Dạy thật - Học thật - Thi thật - Kết quả thực chất

GD&TĐ - Theo kế hoạch thời gian năm học của ngành, phải đến 25/5 mới hoàn thành chương trình giảng dạy và học tập các môn học. Tuy nhiên, không khí chuẩn bị thi tốt nghiệp đang nóng dần lên trong các trường THPT trên cả nước. 

Trong giờ học ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai
Trong giờ học ở Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Lào Cai

Vào thời điểm này, vấn đề đặt ra cho các Sở GD&ĐT là chỉ đạo các trường THPT đảm bảo dạy hết chương trình lớp 12 của tất cả các môn, đồng thời chuẩn bị kế hoạch ôn thi tốt nghiệp cho học sinh sau khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Hướng tới kết quả thực chất

Ngay từ đầu tháng Ba, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các trường THPT, TTGDTX về công tác tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp cho học sinh với tư tưởng xuyên suốt: “Dạy thật, học thật, thi thật, kết quả thực chất”. 

Theo đó kế hoạch giảng dạy, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, ôn thi của các trường từ nay đến cuối năm phải đảm bảo phương châm: “Không buông lỏng trong kiểm tra, đánh giá học sinh”; đảm bảo dạy và học theo đúng chương trình; thực hiện kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đúng quy định, đúng năng lực, đảm bảo khách quan công bằng và thực chất; Kế hoạch ôn thi phải được tổ chức ở tất cả các môn thi với nội dung phù hợp với năng lực, trình độ của từng học sinh.

Sở cũng yêu cầu nội dung của từng tiết học, buổi học ôn thi phải được đặt dưới sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của nhóm chuyên môn, chương trình ôn thi phải được Hiệu trưởng các trường và Giám đốc TTGDTX xét duyệt. 

Giáo viên có biện pháp, cách thức hướng dẫn ôn tập theo từng đối tượng học sinh và đưa ra phương pháp dạy học phù hợp và hiệu quả đối với học sinh yếu; chú trọng hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tự ôn tập. 

Nội dung ôn thi tập trung vào những kiến thức kỹ năng cơ bản theo Chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng môn học, chủ yếu là chương trình lớp 12; chú trọng việc giúp học sinh thông hiểu và vận dụng kiến thức, kỹ năng.

Cũng có những định hướng chỉ đạo như Lào Cai, Sở GD&ĐT Nam Định đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường tuyên truyền phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, gia đình và các tầng lớp nhân dân để quản lý chặt chẽ việc ôn tập của học sinh trong thời gian tự ôn ở nhà. 

Song song với đó, Sở đã có biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho kỳ thi để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, sự quyết tâm trong cán bộ, giáo viên và học sinh; Phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh tăng cường động viên, khích lệ tinh thần, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học, ôn thi hiệu quả.

Đa dạng hình thức ôn thi

Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại về công tác ôn thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa Lê Tuấn Tứ cho biết: Để đảm bảo các trường tuân thủ thực hiện dạy đủ chương trình theo đúng quy định nên những ngày này ông đã trực tiếp đi kiểm tra tại một số trường THPT trên địa bàn. 

Qua kiểm tra thực tế về sổ sách, chương trình, các trường không có tình trạng cắt xén chương trình dạy học. Sở đã yêu cầu các nhà trường hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng khung kế hoạch thời gian năm học và đảm bảo có ít nhất 37 tuần thực học; Tuyệt đối không được cắt xén chương trình. 

Song song với đó là sớm có kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh. Theo kế hoạch, học sinh lớp 12 trong các trường THPT sẽ được chia ra từng lớp ôn thi theo nguyện vọng đăng kí môn thi tự chọn. 

Hai môn Văn và Toán sẽ được giảng dạy theo hướng dựa trên chương trình thời khóa biểu năm học vừa kết hợp bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. 

“Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tôn trọng sự lựa chọn môn thi của các em và có kế hoạch tổ chức ôn tập tốt nhất để học sinh vừa đạt kết quả thi tốt nghiệp cao nhất vừa có nền tảng kiến thức cho kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH - CĐ” - Thầy Lê Tuấn Tứ khẳng định.

Công tác chỉ đạo, tổ chức ôn tập thi tốt nghiệp của Sở GD&ĐT Hà Nội lại có điểm khác so với nhiều địa phương. Sở GD&ĐT đã phân cấp mạnh cho các trường THPT chủ động thực hiện triển khai ôn thi, tổ chức thi thử. 

Ông Phạm Hữu Hoan - Trưởng phòng GD Trung học Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Trong khi chờ Bộ có hướng dẫn chính thức về công tác thi tốt nghiệp, Sở đã có công văn chỉ đạo các trường trong đó yêu cầu dạy đủ chương trình ở tất cả các môn. 

