Trường học sẽ là nhà cho những cánh chim non côi cút ở Nam Trà My

GD&TĐ - Liên tiếp những trận lở núi kinh hoàng ở Trà Vân, Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) đã khiến nhiều đứa trẻ bỗng chốc mồ côi, không nhà cửa.

Một HS bị thương nặng trong vụ sạt lở ở Trà Leng được lực lượng cứu hộ tìm thấy và chuyển về bệnh viện để chăm sóc.
Một HS bị thương nặng trong vụ sạt lở ở Trà Leng được lực lượng cứu hộ tìm thấy và chuyển về bệnh viện để chăm sóc.

Trước những mất mát quá lớn của HS, thầy cô giáo trở thành người cha, người mẹ thứ hai, mong bù đắp phần nào sự thiếu vắng tình mẫu tử.

Bỗng chốc thành trẻ mồ côi

Ba chị em Đinh Thị Kim Hằng (lớp 6, thôn 1, nóc Ông Sinh, xã Trà Vân, Huyện Nam Trà My, Quảng Nam) bỗng chốc mất cả cha lẫn mẹ và hai em nhỏ trong vụ sạt lở kinh hoàng vào đêm 28/10. Ba mẹ và 2 em của Hằng, một em đang học mẫu giáo, một em bé mới sinh bị vùi lấp sâu dưới đống đổ nát nên khi đào lên được thì không còn sống.

Đinh Thị Kim Hằng ở lại thôn lo hậu sự cho ba mẹ theo phong tục của làng. Em trai của Hằng, bé Đinh Hoàng Thái bị gãy chân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và vẫn đang nằm điều trị với nhiều dư chấn của vụ sạt lở kinh hoàng để lại. Chăm lo cho Thái tại bệnh viện những ngày này là cô giáo Nguyễn Hải Yến. Thái vẫn chưa hết hoảng sợ, ngơ ngác. “Ba mẹ và 2 em của con mất rồi”. Em bé 2 tuổi Đinh Vũ Thượng Thiên, sau 2 ngày được chăm sóc, theo dõi tại bệnh viện huyện, đã được người chị họ đón về chăm sóc.

Cô giáo Nguyễn Hải Yến đang chăm sóc HS bị thương nặng trong vụ sạt lở ở nóc Ông Sinh (Trà Vân) tại bệnh viện Đa khoa Quảng Nam
Cô giáo Nguyễn Hải Yến đang chăm sóc HS bị thương nặng trong vụ sạt lở ở nóc Ông Sinh (Trà Vân) tại bệnh viện Đa khoa Quảng Nam 

Cô giáo Lê Thị Hồng Thanh (trú xã Trà Nam, huyện Nam Trà My) – một trong những người có mặt sớm tại Trung tâm y tế huyện Nam Trà My để hỗ trợ những gia đình bị nạn kể: “Cháu bé 2 tuổi được các nhân viên y tế và những người tình nguyện chuyền tay nhau bồng bế, chăm sóc. Có đồ chơi thì cháu chơi vui được một lúc rồi lại khóc tìm mẹ. Khóc mệt thì thiếp đi ngủ. Ngủ dậy lại khóc đòi mẹ. Nhìn đứa trẻ ai cũng xót xa trước những mất mát quá lớn của con; con đâu biết được ba mẹ con đã ra đi mãi mãi”.

Bé Đinh Vũ Thượng Thiên - 2 tuổi, khóc đòi mẹ mệt rồi ngủ thiếp đi. Em bị mất cả ba lẫn mẹ, anh và em trong vụ sạt lở núi ở Trà Vân.
Bé Đinh Vũ Thượng Thiên - 2 tuổi, khóc đòi mẹ mệt rồi ngủ thiếp đi. Em bị mất cả ba lẫn mẹ, anh và em trong vụ sạt lở núi ở Trà Vân.

Khi 7 thầy cô giáo cắt rừng, vượt qua nhiều điểm sạt lở để đưa cô học trò nhỏ Đinh Thị Điệp về lại làng (thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) thì ngôi làng thân thuộc của em chỉ còn lại đống đổ nát. “Những người làng thoát nạn trong vụ sạt lở chỉ cho Điệp hai nấm mộ mới đắp vội và nói cho em biết dưới đó là ba, mẹ em. Điệp sụp luôn xuống” – thầy Trần Thanh Quốc - Hiệu trưởng trường THPT Nam Trà My kể lại. Điệp và 2 người anh không được nhìn thấy mặt cha mẹ lần cuối cùng. Trong phút chốc, 4 anh em của Điệp trở thành những đứa trẻ mồ côi, không còn cả một mái nhà để hương khói cho cha mẹ.  

