Thương thầy mất sớm vì bệnh tật trong cảnh nghèo khó, nhóm học trò đã chung tay xây mộ, chăm lo giỗ Tết. 40 năm sau, những học trò này còn chung tay quyên góp xây nhà thờ cho vợ chồng thầy giáo cũ.
Cùng trò trải qua gian khổ
Về vùng đất học Hồng Lam xã Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh) nhắc đến tình nghĩa thầy trò, câu chuyện khiến nhiều người xúc động là sự tri ân của nhiều học sinh cũ dành cho thầy Nguyễn Hồng Quang (sinh năm 1930, từng là giáo viên Trường cấp 3 Đức Thọ và cấp 3 Trần Phú). Dù thầy Quang khuất núi cách đây hơn 40 năm nhưng mỗi dịp lễ Tết hay ngày giỗ của thầy không khi nào thiếu bóng học trò ghé thăm.
Thầy Nguyễn Hồng Quang quê ở thôn Tiến Thọ (Yên Hồ, Đức Thọ) vốn là cán bộ giao thông được cử đi học đại học ngành Sư phạm. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp, thầy được phân công về giảng dạy môn Toán tại Trường cấp 3 Đức Thọ (nay là Trường THPT Đức Thọ, huyện Đức Thọ).
Thời điểm ấy, do đế quốc Mỹ mở rộng ném bom miền Bắc, để đảm bảo an toàn cho học sinh và cán bộ, công nhân viên nhà trường, Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định tách và thành lập Trường cấp 3 Đức Thọ. Khi thầy Quang về nhận nhiệm vụ, trường mới đi vào hoạt động được 2 năm, toàn trường có 10 lớp (4 lớp 8, 3 lớp 9 và 3 lớp 10) với 26 thầy, cô giáo, cán bộ và hơn 500 học sinh.
Trong những năm tháng giảng dạy tại đây, thầy Quang cùng đồng nghiệp và học sinh vượt qua mưa bom, bão đạn di chuyển trường để có thể duy trì việc dạy và học. Chỉ trong mấy năm, trường phải liên tục chuyển địa điểm đến nhiều xã trên địa bàn huyện như Đức Hòa, Đức Lạc, Đức Lĩnh (nay thuộc huyện Vũ Quang) rồi về lại Đức Hòa. Mỗi lần chuyển trường là mỗi lần thầy và trò phải bắt tay làm lại từ đầu.
Nhà giáo Bùi Xuân Tân - học sinh lớp 10E (khóa 1968 - 1970, Trường cấp 3 Đức Thọ do thầy Quang chủ nhiệm) nhớ lại, lớp học trong những năm tháng này chỉ là tranh tre nứa lá, điều kiện dạy và học vô cùng khó khăn, thiếu thốn, thường xuyên phải đối mặt với sự hiểm nguy bởi bom đạn của quân địch. Mặc dù sức khỏe yếu, nhà nghèo nhưng thầy Quang hết lòng thương yêu, chăm lo giáo dục các thế hệ học sinh. Có những ngày, thầy trò thiếu ăn phải ra sông Ngàn Sâu để kiếm con cá, con tôm cải thiện. Ban ngày sợ máy bay Mỹ phát hiện nên đêm đến thầy lại rọi đèn cho từng học sinh thả câu.
“Thầy Quang thương học sinh vô cùng. Chúng tôi nhà xa, ở trọ tại xóm Quang Tân (Đức Lĩnh, Vũ Quang), thầy đã thay mặt cha mẹ đến từng nhà trọ của học sinh gặp chủ nhà để cảm thông và nhận trách nhiệm với từng gia đình. Chúng tôi coi thầy như cha”, nhà giáo Tân xúc động kể.
Mặc dù thời điểm đó gian khó nhưng với nhiệt huyết của thầy, sự nỗ lực ham học hỏi của trò, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích cao. Hằng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp ra trường hơn 90%, nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và toàn miền Bắc, nhiều học sinh được cử đi học tập ở nước ngoài.
