Kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024)

Học tập từ Ngã ba Đồng Lộc

GD&TĐ - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng Ngã ba Đồng Lộc mãi là biểu tượng về lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất của dân tộc.

Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Cẩm Minh dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc.
Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Cẩm Minh dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc.

Câu chuyện về lòng kiên trung, gan dạ, sự hy sinh của những người con nơi đây đã trở thành khúc tráng ca bất tử, vang mãi trong trái tim thế hệ trẻ hôm nay.

Ngã ba rèn gan, luyện chí

Đầu năm 1968, Quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị bom đạn đế quốc Mỹ phá hủy và khống chế. Ngã ba Đồng Lộc trở thành yết hầu của mạch máu giao thông Bắc - Nam - nơi mọi chuyến vận chuyển bằng ô tô chi viện vào chiến trường miền Nam đều phải đi qua. Vì thế, nơi đây bị đối phương tập trung đánh phá dồn dập.

“Với Ngã ba Đồng Lộc, giáo dục không chỉ cung cấp kiến thức mà còn là sự nuôi dưỡng tâm hồn. Từ đó các em học sinh hiểu và tô thắm thêm lòng tự hào, yêu quý đất nước. Đó còn là những bài học về lòng dũng cảm, khát vọng sống, sự kiên trì và lòng yêu thương thân thiết với mọi người xung quanh”. - Thầy Đặng Bá Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT DTNT Hà Tĩnh

Với ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, hàng vạn người dân đã cùng đánh địch, bảo đảm giao thông vận tải. Với khẩu hiệu “địch phá ta sửa ta đi, địch lại phá ta lại sửa ta đi”, “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “nghiêng nồi bớt gạo chi viện chiến trường”... mỗi người dân đã trở thành chiến sĩ, từng làng mạc trở thành trận địa, mỗi trọng điểm giao thông trở thành pháo đài bám máy bay đối phương mà đánh.

Ngã ba Đồng Lộc trở thành một trận địa cho sự rèn luyện bản lĩnh, tinh thần chiến đấu của lực lượng thanh niên xung phong, người dân cùng với các lực lượng khác. Một đoạn đường bị bom phá, hàng chục đoạn đường khác được sinh ra.

Theo thống kê, từ tháng 4 đến tháng 10/1968, Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất nơi đây gánh trên 3 quả bom.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Ngã ba Đồng Lộc có sự góp mặt của hàng vạn con người, tất cả đều xứng đáng gọi một tên gọi chung “những người con anh hùng”. Tiêu biểu trong đó là sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong - “những đôi mắt hồn nhiên bỗng nhiên khép lại để những giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn cho người ở lại”. Họ đã mãi ra đi ở tuổi thanh xuân, nhưng sức sống mãnh liệt vẫn tiếp tục đọng lại, dẫn dắt, truyền cảm hứng cho những thế hệ sau về một khát khao hòa bình, độc lập vẹn toàn.

Năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đến năm 2013, nơi đây được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Năm 2020, được công nhận thành điểm du lịch văn hóa tâm linh cấp tỉnh. Đây là cơ sở để Ngã ba Đồng Lộc phấn đấu trở thành điểm du lịch cấp Quốc gia.

Ngày nay, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành “địa chỉ đỏ” - lớp học trực quan giáo dục về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

hoc tap tu nga ba dong loc (4).jpg
Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.

Điểm đến tinh thần quan trọng

Mỗi năm, Trường Tiểu học Cẩm Minh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đều tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm. Điểm đến không thể thiếu là Ngã ba Đồng Lộc. Hoạt động này nhằm thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh lĩnh hội kiến thức từ khám phá thực tế đời sống thông qua trải nghiệm.

Thầy Võ Sỹ Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Minh cho biết, tháng 5 vừa qua, hơn 300 giáo viên, học sinh đã đến Ngã ba Đồng Lộc. Mọi người rất xúc động khi được xem phim tài liệu, tham quan phòng trưng bày hiện vật. Một trong những hoạt động gây ấn tượng nhất với các em là “mục sở thị” sa bàn tái hiện toàn cảnh lịch sử chiến đấu ác liệt và bất khuất của quân dân tại tuyến lửa.