Các trường THPT trên địa bàn phải đảm bảo tổ chức học tập ổn định ở tất cả các môn học, không cắt xén chương trình, không đảo lớp, tách lớp khác với sự sắp xếp từ đầu năm. 

Kết hợp với việc dạy hoàn thành chương trình lớp 12 với mục đích ôn tập phù hợp đối với học sinh có nguyện vọng đăng ký môn thi. 

Cùng với đó Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trương không tổ chức thi thử, công việc này giao cho các trường THPT tự tổ chức thi và lựa chọn đề thi; Thời gian và kế hoạch thi thử đều do các trường chủ động sắp xếp trên cơ sở phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.

Trong kế hoạch ôn tập cho học sinh, Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có nét khá đặc biệt. Thầy Vũ Đình Hà - Phó Hiệu trưởng - cho biết: 

“Nhà trường sẽ tổ chức 3 lớp học Toán, Văn và Ngoại ngữ cho những học sinh chưa chăm ngoan, chưa cần cù trong học tập. 

Hàng năm, mỗi lớp như thế có khoảng 12 - 14 học sinh theo học dưới sự chủ nhiệm trực tiếp của các Phó hiệu trưởng và do các thầy, cô giáo bộ môn giỏi chuyên môn giảng dạy đảm nhiệm. Sau bồi dưỡng, chất lượng học sinh đều được nâng lên rất nhiều và có thể đạt điểm yêu cầu trong kỳ thi tốt nghiệp”.

Nhiều lưu ý cho kỳ thi thử

Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa Lê Tuấn Tứ cho biết: Để tạo điều kiện cho học sinh cọ xát với không khí trường thi, đề thi nên Sở chủ trương khuyến khích các trường tổ chức thi thử dưới sự chỉ đạo cụ thể của Sở về thời gian. 

Tổ chức thi thử lần một, nếu trường nào cảm thấy chưa đạt yêu cầu đề ra sẽ được tổ chức thi thử tiếp lần thứ hai. Như vậy tính thêm đợt thi, kiểm tra cuối kỳ hai được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức, tại Khánh Hòa học sinh có thể sẽ được “tập dượt” 3 lần thi. Chủ trương này đã được hiệu trưởng các trường THPT ủng hộ.

Với tinh thần trên đây, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP Nha Trang) sẽ tổ chức ôn thi cho học sinh sau ngày 14/4 nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định theo kế hoạch thời gian năm học. 

Sau thời gian này, 735 học sinh lớp 12 của trường sẽ được phân lớp ôn thi theo nguyện vọng đăng ký môn thi tự chọn. Nhà giáo Trần Duy Nhụ - Hiệu trưởng - chia sẻ: 

Năm nay, do giảm số môn thi nên công tác tổ chức ôn thi, áp lực ôn tập của học sinh đã được giảm xuống rất nhiều. Đến đầu tháng Năm nhà trường sẽ tổ chức thi thử cho các em làm quen với kỳ thi. Đề thi sẽ do trường tự ra dựa trên cơ sở Chuẩn kiến thức kỹ năng các môn thi và ngân hàng dữ liệu đề thi. 

Năm nay theo phương án thi của Bộ GD&ĐT, đề thi trắc nghiệm môn tiếng Anh có thêm phần viết luận nên trong quá trình ôn thi, giáo viên nhà trường cũng chú trọng rèn luyện kỹ năng này cho học sinh. Đồng thời trong kỳ thi thử, phần viết luận sẽ được đưa vào đề thi tiếng Anh để học sinh làm quen với phương thức thi mới này.

Không có kế hoạch tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho các em HS ở quy mô toàn tỉnh, Sở GD&ĐT Tuyên Quang đã giao công tác này cho các nhà trường chủ động, trên cơ sở bộ đề thi do Sở ban hành. 

Theo yêu cầu của Sở, việc các trường tự tổ chức đợt thi thử nhằm tập dượt đồng loạt tất cả các khâu: Chuẩn bị cơ sở vật chất, in sao đề, bảo mật đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi... để tránh những sai sót nhỏ không đáng có trong kỳ thi chính thức.

Về hướng ra đề (cho kỳ thi thử), Sở GD&ĐT Lào Cai đã chủ trương: Giáo viên trên cơ sở nghiên cứu kỹ cấu trúc đề thi của những năm trước đây để có phương pháp ra đề kiểm tra kiến thức phù hợp với học sinh.                                                                                                                                                                                                   Đặc biệt là những câu hỏi mở nhằm phát huy khả năng tư duy, liên hệ thực tế của học sinh; đồng thời kết hợp các hình thức kiểm tra, đánh giá đúng năng lực, trình độ của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