Người thầy thay đổi cuộc đời tôi

GD&TĐ - Cảm ơn thầy đã nhẫn nại dạy dỗ và dìu dắt em trong những năm tháng ấy để em có được những niềm vui ngày hôm nay.

Tác giả về thăm thầy Nguyễn Văn Tuân dịp 20/11/2023. Ảnh: NVCC
Tác giả về thăm thầy Nguyễn Văn Tuân dịp 20/11/2023. Ảnh: NVCC

Nhắc về những kỷ niệm dưới mái trường, lòng tôi lại rưng rưng nhớ thầy, người giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của tôi tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Hình ảnh thầy nằm nghỉ trên ghế đá lúc 2 giờ sáng ngoài hành lang lớp học đã theo tôi nhiều năm cho đến tận bây giờ.

Thầy tôi là Nguyễn Văn Tuân, giáo viên môn Lịch sử. Hồi thầy mới nhận lớp, trong suy nghĩ của tôi và các bạn, thầy cực kỳ khó tính và nghiêm khắc. Buổi học nào thầy cũng yêu cầu cả lớp trả bài cũ. Môn Lịch sử trở thành môn “khó nhai, khó nuốt” và là nỗi ám ảnh trong 15 phút truy bài đầu giờ của chúng tôi. Tôi học hệ bổ túc ban đêm tại Trung tâm khóa 2005 - 2008.

Ban ngày, tôi làm công nhân ở công ty, còn buổi tối, tôi về trường học từ 18 - 22 giờ. Dù tôi có đam mê nhưng đôi lúc cũng không thể chiến thắng cơn buồn ngủ ập đến giữa tiết học của thầy. Bởi vậy, tôi từng rất sợ phải đứng lên đối diện thầy trước những câu hỏi: “Quân ta thắng lợi bao nhiêu? Quân địch tổn thất như thế nào?...”.

Thế nhưng cũng trong năm học cuối cấp ấy, thầy đã để lại trong chúng tôi những phút giây xúc động không thể nào quên. Thầy luôn theo sát để nhắc nhở, hỗ trợ từ học hành, đến các cuộc thi phong trào do nhà trường tổ chức. Thầy trò có những khoảng thời gian trò chuyện, sẻ chia, và tình thương cứ thế lớn dần.

Thầy thương chúng tôi phải xa cha, xa mẹ tự lập từ sớm. Thầy thương chúng tôi dù phải vất vả làm việc suốt một ngày tám tiếng vẫn khát khao đi tìm con chữ sau tiếng chuông tan ca. Thầy thương những chiếc áo xanh công nhân sau giờ tan tầm vội chuyển thành áo trắng để chạy về trường bám đuổi ước mơ.

Thầy tâm lý biết lớp trẻ ngày càng sợ học môn Lịch sử nên trước mỗi tiết học, thầy đều soạn giáo án kỹ càng. Thầy không chỉ dạy kiến thức trong sách giáo khoa mà luôn lồng vào bài giảng các câu chuyện sinh động, chân thực từ những nhân chứng sống của lịch sử để khơi gợi hứng thú cho chúng tôi.

Thầy hướng dẫn chúng tôi nên xem phim tài liệu về lịch sử, tham quan bảo tàng, di tích địa chỉ đỏ, nơi ghi dấu những trang sử vàng của dân tộc để được nghe thuyết minh, nhìn thấy hiện vật, từ đó sẽ khơi dậy niềm tự hào và tình yêu lịch sử bên trong mỗi người. Dần dần, tôi và các bạn có cảm hứng học và yêu môn Sử lúc nào không hay.

Ngoài những giờ giảng bài trên lớp, thầy thường xuyên động viên và dặn dò chúng tôi: “Bằng nỗ lực của bản thân, các em đến được đây đã là điều quý giá. Cho dù sau này không thành công, cũng thành nhân. Sống trong xã hội dù làm công việc gì, đứng ở vị trí nào, mình cũng phải giữ được chữ tâm…”.

Lớp tôi lúc đó ai cũng mơ mộng với những dự định tươi đẹp phía trước, đứa mơ làm ca sĩ, đứa mơ làm diễn viên…; còn riêng tôi mơ được đứng trên bục giảng làm cô giáo dạy Văn. Ước mơ sao nghe xa vời với những người công nhân học bổ túc ban đêm nhưng chúng tôi vẫn mơ để duy trì động lực mà cố gắng.