Em Đinh Thị Điệp bàng hoàng sụp xuống trước nấm mồ của ba mẹ được người dân thôn 1 xã Trà Leng lập vội sau vụ lở núi kinh hoàng ngày 28/10
Em Đinh Thị Điệp bàng hoàng sụp xuống trước nấm mồ của ba mẹ được người dân thôn 1 xã Trà Leng lập vội sau vụ lở núi kinh hoàng ngày 28/10

Được thầy cô giáo đưa về làng sau khi biết không thể giữ chân HS trở lại trường, Lê Thanh Tú (học sinh lớp 11, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My) và 4 người bạn cùng làng ngã khuỵu khi 11 nóc nhà quây quần trong thôn đã bị san phẳng, không còn dấu vết. Trước cảnh tượng đầy ám ảnh, với nỗi đau mất mát quá lớn, Tú không trụ được. Suốt buổi sáng 30/10, thầy giáo Hồ Văn Việt – Bí thư Đoàn trường phải ôm lấy cậu học trò nhỏ vỗ về: em khóc được thì cứ khóc. Tú không còn nước mắt để khóc. Cuộc điện thoại Tú nhận được từ cha là ông Lê Hoàng Việt – Bí thư xã Trà Leng, dặn con ở trường yên tâm trú bão, đừng đi ra ngoài, không ngờ là những lời dặn dò cuối cùng mà em nhận được.

Hồ Văn Hải (HS lớp 10, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My) chết lặng trước nỗi đau quá lớn. Hải về đến làng đã không kịp gặp cha lần cuối. Và suốt cả ngày hôm qua, Hải đứng chôn chân cạnh nấm mồ được dân làng dựng lên để an táng cho ông Ton – cha mình và dõi theo diễn biến tìm kiếm của lực lượng cứu hộ. Dưới lớp bùn đất kia còn có 7 người thân ruột thịt của Hải, gồm mẹ, hai đứa em trai, dì ruột và họ hàng. Chỉ trong phút chốc sau thảm họa, Hải không còn nơi nương tựa khi mồ côi cả cha lẫn mẹ và những người thân khác.

Thầy cô là chỗ dựa tinh thần

Những ngày này, BGH và giáo viên của trường Tiểu học Trà Vân tất bật với rất nhiều đầu việc. Vừa nấu ăn để phục vụ cho người dân vùng sạt lở đất, vừa thăm viếng bà con, cắt đặt người chăm sóc những HS bị thương đang điều trị ở bệnh viện vừa khắc phục hậu quả bão lũ để HS đến trường trở lại.

Thầy Hồ Văn Việt - Bí thư Đoàn trường Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My ôm lấy Tú, động viên em trước những mất mát quá lớn
Thầy Hồ Văn Việt - Bí thư Đoàn trường Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My ôm lấy Tú, động viên em trước những mất mát quá lớn

Thầy Hồ Văn Hạnh – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trà Vân cho biết: Theo lịch học, ngày mai, HS toàn trường sẽ đến trường trở lại. Thầy cô giáo cũng đã động viên những HS có bố mẹ mất trong vụ sạt lở ở nóc Ông Sinh ra lớp. Cũng chưa chắc chắn là các em đã ổn định tinh thần trở lại nhưng nhà trường sẽ tìm cách thuyết phục, động viên HS đi học trở lại.

Ở trường đã có bán trú, các em sẽ ở lại ăn học tại trường. GV nhà trường sẽ đỡ đầu cho những em HS này. Ngoài em Đinh Hoàng Thái, trường còn có một HS khác cũng bị mất mẹ trong đợt bão vừa qua. Với những HS có hoàn cảnh gia đình quá đặc biệt như vậy, thầy cô giáo sẽ có những quan tâm, chăm sóc đặc biệt về mặt tinh thần để bù đắp cho các em vơi bớt những mất mát, thiệt thòi. Với những em nhỏ, rất cần sự chia sẻ, động viên, bù đắp về mặt tinh thần”.

Ông Đặng Văn Thuận – Trưởng phòng GD&ĐT Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết: “Phòng GD&ĐT đã trao đổi với lãnh đạo các trường học có HS bị mất cha mẹ, người thân trong các vụ sát lở ở địa bàn huyện. Với những HS lớn từ bậc Tiểu học trở lên, các em đã có chế độ bán trú, các em đến trường, nhà trường sẽ có trách nhiệm nuôi các em ăn học. Sự động viên, chăm sóc, gần gũi về mặt tinh thần sẽ rất quan trọng với các em trong thời gian này. Còn chế độ chính sách xã hội lâu dài thì UBND huyện sẽ có sự tính toán để các em được nuôi dưỡng, học hành chu đáo. Ngày mai các em trở lại học bình thường, các trường sẽ động viên HS ra lớp; thầy cô ở trường sẽ lo cho các em trong thời gian ban đầu”.

Thầy Trần Văn Quốc – Hiệu trưởng trường THPT Nam Trà My cho biết đã trao đổi với người chú ruột của em Đinh Thị Điệp để đón em Đệ, em trai Điệp lên huyện học cùng với chị. “Nhà trường sẽ bố trí cho các em một phòng nho nhỏ để hai chị em chăm sóc, gần gũi nhau, cho có không khí một gia đình. Về lâu dài, tôi sẽ kiến nghị với UBND huyện cho các em một căn nhà tình nghĩa. Anh em Điệp giờ gần như không còn bà con thân thích nữa” – thầy Quốc thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.