Mô hình này được các trường phổ thông phối hợp, liên kết với trường đại học, cao đẳng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người học.
Xu hướng của học sinh phổ thông
Terence Chi-Shen Tao, 49 tuổi, hiện là Giáo sư Toán tại Đại học California, Los Angeles (UCLA), Mỹ. Từ nhỏ, anh bộc lộ năng khiếu của mình, được giới truyền thông ví như “Mozart Toán học”. Năm 8 tuổi, anh đạt 760/800 điểm môn Toán trong kỳ thi chuẩn hoá năng lực SAT.
Với kết quả trên, Tao có thể đăng ký vào trường trung học vì kỳ thi SAT thường dành cho học sinh tốt nghiệp trung học. Để tập trung phát huy tài năng Toán học, Tao đã ghi danh kép vào Đại học Flinders và tích luỹ tín chỉ các môn Toán học cơ bản.
Nhờ hệ thống tích luỹ tín chỉ dành cho học sinh phổ thông, Tao có thể đẩy nhanh tiến độ học tập để tham gia nghiên cứu, làm việc.
Tao không phải trường hợp duy nhất tích luỹ tín chỉ đại học từ sớm, cũng không phải chỉ thần đồng mới làm được điều này. Tại Canada, anh Philippe Ferland - sinh viên năm nhất Đại học St. Thomas (STU), bang New Brunswick, đã học tín chỉ môn Tiếng Nhật sơ cấp từ năm lớp 12 Trường Trung học Oromocto. Môn này tính là một tín chỉ trong chương trình đào tạo tại STU. Học sinh phổ thông đăng ký môn học đại học được miễn phí.
Nam sinh kể: “Ban đầu tôi khá lo lắng nhưng khi bước vào lớp, tôi cảm thấy khá tự tin, thoải mái”.
Tiếng Nhật không phải là môn học vượt cấp duy nhất mà Ferland vượt qua. Trước đó, hồi lớp 11, Ferland đã học môn Tâm lý học Nâng cao (AP) - môn học trong chương trình giảng dạy đại học miễn phí dành cho trường trung học. Học sinh sẽ trả 89 USD để làm bài kiểm tra hết môn và hầu hết trường đại học ở Canada đều chấp nhận kết quả này dưới dạng tín chỉ.
Ferland là một trong số nhiều học sinh trung học đã lấy tín chỉ đại học từ khi học phổ thông. Trong quá trình này, họ có thể đánh giá môi trường, chương trình, phương pháp giảng dạy tại các trường đại học này có phù hợp với định hướng hay không.
Việc lấy tín chỉ đại học ở phổ thông là mô hình phổ biến trong hệ thống giáo dục phương Tây như Mỹ, Canada, Australia. Học sinh trung học có thể tích luỹ tín chỉ đại học trước khi bắt đầu học đại học. Sở dĩ nhiều học sinh lựa chọn phương án này vì các em có thể trải nghiệm cảm giác học đại học để đánh giá môi trường này phù hợp với mình không. Nó cũng là một lợi thế cạnh tranh khi các em nộp hồ sơ ứng tuyển đại học.
Đặc biệt, việc tích luỹ tín chỉ từ phổ thông giúp học sinh tiết kiệm thời gian, chi phí học đại học. Đơn cử, tại Mỹ, học phí đại học rất đắt đỏ và sinh viên phải vay nợ chính phủ để đóng học phí. Việc có thể loại bỏ một số tín chỉ đã tích luỹ từ trước sẽ giúp các em tiết kiệm chi phí đáng kể.
Về mặt kiến thức, tích luỹ tín chỉ đại học giúp người học rút ngắn thời gian học chuyên ngành chính và có thể đăng ký học song bằng. Điều này mở rộng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn và cơ hội tìm việc làm sau khi ra trường.
Thần đồng Terence Tao vào đại học sớm nhờ mô hình ghi danh kép. |
Đa dạng hình thức tích luỹ
Học sinh trung học phương Tây có nhiều cách để tích luỹ tín chỉ đại học. Cách thức đầu tiên và phổ biến nhất là theo học chương trình tú tài Mỹ AP (Advanced Placement Diploma). Chương trình AP gồm 6 chuyên ngành: Nghệ thuật, Tiếng Anh, Lịch sử, Khoa học xã hội, Toán và Khoa học máy tính, Khoa học, Ngôn ngữ và Văn hoá thế giới. Ngoài ra có 2 khoá học kỹ năng học thuật bậc đại học là AP Research và AP Seminar.
Điều quan trọng là không phải tất cả trường đại học chấp nhận tín chỉ AP. Nhưng chứng chỉ AP được công nhận trên toàn cầu nên nếu không thể quy đổi ra tín chỉ đại học, học sinh vẫn có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh đại học.
Bên cạnh đó, học sinh trung học có thể ghi danh kép vào các lớp đại học dù chưa tốt nghiệp phổ thông. Mô hình này cho phép học sinh tham gia các khoá học đại học, thường là môn có trình độ hoặc kiến thức tương đương với chương trình giáo dục phổ thông. Chương trình này được tổ chức tại các trường cao đẳng cộng đồng. Kết quả các môn vừa tính vào điểm tốt nghiệp trung học, vừa tính vào tín chỉ đại học nếu thi đỗ.
Tuy nhiên, chỉ một số trường trung học có liên kết chương trình ghi danh kép với trường cao đẳng. Nhưng khi đã đăng ký, người học có thể chọn môn học có trình độ nâng cao ở bậc đại học, miễn là họ có thể theo kịp lớp học và thi qua môn, đồng thời được tính vào tín chỉ đại học sau này.
Chương trình học hè là cách thứ 4 để học sinh trung học lấy tín chỉ đại học. Một số trường cao đẳng, đại học tổ chức chương trình học hè dành cho mọi cá nhân vượt qua vòng đăng ký. Sau khi hoàn thành chương trình học, kết quả này được tính vào tín chỉ đại học. Đây cũng là cơ hội để học sinh trung học trải nghiệm cuộc sống ở ngôi trường đại học mà họ dự định ứng tuyển.
Riêng tại Mỹ, học sinh phổ thông có thể tham gia chương trình kiểm tra trình độ đại học (College Level Examination Program – CLEP) ngay khi còn ngồi trên ghế phổ thông. CLEP gồm 34 bài kiểm tra cho các khoá học cơ bản tại trường đại học. Nếu vượt qua kỳ thi này, người học có thể nhận tín chỉ tại 2.900 trường cao đẳng và đại học Mỹ.
Mỗi bài thi có lệ phí là 90 USD, chưa kể phí đăng ký tại trung tâm khảo thí. Tuy nhiên, tổng chi phí thi CLEP tiết kiệm đáng kể so với học phí của các môn này tại đại học.
Các môn học trong chương trình AP tương đương với nhiều môn học ở trình độ đại học nên nếu ở bậc trung học, sinh viên đã thi qua những môn này sẽ được miễn ở đại học. Khoá học AP tại trường trung học thường không tốn chi phí nhưng học sinh cần trả tiền làm bài kiểm tra lấy tín chỉ cho đại học. Số lượng tín chỉ thu được phụ thuộc vào quy định của trường đại học mà các em đăng ký.