“Cũng tại đây, giáo viên và học sinh đã thắp những nén tâm nhang bày tỏ lời tri ân, tưởng vọng đến các liệt sĩ đã ngã xuống cho nền độc lập hôm nay. Những chuyến đi về nguồn là dịp để giáo viên và học sinh soi mình, tự thấy bản thân cần có trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước”, thầy Cương xúc động nói.

hoc tap tu nga ba dong loc (3).jpg
Trải nghiệm ứng dụng công nghệ số tại Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.

Nhớ lại chuyến đi ý nghĩa, Nguyễn Thùy Linh (Trường Tiểu học Cẩm Minh) cho biết, được tham quan và nghe thuyết minh giúp em có thêm kiến thức về lịch sử. Thùy Linh cũng bày tỏ mong muốn, hoạt động thăm các địa chỉ đỏ sẽ được nhà trường duy trì, lan tỏa để có nhiều hơn những bạn khác được tham gia, trải nghiệm.

Lê Đặng Diệu Châu (lớp 12, Trường THCS & THPT DTNT Hà Tĩnh) không khỏi xúc động nói: “Qua những trang sách, bài báo, thước phim em đã thuộc lòng về lịch sử nơi đây. Nhưng khi đến thực tế, em có thêm nhiều cảm nhận mới mẻ, những cảm xúc không thể diễn tả thành lời. Từ đó, em càng tự hào hơn về lịch sử quê hương và cố gắng học tập, rèn luyện để xứng đáng là người con của mảnh đất anh hùng”.

Từng nhiều lần dẫn học sinh tham quan các địa chỉ đỏ, thầy Đặng Bá Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THCS & THPT DTNT Hà Tĩnh cho hay, giáo dục truyền thống cho học sinh tại Ngã ba Đồng Lộc không chỉ dừng lại ở việc kể lại những chiến công, trận đánh, mà còn lan tỏa các giá trị văn hóa, tinh thần được lưu giữ nơi đây.

“Ngã ba Đồng Lộc luôn là điểm đến tinh thần quan trọng. Đó là nơi mà học sinh, thế hệ trẻ được học hỏi, lớn lên và nuôi dưỡng những giá trị cao đẹp của dân tộc. Đó cũng là nơi mà truyền thống về sự hy sinh và lòng yêu nước được chắt chiu và đưa vào lòng mỗi người. Qua trải nghiệm sẽ mang lại tinh thần vững chắc, khích lệ mọi người vượt qua khó khăn, gắn kết và phát triển cộng đồng”, thầy Hải nói.

hoc tap tu nga ba dong loc (1).jpg
Những bông hoa cúc trắng được dâng lên mộ 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong.

Ứng dụng công nghệ

Được biết, từ đầu năm đến nay, có hơn 18.500 đoàn với gần 315.000 lượt du khách về với Ngã ba Đồng Lộc. Những ngày tháng 7, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc đón tiếp hàng nghìn lượt khách thập phương đến viếng thăm mỗi ngày, trong đó có rất nhiều đoàn là học sinh, sinh viên. Khi tới đây, các thế hệ trẻ đều bày tỏ sự xúc động đối với câu chuyện, hiện vật lịch sử.

Để góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu du khách, đồng thời số hóa di tích trong bối cảnh chuyển đối số hiện nay, tháng 1/2023, BQL Khu di tích đã ứng dụng hệ thống thiết bị chuyển đổi số vào hoạt động tại không gian nhà truyền thống.

Hệ thống bao gồm 4 hạng mục: Màn hình cảm ứng 32 inch và thiết kế lập trình giới thiệu về Ngã ba Đồng Lộc; hệ thống trình chiếu thông tin bằng nút bấm và lập trình nội dung giới thiệu tiểu sử, cuộc đời của 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc; hệ thống mapping tương tác trình chiếu thông điệp vì hòa bình đến khách tham quan; lập trình tham quan Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc qua công nghệ VR 360 từ mã QR.

