Hơn ai hết, bằng sự hiểu biết của mình cha mẹ sẽ là người giúp trẻ hòa đồng với môi trường mới nhanh chóng và hiệu quả. Diễn giả, TS Vũ Việt Anh - Giám đốc Học viện Thành Công đã trao đổi cùng Báo GD&TĐ xung quanh các vấn đề trên.
+ Từ bậc mầm non lên tiểu học là một bước chuyển tổng thể về tâm sinh lý. Ông có thể cho biết những đặc điểm tâm sinh lý cơ bản của trẻ khi bước vào lớp 1 - cánh cửa đầu đời?
Đây là một giai đoạn chuyển tiếp hết sức quan trọng đối với trẻ, trẻ đang từ môi trường chủ yếu là học, chơi tự do sang việc học có kỷ luật và học có định hướng. Ở bậc mầm non các con được chơi nhiều hơn, tự do hơn, thoải mái đi lại, không bắt buộc phải ghi nhớ nhiều, không phải kiểm tra, nhắc nhở đôn đốc mà chủ yếu được vui chơi, ca hát, đi lại tự do, được khen ngợi, khích lệ, động viên nhiều.
Còn khi lên tiểu học các con bắt đầu phải học kỷ luật, nề nếp, phải cẩn thận, nắn nót hơn, không được tự do đi lại trong lớp, ít được chơi hơn, học tập nhiều hơn, bắt đầu bị kỷ luật, khiển trách, nhắc nhở, có kiểm tra bài, có ghi nhớ, tuân thủ quy tắc mà bố mẹ, thầy cô dặn dò. Vì vậy các con rất dễ bị rụt rè, nhút nhát, lo lắng và thậm chí “sợ hãi” môi trường tiểu học.
Nhìn chung đây là một giai đọan biến đổi “to lớn” đối với trẻ.
+ Theo ông, trước khi trẻ bước vào lớp 1 cha mẹ cần chú ý chuẩn bị cho những điều gì để trẻ sớm thích nghi với môi trường mới?
Chuẩn bị quan trọng nhất với các con lúc này là chuẩn bị tâm lý. Các bậc phụ huynh nên cho con đến trường mà con dự kiến theo học, trước khi vào học chính thức để con làm quen với môi trường mới, theo dõi, quan sát các anh chị đang học tập tại đó để trẻ tò mò, khám phá và thích nghi dần với môi trường mới. Nếu được các phụ huynh cũng nên gặp gỡ giáo viên của con mình trước để tìm hiểu phong cách giảng dạy của thầy cô, trao đổi với thầy cô về đặc điểm, tính cách của con mình để thống nhất được phương pháp giáo dục phù hợp với con mình (ví dụ: Có bạn cần phải động viên, khích lệ trong khi có bạn phải đưa ra thách thức, nghiêm khắc..).
Tiếp đến cha mẹ cũng phải rèn luyện cho con một số kỹ năng về tập trung, lắng nghe, nề nếp, thói quen tuân thủ giờ giấc quy định, các tư thế ngồi học đúng, cách cầm bút và khả năng khéo léo của đôi tay, nhắc nhở các con cách thức chuẩn bị và bảo quản đồ dùng cá nhân. Dạy con hòa đồng, nhớ tên các bạn bè một cách vui vẻ, hài hước và đặc biệt cần dạy con cách tự lập, tự bảo vệ, phòng chống xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, vui chơi an toàn là thiết thực nhất. Như vậy đã là quá nhiều rồi nhỉ?
+ Rất nhiều gia đình lo lắng con không theo kịp chương trình đã ép, hoặc cho con đi học trước tập đọc, viết, làm tính. Điều này có cần thiết không? Và lợi hại ra sao đối với trẻ?
Đó là sự chuẩn bị sai lầm, khi bước vào tiểu học với những áp lực trên, trẻ đã có quá nhiều căng thẳng mệt mỏi rồi, lại bị nhồi nhét kiến thức và những điều quá trừu tượng sẽ làm cho các con càng sợ hãi việc học hành hơn. Giai đoạn này bố mẹ cần kiên trì giúp con thích nghi và có hứng thú với việc học và môi trường mới. Thậm chí tôi có biết những phụ huynh đã đàm phán với nhà trường việc trang trí phòng học gần gũi, thân thiện hơn theo sở thích của các con để các con coi lớp học như ngôi nhà của mình, cùng chung tay tạo dựng.
Chuẩn bị vững vàng tâm lý trước khi trẻ bước vào lớp 1 |
+ Bản thân cha mẹ cần chuẩn bị tâm thế, hiểu biết, kiến thức ra sao để vừa hỗ trợ trẻ bước vào lớp 1 tốt và không bị áp lực, stress khi gặp phải những tình huống, ứng xử bất thường của trẻ?
Người Đức có câu nói: “Thời điểm tốt nhất để dạy một đứa trẻ là 20 năm trước khi đứa trẻ ra đời”. Điều này muốn nhắc nhở các bậc phụ huynh muốn dạy được con thì phải tự dạy mình trước đã, cần học hỏi, tham khảo, đọc sách, dự các buổi hội thảo về nuôi dạy con để biết được các kiến thức và tâm lý lứa tuổi. Có kiến thức tốt là chìa khóa để giúp con tự tin bước vào đời. Tôi và chắc chắn nhiều diễn giả, các nhà giáo dục khác sẽ luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành cùng các bậc phụ huynh trong tương lai bằng các buổi hội thảo, kháo học, tài liệu của mình.
Hãy khen con ngay khi con làm đúng một việc gì đó, bằng lời nói, bằng cử chỉ, hành động, bằng ánh mắt trìu mến yêu thương... như ra dấu tay number one, đập tay, mỉm cười. Hãy khen con vào những chi tiết độc đáo duy nhất của con. Hãy khen con từ chi tiết nhỏ nhất. Ví dụ: Chữ này con viết đúng rồi, đẹp quá, những chữ kia mà con cũng viết được như thế thì thật tuyệt, con nỗ lực được chứ?...