Thăng trầm cùng thời cuộc
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, thời kỳ hưng thịnh nhất của nghệ thuật xẩm là vào khoảng đầu thế kỷ XX. Gần gũi với người dân lao động, tiếng nói trong hát xẩm gắn bó với nhân tình thế thái. Những nghệ nhân dân gian nhờ tiếng đàn, điệu hát của xẩm kể những câu chuyện đời thẫm đẫm hỉ, nộ, ái, ố của cõi nhân sinh.
Giai đoạn phát triển hưng thịnh, nhiều nghệ nhân dân gian đã trở thành những cây đa, cây đề trong làng xẩm. Xẩm được biểu diễn tương đối phổ biến trong không gian quán xá hay di tích một cách thường xuyên và thu hút nhiều công chúng. Trong kho tàng nghệ thuật truyền thống, xẩm là nghệ thuật mở nhất vì xẩm không quá câu nệ việc phải hát ở đâu, dành cho đối tượng nào.
Hễ có người ở bất cứ đâu nghe và còn có người thích hát xẩm thì đó môi trường để xẩm thăng hoa. Ngay tại Hà Nội, xẩm cũng gắn bó và trở thành loại hình nghệ thuật âm nhạc đường phố hết sức độc đáo. Trước kia, xẩm đã từng hiện hữu ở không gian các ngôi nhà cổ, phố cổ hay các địa điểm ngoài trời ở Bờ Hồ, Hàng Đào, cổng chợ Đồng Xuân...
Ngay cả vào thời điểm khốc liệt nhất trong chiến tranh, nghệ nhân Lê Minh Sen (Thanh Hóa) vẫn ôm cây đàn nhị, cất giọng xẩm ra mặt trận, góp những lời ca hóm hỉnh, mang lại tiếng cười sảng khoái động viên tình thần các chiến sĩ, thôi thúc ý chí quyết tâm chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa.
Khoảng 75 năm về trước cụ Nguyễn Thị Lạt, sinh năm 1923 ở Tứ Kỳ, Hải Dương đã dắt người anh trai mù loà của mình đi hát xẩm kiếm cơm. Suốt bao năm hành nghề, anh em cụ đã gặp gỡ những “huyền thoại của làng xẩm”. Các trùm xẩm Nguyễn Văn Nguyên (Hà Nội), Nguyễn Văn Mậu (Ninh Bình - chồng cố Nghệ nhân Hà Thị Cầu), Nguyễn Văn Tự và Lý Văn An (Hải Phòng)... cùng nhiều nghệ nhân xẩm lão làng đã ra đi nhưng cụ Nguyễn Thị Lạt vẫn trụ lại.
Năm nay 96 tuổi, tuổi cao, bị nặng tai nhưng cụ vẫn minh mẫn. Với trí nhớ tốt, cụ vẫn có thể vừa đánh trống, nhịp sênh và hát. Cụ là vốn quý để các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tìm đến bởi là một kho tư liệu sống còn lưu giữ nhiều bài hát xẩm, lời cổ.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, giai đoạn xẩm suy thoái và các phường xẩm tan rã là từ thập niên 60 trở lại đây. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những quan niệm sai lầm và một phần cũng do các nghệ nhân xẩm tài danh lần lượt khuất núi. Năm 2013, nghệ nhân Hà Thị Cầu, người giữ hồn xẩm qua đời, nghệ thuật hát xẩm như mất đi một chủ soái.
Cùng với sự bùng nổ của thời đại công nghệ số, nhiều người lo lắng xẩm sẽ bị quên lãng, lụi tàn. May thay, tiếng hát và tình yêu môn nghệ thuật dân gian vẫn còn mãi trong lòng công chúng. Dòng chảy của xẩm không bị thất truyền, vẫn được lưu giữ và có thêm nhiều nhân tố mới.
Đưa xẩm lên sân khấu lớn
Với nhiều năm tâm huyết nghiên cứu, kế thừa và phát huy tinh hoa dân tộc, NSND Xuân Hoạch đã có nhiều đóng góp phục hưng nghệ thuật dân gian. Ông được ghi nhận như “trưởng lão” của làng xẩm Việt Nam đương đại. Bên cạnh việc cùng các nghệ sĩ đưa xẩm lên sân khấu lớn, NSND Xuân Hoạch còn góp công phục chế các nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, đàn đáy, đàn nguyệt... sử dụng dây tơ theo lối cổ, thay vì dùng dây kim loại như hiện nay.
Làng xẩm Việt Nam đương đại xuất hiện nhiều gương mặt đại diện mới, giàu tiềm năng. Chiếu xẩm Hải Thành (Hải Phòng), Chiếu xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình), Trung tâm Âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội), CLB Ca nhạc Truyền thống UNESCO Hà Nội, CLB Còn duyên (Vĩnh Phúc), Đoàn Nghệ thuật Đông Đô (Hà Nội), CLB Liên Hoa, CLB Sen Tây Hồ... đang như những câu lạc bộ thực hành truyền dạy và biểu diễn hát xẩm ở nhiều vùng, miền trên đất nước.
Nhà nghiên cứu - nghệ sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long- Phó trưởng Ban Biên tập NXB Âm nhạc nhiều năm qua đã nỗ lực đưa nghệ thuật hát xẩm cổ truyền về gần hơn với công chúng. Anh đã cùng GS Hoàng Chương, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa (Chiếu xẩm Hà Thành), Thanh Dần, nhạc sĩ Giáng Son… mang xẩm cùng âm nhạc truyền thống khai xuân cho cộng đồng người Việt và khán giả ở Pháp, Đức. Những chuyển động tích cực ấy đã đem lại sự khởi sắc môn nghệ thuật dân dã nhưng không kém phần tinh tế này.
Chuỗi chương trình âm nhạc diễn giải “Tinh hoa nhạc Việt” do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp với Cung VH-TT thanh niên Hà Nội và các trường ĐH tổ chức đã và đang đưa âm nhạc dân tộc cổ truyền đến gần hơn với các bạn trẻ.
Nhiều nghệ nhân Nghệ nhân dân gian ẩn danh ở các vùng quê đã dần được công chúng biết đến nhiều hơn. Chương trình giao lưu văn hóa “Từ hè đường đến sân khấu” do nhóm Đình làng Việt và Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội tổ chức với sự tham gia của các nghệ nhân Nguyễn Thị Mận (con gái của nghệ nhân hát xẩm huyền thoại Hà Thị Cầu), nghệ nhân Lê Văn Vượng (chiếu xẩm Hà Thị Cầu ở Yên Mô, Ninh Bình) nghệ nhân Đào Bạch Linh (Hải Phòng) và một số nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ triển vọng.
Các nội dung “Những đặc trưng căn bản của xẩm từ môi trường diễn xướng”, từng chặng đượng phát triển của xẩm, các nhạc cụ và một số làn điệu điển hình... đã giúp công chúng Thủ đô hiểu và yêu bộ môn nghệ thuật hát xẩm hơn.
“Nghệ thuật xẩm qua bao phen thăng trầm, lấm láp trong cõi nhân sinh nhưng luôn bền bỉ để giờ đây trỗi lên sức sống mãnh liệt, trở thành di sản mang hồn cốt của đời sống, tâm hồn người Việt. Có cuộc này sẽ bắc cầu sang cuộc khác, sẽ khởi động những chuyến đi khác, để chúng tôi được hát, được nói về vốn quý cổ truyền của dân tộc. Nghệ sĩ hát xẩm chúng tôi sung sướng và hạnh phúc khi được góp tâm sức bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống”, nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh xúc động chia sẻ.