Sau hơn một năm đưa vào sử dụng, hệ thống chuyển đổi số đang thu hút đông đảo du khách trải nghiệm và nhận về những phản hồi tích cực. “Em thấy ứng dụng này rất thú vị và dễ dàng chỉ với một vài thao tác trên màn hình cảm ứng. Nhờ đó, em đã có thể biết được thông tin về cuộc đời, tiểu sử của 10 nữ TNXP hay những thông tin cần biết về khu di tích. Không chỉ vậy, những bài thơ, bài hát và các hạng mục công trình đều có trên màn hình”, Hồ Khánh Ly (lớp 12, Trường THPT Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh) vừa hào hứng nói vừa bấm nút.

Chỉ sau vài giây, thông tin về 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc hiện lên qua hệ thống trình chiếu thông tin gồm: Những bức ảnh màu được phục dựng; thông tin về cuộc đời, tính cách được trình bày đầy đủ, giúp người tham quan dễ hiểu, dễ nhớ.

“Không chỉ vậy, du khách có thể lưu lại những dòng cảm xúc của mình khi đặt chân đến Ngã ba Đồng Lộc qua ứng dụng chia sẻ cảm xúc, hay tìm hiểu kiến thức thông qua trò chơi trả lời câu hỏi trắc nghiệm”, chị Vương Thị Thương - thuyết minh viên tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc giải thích thêm.

Ngoài ra, khi bước đến tham quan mô hình mô phỏng lúc các nữ TNXP đang làm nhiệm vụ, cảm biến hệ thống sẽ tương tác trình chiếu thông điệp vì hòa bình đến khách tham quan. Những chiếc máy bay xuất hiện trên bầu trời mang đến thông điệp hòa bình của đại thi hào Victor Hugo: “Hòa bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác”.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Trường THCS Tân Vịnh (huyện Lộc Hà) chia sẻ: “Nhờ công nghệ số, việc tiếp cận thông tin về Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc nhanh chóng, dễ dàng hơn. Qua mã QR của Zalo, tôi cũng xem được toàn bộ nội dung, hình ảnh về địa điểm mình tham quan, trong đó có cả tiếng Việt và tiếng Anh, thuận tiện cho du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, những hình ảnh công nghệ tạo hứng thú đối với việc trải nghiệm thực tế của các em học sinh”.

Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng phối hợp với các doanh nghiệp triển khai xây dựng, lắp đặt các bảng gắn mã QR thông tin khu di tích. Trong mỗi bảng mã không chỉ có không gian thực tế ảo công nghệ VR 360 mà còn có các Infographic song ngữ Việt - Anh, video giới thiệu về lịch sử và câu chuyện của “địa chỉ đỏ” anh hùng. Các mã QR này cũng được tuyên truyền, lan tỏa rộng rãi trên mạng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách ở xa muốn tìm hiểu về khu di tích.

“Hiện nay Ban Quản lý đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thông tin, tuyên truyền đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội. Thông qua các ứng dụng số, những câu chuyện lịch sử, tư liệu, hiện vật, hình ảnh về khu di tích sẽ được đưa đến gần hơn nữa với thế hệ trẻ và đồng bào cả nước. Qua đó, góp phần ươm mầm tình yêu lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, sự trân trọng, tri ân các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc”, ông Đặng Quốc Vũ, Trưởng ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết.

Thông tin từ BQL Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, hướng đến 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, 56 năm chiến thắng Đồng Lộc, tưởng niệm 56 năm ngày hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, BQL Khu di tích chủ động bố trí 100% cán bộ, nhân viên túc trực làm việc, sẵn sàng đón tiếp, hướng dẫn, phục vụ du khách về dâng hương, tưởng niệm và nghiên cứu, tìm hiểu, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống tại khu di tích.

Ngoài ra, Ban Quản lý cũng tăng cường công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan, sửa chữa, nâng cấp các công trình, xây dựng các triển lãm hình ảnh, tư liệu, hiện vật, công nghệ không gian thực tế ảo; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, ngăn chặn tình trạng bán hàng rong trong khuôn viên khu di tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.