Học sinh trở về trường sau thời gian học nhờ: Nhận hỗ trợ tối đa

GD&TĐ - Nhiều học sinh (HS) mắc kẹt tại các địa phương phải “học nhờ” đã trở về nơi cư trú để học tập nhưng cũng không ít em tiếp tục ở lại “vùng xanh” để học trực tiếp.

HS “học nhờ” được nhà trường, GV quan tâm, tạo điều kiện. Ảnh: NTCC
HS “học nhờ” được nhà trường, GV quan tâm, tạo điều kiện. Ảnh: NTCC

Dù học ở đâu, nhà trường, thầy cô đều dành cho các em sự quan tâm và hỗ trợ tốt nhất. 

Đón HS “mắc kẹt” trở lại học tập

“Giữa hoặc cuối học kỳ, nhà trường tiến hành kiểm tra đánh giá HS toàn trường. Tuy nhiên quá trình trở lại học tập, ban giám hiệu đã yêu cầu GV dù dạy trực tuyến cũng có sự quan tâm, chú ý hơn để nắm bắt chất lượng và giúp các em nhanh chóng bắt nhịp học tập với bạn trong lớp…” – cô Lan trao đổi.

Cô Lê Thị Tuyết Lan - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương (Nam Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: 50% trong số 42 HS mắc kẹt tại các địa phương khác đã trở về Hà Nội tiếp tục học online với lớp. Do “học nhờ” kéo dài mới hơn 1 tháng, kiến thức chưa nhiều nên trường chưa tiến hành kiểm tra khảo sát chất lượng.

Đối với 5 HS địa phương khác học nhờ tại trường, sau khi TP nới lỏng giãn cách, gia đình đón về địa phương học tập. Ban giám hiệu đã ký giấy xác nhận kết quả rèn luyện và học tập của HS trong thời gian tiếp nhận chính xác, công bằng, minh bạch, đúng quy định.

Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai - Lao Cai) có 5 HS (từ lớp 2 - 5) bị mắc kẹt tại các địa phương nhưng cuối tháng 9 đã trở về học tập đầy đủ. Đa số các em đều trở về từ “vùng xanh” song vẫn thực hiện cách ly 7 ngày tại gia đình mới tới trường học lại.

Theo cô Trần Thị Minh Chung - Hiệu trưởng nhà trường, việc bắt nhịp với học trực tiếp tại trường của các em không gặp khó khăn bởi khi “học nhờ” ở  địa phương khác đều được học trực tiếp. Ngoài ra, giáo viên (GV) nhà trường thường xuyên kết nối với phụ huynh một mặt động viên thăm hỏi tình hình học tập mặt khác gửi bài tập, hướng dẫn cho HS qua Zalo để tham khảo. Do đó, HS khi quay lại học tập không bỡ ngỡ mà nắm bắt ngay chương trình trên lớp.

Cô Đinh Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) trao đổi: Trường còn 1 HS chưa trở lại và xin “học nhờ” tại Nam Định. Lý do được gia đình đưa ra là không có điều kiện phương tiện học trực tuyến nên tạm thời học nhờ trực tiếp tại Nam Định cho tới khi HS Hà Nội trở lại học trực tiếp sẽ “rút” con về.

Với trường hợp này, GV chủ nhiệm và gia đình vẫn liên hệ để nắm bắt tình hình học tập của HS. Khuyến khích HS dù học trực tiếp tại nơi “học nhờ” vẫn tham gia học trực tuyến theo chương trình của nhà trường. Cùng đó, GV chủ nhiệm theo sát để hỗ trợ kiến thức cho trò nếu vướng mắc trong quá trình học trực tiếp tại Nam Định.

