Học sinh THPT được học tín chỉ đại học: Thận trọng từng bước

GD&TĐ - Tán thành với đề xuất cho phép học sinh THPT học trước tín chỉ đại học, các chuyên gia cho rằng cần thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC

Khó khăn nhất định

Dù không phổ biến, nhưng theo TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, một số quốc gia trên thế giới cho phép học sinh “học vượt”. Theo đó, các em được phép học trước một số tín chỉ đại học (nếu đủ và đáp ứng các điều kiện).

“Trên thế giới, có học sinh chưa đầy 15 tuổi đã tốt nghiệp đại học”, TS Lê Viết Khuyến trao đổi và viện dẫn, tại thành phố Salisbury (bang Bắc Carolina, Mỹ), cậu bé Mike Wimmer (14 tuổi) đã tốt nghiệp Trường Đại học Bắc Carolina năm 2023. Mike Wimmer nhận tấm bằng cử nhân chuyên ngành Khoa học máy tính của trường đại học này.

Hệ thống giáo dục của Việt Nam có giáo dục phổ thông, nghề nghiệp và đại học, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, đồng thời cho rằng, nếu tách rời 3 bậc học này sẽ là điểm yếu về mặt nội dung, cấu trúc. Việc đào tạo một vài tín chỉ ở trình độ đại học cho học sinh lớp 11, 12 hoặc cho sinh viên cao đẳng cần làm thí điểm thận trọng và đảm bảo không gây quá tải khi học các học phần để lấy tín chỉ.

Thực tế cho thấy, học sinh THPT học trước tín chỉ đại học mới được “khởi động” và còn lạ lẫm với nhiều người. Vì mới nên còn những khó khăn, rào cản nhất định. Trước hết, rào cản về tâm lý người học. Học sinh có sẵn sàng “học vượt” hay không? Sắp xếp thời gian, lịch học thế nào? Ngoài ra, quy định của luật pháp đã “mở” hay chưa?

Để tháo gỡ vướng mắc, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng quy chế đào tạo, trong đó có quy định chuẩn đầu ra, công nhận tín chỉ. Ngoài ra, cần có cơ chế tạo điều kiện một số cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng nghề đủ điều kiện mở trường phổ thông. Nếu luật chưa có quy định này thì có thể sửa đổi, bổ sung, sau đó tổ chức thí điểm.

Mặt khác, cần khuyến khích các trường đại học phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường cao đẳng, trung cấp). “Nếu vướng mắc về quản lý thì cần tháo gỡ”, TS Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm và gợi mở, nên chăng tính toán lại phương án đưa các trường nghề về Bộ GD&ĐT quản lý.

Sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: NTCC

Không “cố đấm ăn xôi”

Từ thực tế, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận, nhiều học sinh có trí tuệ, năng lực học tập, sáng tạo vượt trội. Vì vậy, không nên kìm hãm sự phát triển của các em bằng những quy định cứng nhắc. Không phải đợi đến 18 tuổi học sinh mới được học đại học. Các em có thể tiếp cận, học trước một số nội dung, học phần của chương trình đại học nếu đủ năng lực.

“Việc học vượt hay không phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực người học. Tuy nhiên, việc này cần thận trọng, không nên “nở rộ”, “cố đấm ăn xôi” và tránh tạo sức ép cho học sinh”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, đồng thời trao đổi, chúng ta có thể triển khai theo hướng, cho phép học sinh phổ thông học trước một số tín chỉ đại học bằng hình thức đào tạo trực tuyến.

Ngoài ra, có thể tổ chức cho học sinh học tập trung vào mùa Hè hoặc kỳ nghỉ dài ngày. Trước mắt, nên xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng, ưu tiên lựa chọn học sinh tốp đầu các trường THPT, năng khiếu, THPT chuyên. Cần quy định về lực học, giới hạn số tín chỉ hoặc điểm trung bình tối thiểu ở trường phổ thông.

Nhấn mạnh, cho phép học sinh THPT học trước đại học chưa nên vội vàng triển khai diện rộng, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc này cần thí điểm, làm từng bước. Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiên phong thực hiện cơ chế này thì cần tạo điều kiện. Kết quả học tín chỉ của học sinh sẽ được cơ sở giáo dục đại học công nhận - nếu sau khi tốt nghiệp THPT các em được tiếp nhận vào trường đại học, với ngành học phù hợp.

Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, sau một thời gian, cần có đánh giá tổng kết về kết quả của việc cho phép học sinh THPT học trước một số tín chỉ ở đại học. Trên cơ sở đó, phân tích lợi ích, hiệu quả và những khó khăn, bất cập trong thực tiễn để đánh giá, “đo lường” tác động của chủ trương trong xã hội; từ đó, có những bước đi tiếp theo. Nếu hiệu quả, nhiều tín hiệu tích cực, khả quan và có lợi cho người học thì có thể mở rộng cách thức này.

Đồng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, nếu còn những quy định “cản trở” học sinh học trước một số tín chỉ đại học thì cần thay đổi. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Do đó, các em cần được tạo điều kiện học tập để phát triển tối đa năng lực. Thứ nữa, việc học sinh đăng ký học trước một trường đại học là tự nguyện và theo định hướng học tập của các em nên phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, cần thận trọng, làm từng bước, không nên lạm dụng làm “ồ ạt”.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, không nên “khắt khe” việc học sinh học vượt, học trước đại học, bởi điều này phù hợp với xu hướng giáo dục thế giới. Ngoài ra, các trường đại học có quyền tận dụng nguồn lực xã hội hóa, nâng cao hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, phải có quy định chặt chẽ, đảm bảo người học được học và học được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