã bị guồng quay, nếp sống của người Thủ đô làm thay đổi điệu hát. Để gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật hát xẩm riêng biệt, độc đáo ở Thủ đô, năm 2009, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã cùng nhà nghiên cứu lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long quyết định thành lập nhóm Xẩm Hà thành và biểu diễn trước đền vua Lê (đường Lê Thái Tổ) vào mỗi tối thứ 6, thứ 7, Chủ nhật hằng tuần.

Những ngày đầu mới ra mắt, nhóm nhận được sự cố vấn và tham gia với tư cách thành viên danh dự của một số nghệ sĩ gạo cội như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan… Đến nay, nhóm đã quy tụ được nhiều nghệ sĩ tài năng như: Văn Hải (đàn nhị), Phạm Trang (đàn bầu), Trân Hậu (sáo trúc), nhạc sĩ Giáng Son…

Để thu hút công chúng và đặc biệt là giới trẻ, nhóm đã sáng tạo những bài hát xẩm bằng các hình thức hiện đại như đặt lời mới mang tính thời sự rồi đưa vào các dòng nhạc mới như: Hip-hop, Jazz, Pop… hay biểu diễn cùng Saxophone.

Tuy nhiên, những ý nghĩ táo bạo ấy ban đầu đã khiến nhiều người lo ngại rằng xẩm sẽ bị pha trộn, đánh mất bản sắc. Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa chia sẻ: “Bản thân là người nghiên cứu âm nhạc dân gian, tôi trân trọng những gì thuộc về vốn cổ, thuộc về quá khứ nhưng với xã hội hiện nay nhiều lời cổ đã không còn phù hợp, thậm chí cũ kĩ và ít phổ biến.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa.

Vì vậy, việc “thổi” vào đó sự tươi mới mang tính đương đại trên chất liệu dân gian là việc làm cần thiết. Nhóm Xẩm Hà thành mỗi năm đã luôn cố gắng để mang đến cho khán giả những chương trình nghệ thuật tri ân, có thể kể đến như: Xẩm “Giao thông”, xẩm “Tứ vị Hà thành”, xẩm “Bốn mùa hoa Hà Nội”, xẩm “Trà đá”... Thật vui mừng khi biết đến những dự án của chúng tôi nhiều nhà thơ đã gửi những sáng tác của mình để nhóm hát theo điệu xẩm.

Sức lan tỏa của những điệu mới này còn đến cả các trường tiểu học ở Thủ đô khi các em học sinh lấy để biểu diễn trong các chương trình văn nghệ, thậm chí nhiều bản cover trên mạng cũng rất hay và thú vị”.

Sau hơn 10 năm ra đời, gần đây nhóm Xẩm Hà thành còn đưa xẩm lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Tuy vậy, nhóm vẫn bố trí không gian như ngoài phố, tái hiện lại chợ quê, tàu điện Hà Nội…

Dự định thì nhiều, song chỉ biết rằng bằng tình yêu, ngọn lửa đam mê, miệt mài, tận tụy và sống hết mình cho nghệ thuật hát xẩm, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa cùng các nghệ sĩ trong nhóm Xẩm Hà thành đã và đang đưa xẩm đến được gần hơn, nhiều hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

Xa hơn, tự trong đáy lòng mình, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa mong muốn về phía cơ quan quản lý Nhà nước hay chính quyền địa phương trong tương lai sẽ tổ chức hội thảo mang tính khoa học về nghệ thuật hát xẩm mà ở đó nghiên cứu, bàn luận một cách đầy đủ, đa diện nhất để có những định hướng phát triển lâu dài cho loại hình nghệ thuật này.

Và biết đâu đó từ hội thảo này, những cuốn giáo trình về nghệ thuật hát xẩm sẽ được ra đời cũng như được phát hành rộng rãi trong khắp các trường dạy âm nhạc trên cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