Học trò thương tiếc vĩnh biệt thầy Trần Hữu Tá, nhà giáo tâm huyết và mẫu mực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hay tin nhà giáo Trần Hữu Tá - chủ biên của nhiều SGK Ngữ văn, qua đời tối 27/11, nhiều học trò cũ đã có những chia sẻ về người thầy của mình.

Nhà giáo Trần Hữu Tá và học trò của mình. Ảnh: Nguyễn Văn Cải.
Nhà giáo Trần Hữu Tá và học trò của mình. Ảnh: Nguyễn Văn Cải.

Người thầy giản dị

PGS.TS Trần Hữu Tá, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM, nguyên trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐHSP TPHCM, nguyên hiệu trưởng Trường THPT Trương Vĩnh Ký, vừa qua đời tối 27/11, thọ 86 tuổi.

Thầy Tá bắt đầu dạy học năm 20 tuổi, từ bậc phổ thông rồi sau này chuyển lên giảng dạy ở bậc đại học. Ông là chủ biên sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 11, đồng chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 (chương trình cũ). Ông cũng là tác giả hàng chục cuốn sách văn học cùng nhiều bài nghiên cứu, phê bình văn học đăng trên các tờ báo của cả nước.

Thầy Trần Hữu Tá là một nhà giáo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu phê bình văn học, có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.

Nhà giáo Trần Hữu Tá tại đại hội Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM nhiệm kỳ VI (2016-2020). Ảnh: Nguyễn Văn Cải.
Nhà giáo Trần Hữu Tá tại đại hội Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM nhiệm kỳ VI (2016-2020). Ảnh: Nguyễn Văn Cải.

Hay tin nhà giáo Trần Hữu Tá qua đời, học trò cũ Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi, TPHCM) đã có những chia sẻ tưởng nhớ về người thầy “bình dị mà vĩ đại” của mình.

Thầy Cải nhớ lại: “Ngày ấy, khi chân ướt chân ráo bước vào giảng đường đại học, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Thế nhưng, tại buổi lễ đón tân sinh viên của khoa Ngữ văn ĐHSP TPHCM, tôi cảm thấy thật long trọng và ấm áp tình thầy trò. Thầy Tá, với vai trò một chủ nhiệm khoa, đã đến sớm hơn giờ khai mạc mười lăm phút và đến từng dãy ghế ân cần hỏi thăm và động viên từng tân sinh viên.

“Trong quá trình học tập, có lẽ, bản thân tôi ấn tượng nhất là bài học thầy kể về anh sinh viên mù vượt khó Phạm Văn Sim. Anh bị mù nhưng luôn là gương sáng. Bài học quý về một sinh viên mù khuyết tật khiến bọn sinh viên sáng mắt, đủ sức khoẻ như chúng tôi phải giật mình mà tự soi lại bản thân”, thầy Cải nhớ lại.

Cũng theo chia sẻ của thầy Cải, trong số sinh viên ở khoa đông nhất trường này, bạn nào có hoàn cảnh khó khăn hầu như thầy đều biết. Sau ngày lễ long trọng ấy, thầy cho gọi tôi lên khoa. Biết thầy Cải hoàn cảnh khó khăn, mẹ lại bệnh tật, bản thân phải tự bươn chải kiếm sống để có tiền vừa ăn học vừa nuôi mẹ, thầy Tá đã dành riêng buổi chiều hôm ấy để động viên.

“Khi tôi về Trường THPT Quang Trung công tác, tham mưu với thầy Hiệu trưởng Lê Đình Hoe tổ chức một chuyên đề ngoại khóa Văn học. Khi ấy, thầy Trần Hữu Tá gần 70 tuổi nhưng không quản ngại sức khỏe, đường xa, đã vượt hơn 50 cây số đến với thầy trò chúng tôi để truyền cảm hứng văn học qua chuyên đề “Văn học Việt Nam 1945-1975: những ấn tượng khó quên”.

Các em học sinh lớp 12 năm ấy đến giờ vẫn nhớ rõ những câu chuyện thầy kể đầy cảm hứng với đầy đủ bức tranh của giai đoạn văn học đáng nhớ này", thầy Cải chia sẻ.

Học trò Nguyễn Văn Cải và nhà giáo Trần Hữu Tá.
Học trò Nguyễn Văn Cải và nhà giáo Trần Hữu Tá.

Thấu hiểu học trò

Cô giáo Lê Thị Phương Thảo, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai, trước đây là lớp phó học tập lớp Ngữ văn K24A, Trường ĐHSP TPHCM. Cô Thảo chia sẻ, thầy Tá để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho sinh viên, không chỉ về kiến thức thầy dạy, mà về cách thầy quan tâm, chia sẻ với học trò trước những khó khăn trong cuộc sống.

“Từ Kon Tum vào TPHCM học, tính tình tôi lắm khi vẫn còn xốc nổi, nói gì làm gì theo ý thích mà không quan tâm nhiều đến thái độ người khác. Thế rồi có lần thầy Tá nhẹ nhàng góp ý cho tôi, đúng như kiểu cha khuyên con gái ấy, nên tôi cảm thấy rất xúc động. Thực sự lúc đó không có cảm giác mình “bị la” đâu”, cô Thảo thổ lộ.

“Những bài giảng của thầy mãi ghi dấu ấn sâu sắc, đến giờ này tôi vẫn thường kể cho học sinh nghe. Nghe tin thầy mất, tôi có nói với học sinh trên lớp: Một trong những cây cao bóng cả đã ra đi. Xin thành kính tiễn biệt thầy! Những thế hệ học sinh, sinh viên của thầy nguyện sẽ sống đẹp đúng như lời thầy dạy”, cô Thảo tâm sự.

Nhà giáo Trần Hữu Tá ký tặng sách cho học trò cũ. Ảnh: Nguyễn Văn Cải.
Nhà giáo Trần Hữu Tá ký tặng sách cho học trò cũ. Ảnh: Nguyễn Văn Cải.

Cô Phan Thị Hải Đường, giáo viên Trường THPT Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), từng là Bí thư Chi đoàn Ngữ văn K24B. Cô Đường chia sẻ, thầy bệnh và đã nằm điều trị mấy năm qua. Mỗi lần họp khoá mọi người đều ghé thăm hỏi thầy. Dẫu vậy, sáng nay hay tin thầy mất cô và những người bạn thực sự đau buồn, thương tiếc.

“Với riêng tôi, thầy không chỉ tận tâm giảng dạy thời sinh viên K24, mà còn hướng dẫn luận văn thạc sĩ Phương pháp giảng dạy Văn học-Cao học K15-ĐHSP TPHCM. Nhớ lại quảng thời gian đó tôi thật sự biết ơn thầy lắm. Tuy đã lớn tuổi, nhưng thầy rất nhiệt tình hướng dẫn, sửa bài và theo suốt quá trình thực hiện đề tài của mình đến ngày bảo vệ thành công. Thời đó, tôi mới sinh con, nên sức khoẻ cũng như thời gian không có nhiều, không có điều kiện gặp trực tiếp thầy nhiều để sửa bài. Thế nhưng thầy vẫn nhiệt tình nhận bài của học viên và chỉnh sửa gửi bài qua đường bưu điện.

Thực sự những năm tháng được học tập bên thầy thật ý nghĩa. Thầy không chỉ dạy kiến thức mà còn là tấm gương sáng về cái Tâm của nhà giáo”, cô Đường chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

GD&TĐ - Bài thơ của tác giả Chu Hồng Tiến để lại trong lòng người đọc cảm giác buồn xao xuyến khi nhận ra giữa người với người luôn luôn có 'khoảng cách'...