Số HS Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai - Lao Cai) bị “mắc kẹt” tại các địa phương đã trở lại học tập đầy đủ tại trường. Ảnh: NTCC
Số HS Trường Tiểu học Bắc Cường (TP Lào Cai - Lao Cai) bị “mắc kẹt” tại các địa phương đã trở lại học tập đầy đủ tại trường. Ảnh: NTCC

“Né” dịch và học trực tuyến

Dù Hà Nội đã bỏ thực hiện giãn cách, HS có thể trở về địa phương học tập nhưng một số trường hợp vẫn chưa trở về với những lý do riêng. Ví như với HS tỉnh Hà Nam (nơi vừa bùng phát dịch) gia đình vẫn xin “học nhờ” tại trường để đợi địa phương hết dịch mới trở về bởi ở đâu, HS cũng sẽ học trực tuyến.

Với một số trường hợp, gia đình lại quyết định cho HS ở lại “vùng xanh” học tập một năm để “né” dịch và học trực tuyến. Tại Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh – Ninh Bình) đầu khai giảng có 5 HS mắc kẹt phải “học nhờ”. 1 em đã trở về địa phương; 1 HS đến từ Hà Nội (lớp 3) tiếp tục xin “học nhờ”; 3 HS (lớp 1) đang sinh sống ở các tỉnh thành phố khác nhưng có ông, bà nội ngoại tại Ninh Bình đã chuyển hồ sơ về quê học 1 năm.

Theo cô Trần Thị Hợi – Hiệu trưởng nhà trường, lý do các gia đình xin học nhờ và chuyển hẳn HS về học tại trường bởi Hà Nội vẫn dạy học trực tuyến, còn Ninh Bình học trực tiếp. Hơn nữa trẻ đã thích nghi với môi trường học mới nên tiếp tục “học nhờ” tới khi Hà Nội dạy học trực tiếp.

Anh Nguyễn Đức Hiếu, phụ huynh HS Nguyễn Đức Tiến - Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội) đang “học nhờ” tại Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Hoa Lư -Ninh Bình) trao đổi: Dù có thể đón con nhưng HS Hà Nội đang học online sẽ không bằng học trực tiếp tại quê. Cùng đó, nhà trường và GV cũng quan tâm tới trẻ “học nhờ” trong quá trình học tập; công tác phòng chống dịch tại trường lớp tốt... Gia đình hoàn toàn yên tâm với việc học của con và dự định khi HS Hà Nội tới trường học trực tiếp mới đón về...

Trước thực tế, lo lắng và áp lực học trực tuyến không đảm bảo để bắt kịp khi quay lại học trực tiếp, TS tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh (Giám đốc Học viện Thành Công – Hà Nội) chia sẻ: Gia đình và HS cần hiểu rằng việc học diễn ra cả đời chứ không chỉ một thời gian ngắn nên điều quan trọng là sự chủ động của người học dù học trực tuyến hay trực tiếp.

Nếu học trực tiếp mà HS thiếu tính chủ động, học đối phó thì hiệu quả có khi không bằng học tập chủ động với trực tuyến. Trên thế giới nhiều tấm gương thành công nhờ tự học và có kĩ năng học trực tuyến. Vì vậy, gia đình, GV cần khuyến khích HS học tập chủ động, tự học, rèn kĩ năng tự học… để có kết quả tốt.

Không nên phân biệt học trực tuyến hay trực tiếp ở thời điểm này. Mặt khác, các trường cần có kế hoạch khảo sát kiến thức trẻ học trực tuyến và trực tiếp khi “học nhờ” để có cơ sở đánh giá và hỗ trợ kịp thời những kiến thức các em còn yếu, hoặc cần bù đắp…

“Chúng tôi tin rằng nhà trường, thầy cô nơi HS đang “học nhờ” sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các em được học tập, mặt khác sẽ hỗ trợ thủ tục khi HS trở lại Hà Nội học tập. Về phía trường sẽ kiểm tra, khảo sát thực tế chất lượng học tập của những HS “học nhờ”, trên cơ sở đó bù lấp kiến thức còn yếu...” – cô Đinh Phương Anh bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