Vào mùa thi, vì chúng tôi không có nhiều thời gian ôn tập, thầy đã xin hiệu trưởng cho lớp được ở lại trường sau giờ học chính. Hôm đó ôn bài xong, nhìn đồng hồ đã 2 giờ sáng, tôi ra hành lang để thư giãn. Trước mắt tôi là hình ảnh thầy đang nằm nghỉ ở băng ghế đá. Dáng thầy mảnh khảnh trong bộ quần tây, áo sơ mi nằm nghiêng người trên ghế làm lòng tôi nặng trĩu, khóe mắt cay cay.

Người thầy khó tính, nghiêm khắc hôm nào của chúng tôi, người thầy với giọng nói hào sảng trong các bài giảng về lịch sử nước nhà đã ẩn mình vào dáng vóc một người cha già đang đồng hành cùng các con chinh phục ước mơ. Thật may mắn cho tôi trong những năm tháng tuổi trẻ xa nhà lập nghiệp, đôi lúc tủi phận vì không có cha mẹ ở gần động viên chăm sóc, đã gặp được thầy. Hình ảnh ấm áp thương yêu ấy, tôi lưu kỹ trong tim mình.

Trong khoảnh khắc đó, tôi chợt tự hỏi tại sao thầy phải tận lực với chúng tôi như thế, với những đứa học trò nghèo ban ngày đi làm công nhân, tối về mang cái bụng đói đến lớp giằng xé từng phút với cơn buồn ngủ điên cuồng. Thầy đã luôn ở bên khích lệ tinh thần, động viên chúng tôi cố gắng nhiều hơn nữa. Thầy mong nếu không đậu đại học, chúng tôi cũng có thể tốt nghiệp bổ túc trung học hay vào học ở các trường trung cấp nghề…

Khi ấy, tôi tự hứa với bản thân sẽ không để thầy thất vọng. Cứ như thế, tôi đã mang vào phòng thi cả ước mơ của tôi cùng bao tâm sức của thầy. Giây phút nhận được thông báo đỗ tốt nghiệp với điểm 9 môn Sử, nước mắt tôi rơi lưng tròng. Tôi khóc vì mình đã làm được. Có thể với nhiều người, đậu tốt nghiệp cấp ba không có gì đáng tự hào nhưng với tôi đó là một hành trình nỗ lực.

Trên hành trình ấy, bao nhiêu giọt nước mắt của tôi đã rơi trên giấy, bao nhiêu giọt mồ hôi của tôi đã thấm ướt chiếc áo công nhân, đã bao lần tôi muốn bỏ cuộc vì áp lực. Thế nhưng nhờ thầy luôn động viên: “Ngọn núi này cao sẽ có những ngọn núi khác cao hơn, chúng ta không sợ đi chậm mà chỉ sợ dừng bước” tôi vẫn từng bước cố gắng và trở thành sinh viên của giảng đường đại học.

Khi ấy, tôi vừa là cô sinh viên cũng vừa là một cô nhân viên bán hàng, có khi là nhân viên phát tờ rơi. Cuộc sống khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ bỏ cuộc mà luôn nhắc nhở mình cố gắng như lời thầy dạy năm xưa.

Mỗi khi có dịp, tôi luôn tranh thủ sắp xếp về gặp thầy, để ăn bữa cơm cùng thầy. Năm tháng hanh hao, mái tóc thầy đã điểm bạc, vầng trán cao khi xưa đã xếp gấp nhiều nếp nhăn… Trải qua hơn mười năm, thầy vẫn nhớ và gọi tên khiến tôi không giấu nổi giọt nước mắt hạnh phúc.

Tuy hiện tại tôi không phải một cô giáo dạy Văn đứng trên bục giảng như ước mơ năm nào, mà là một cô nhân viên thư viện của trường học, không thể trực tiếp truyền tải kiến thức đến các em học sinh, nhưng tôi là người hậu cần mang thông tin tri thức từ tài liệu, sách báo để phục vụ công tác dạy và học tại trường. Ước mơ không trở thành hiện thực cũng không sao, tôi vẫn trân trọng hiện tại của mình như lời thầy dạy năm xưa: “Sau này dù các em làm gì, đứng ở vị trí nào, vẫn phải giữ cho mình được chữ tâm, tâm vui rồi đời sẽ vui, yêu nghề rồi nghề sẽ yêu mình…”.

Cảm ơn thầy đã nhẫn nại dạy dỗ và dìu dắt em trong những năm tháng ấy để em có được những niềm vui ngày hôm nay. Em xin gửi tới thầy câu cảm ơn mà suốt hơn mười năm em chưa thể nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