Quỳnh nói: “Thực tế hiện nay, nhiều nơi người dân tích trữ, sử dụng nước mưa ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Do thói quen và thiếu kiến thức về nước sạch nên họ đã sử dụng nước mưa ăn uống trực tiếp, không qua xử lý.
Hơn nữa, người dân ở vùng nông thôn còn khó khăn, các nguồn nước uống hợp vệ sinh lại có giá thành rất cao".
Từ thực tế đó, nhóm xây dựng hệ thống xử lý nước mưa khép kín với các bước: Xử lý mùi và màu của nước mưa thông qua sỏi và than hoạt tính; lọc thẩm thấu, lọc ngược và xử lý vi sinh vật bằng ozon, hoặc phương pháp SODIS sử dụng năng lượng để xử lý vi sinh vật.
Để có nước mưa sạch, các em sử dụng 2 hệ thống lọc. Nước mưa được lọc sơ bằng vải nhằm loại bỏ các bụi, tạp chất có kích thước lớn (bì, lá cây,…) từ các hệ thống thu gom nước mưa (mái nhà, máng xối,…).
Sau đó được chứa trong bể lọc có chứa than hoạt tính. Nước mưa đi từ bể chứa qua hệ thống than hoạt tính sẽ khử được mùi và màu. Nước từ bình chứa vào hệ thống bình lọc thứ nhất có van điều chỉnh theo ý muốn.
Ở hệ thống lọc thứ nhất, nước mưa từ bình chứa sẽ đi qua hệ thống sỏi và than hoạt tính vào bình lọc thứ nhất theo trọng lực.
Do trong bình này có chứa hạt Resin cation hấp thụ lại các anion (ion âm) có trong nước mưa và sau đó đi qua bình lọc thứ hai theo qui luật thẩm thấu và trọng lực.
Nước mưa sau khi qua bình lọc thứ nhất được hấp thụ các anion sẽ vào bình lọc thứ hai, được lọc ngược qua các hạt Resin anion và các cation (ion dương) trong nước mưa được hấp thụ lại. Sau đó tiếp tục qua hệ thống ống vào hệ thống xử lý các vi sinh vật.
Nước mưa sau khi khử mùi, màu ở hệ thống chứa, qua bình lọc thứ nhất và thứ hai, sẽ vào hệ thống xử lý vi sinh vật có chứa máy sục ozon. Ở những nơi không có điện thì sử dụng biện pháp SODIS để tiêu diệt vi sinh vật.
Kết quả kiểm định của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng - Sở KH&CN Cần Thơ cho thấy, các mẫu nước mưa sau khi qua hệ thống lọc đều đạt tiêu chuẩn nước uống của Bộ Y tế.
Thầy Nguyễn Ngọc Hài, giáo viên hướng dẫn nhận xét: “Đề tài Hệ thống xử lý nước mưa khép kín do các em thực hiện rất đơn giản, dễ làm, thân thiện với môi trường, ít tốn kém (chỉ khoảng 1,6 triệu đồng nếu mua thêm máy sục ozôn), hiệu quả cao, có thể áp dụng cho các gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng núi hay các vùng ven biển”.
Ông Phan Văn Hùng, người dân địa phương nhận xét: “Tôi đã uống thử nước mưa lọc qua hệ thống lọc của các em rồi, nước rất trong, có vị ngọt rất dễ chịu”.