Đáp nghĩa thầy giáo cũ
Thương thầy ở nhà tạm bợ, năm 1969, trường chuyển về xuôi, học trò Bùi Xuân Tân và mấy bạn nam tuổi đời mới 16, 17 tuổi đã mạo hiểm làm một chuyến bè gỗ tạp và tre nứa chạy về bến Đò Hào (Yên Hồ, Đức Thọ) cất cho thầy Quang một nếp nhà nhỏ. Dấu tích ngôi nhà sau này vẫn còn, cho đến năm 1982 thầy Quang mới có dịp sửa lại.
Năm 1972, thầy Quang chuyển về công tác tại Trường cấp 3 Trần Phú (nay là Trường THPT Trần Phú, Đức Thọ). Tại đây, thầy tiếp tục sự nghiệp cầm phấn cho đến khi qua đời ở tuổi 53.
Cựu giáo viên Trần Thị Xuân (phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh đồng nghiệp của thầy Quang tại Trường cấp 3 Trần Phú) cho biết, mặc dù ốm đau, nghèo khó nhưng thầy Quang luôn cố gắng truyền đạt kiến thức cho học trò. Thầy qua đời để lại người vợ ốm yếu với đứa con trai nuôi nhỏ dại, hai cô con gái lấy chồng xa, kinh tế khó khăn.
Ngày thầy Quang mất, sau khi lo xong đám tang, lớp trưởng Nguyễn Xuân Bình cùng học sinh lớp 10A (khóa 1974 - 1977, Trường cấp 3 Trần Phú do thầy Quang chủ nhiệm) đã cùng nhau góp tiền xây dựng mộ thầy cao ráo, khang trang ở nghĩa trang Làng Nghe (Đức Thọ). Trên mộ có đề 2 câu thơ lục bát: “Âm dương cách biệt xa vời/ Tình thầy nhớ mãi đời đời không quên”.
Từ khi thầy Quang qua đời, học sinh cũ thường xuyên thăm hỏi gia đình, chăm sóc mộ phần vào những dịp giỗ, Tết. Họ đã lập cho vợ thầy một sổ tiết kiệm để có tiền sinh hoạt. Còn cậu con trai nuôi của thầy cũng được học trò cũ quyên góp tiền tổ chức lễ cưới chu đáo.
Giữa năm 2023, khi học trò cũ về thắp hương tại lễ giỗ 40 năm của thầy Quang. Nhìn căn nhà hơn 50 năm trước do học trò Bùi Xuân Tân cùng các bạn dựng lên nay đã hư hỏng, xiêu vẹo. Vợ thầy cũng mất từ lâu, các con của thầy vì điều kiện quá khó khăn không thể tu sửa. Các thế hệ học trò đã bàn bạc, thống nhất kêu gọi để xây nhà thờ vợ chồng thầy Quang.
Sau khi phát động, những học sinh lớp 10B, khóa 1980 - 1983, Trường cấp 3 Trần Phú đã chung tay góp tiền. Ngoài ra, nhiều học sinh cũ của thầy ở khắp mọi miền biết tin đều đóng góp. Khoảng 1 tháng sau ngày giỗ ấy, ngôi nhà thờ được xây dựng ngay trên mảnh vườn xưa của vợ chồng thầy Quang, với kinh phí hơn 300 triệu đồng. Nhà thờ được hoàn thiện và khánh thành đúng vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2023.
Tại lễ khánh thành, nhà giáo Bùi Xuân Tân đã thay mặt các thế hệ học trò của thầy Quang làm đôi câu đối để treo ở nhà thờ thầy Quang như sau: “Tuổi năm ba thầy vội quy tiên/ Đồng nghiệp, học trò ngẩn ngơ trăm lối nhớ/ Xuân tám sáu chị rời cõi tục/ Xóm làng, con cháu xa xót vạn đường thương”.
Ông Nguyễn Văn Dũng (cháu ruột của thầy Quang) cho biết, tình cảm và sự tri ân của các thế hệ học trò đối với gia đình thầy Quang khiến người thân và dân làng xúc động. Ngày nhà thờ khánh thành, rất đông học trò, dân làng và các cán bộ huyện xã đến dâng hương. Bài điếu của học trò cũ khóa 1968 - 1970 Trường cấp 3 Đức Thọ khiến nhiều người bật khóc. Dân làng Yên Hồ cũng xem đây là công trình biểu tượng cho tình nghĩa thầy trò, đạo làm người của sĩ tử ở đất học Hồng Lam.